Trong nhiều giờ, Boncuk hoảng loạn tìm kiếm trong thành phố Antakya người nào đó giúp ông cứu mẹ. Ông có thể nói chuyện với bà, nắm tay bà và mang nước cho bà. Dù Boncuck cầu cứu khắp nơi, không ai tới giúp ông. Mẹ của ông qua đời hôm 07/02, một ngày sau trận đống đất.
Như nhiều người khác ở Thổ Nhĩ Kỳ, nỗi đau của Boncuk đã biến thành cơn phẫn nộ trước những gì ông cho là phản ứng không hiệu quả sau thảm họa động đất đã khiến hàng chục nghìn người ở nước này và ở Syria thiệt mạng.
Thi thể của mẹ Boncuk được đưa ra khỏi đống đổ nát hôm 12/02, gần một tuần sau khi tòa nhà đổ sập. Thi thể cha ông vẫn còn mắc kẹt.
"Tôi đã mang nước cho bà, tôi đã rửa mặt cho bà. Tôi nói rằng tôi sẽ cứu bà, nhưng tôi đã không làm được," Boncuck nói. "Lần cuối chúng tôi nói chuyện, tôi hỏi bà có nên giúp bà uống nước không. Bà nói không, nên tôi đã dấp nước lên miệng bà. Mười phút sau, bà qua đời".
Boncuk đổ lỗi cái chết của mẹ cho "sự thời ơ, thiếu thông tin và thiếu quan tâm".
Nhiều người ở Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ sự thất vọng tương tự, rằng quá trình giải cứu đã diễn ra rất chậm từ khi thảm họa diễn ra, khiến khoảng thời gian quý giá để cứu sống các nạn nhân đã trôi qua.
Những người khác, đặc biệt ở tỉnh Hatay phía Nam gần biên giới Syria, cho rằng chính quyền đã chậm trễ trong việc gửi cứu trợ tới khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Hôm 11/02, tại thị trấn miền Tây Nam Adiyaman, Elif Busra Ozturk chờ đợi bên ngoài đống đổ nát của một tòa nhà, nơi cô và chú chị bị mắc kẹt, có lẽ đã thiệt mạng. Thi thể hai người em họ của chị đã được tìm thấy.
"Tôi chờ đợi cứu viện bên ngoài suốt ba ngày, nhưng không ai tới. Có quá ít cứu hộ đến mức họ chỉ tới các khu vực chắc chắn có người còn sống," chị nói.
Cùng tòa nhà, Abdullah Tas, 66 tuổi, cho biết ông đang ngủ trong xe hơi cạnh một tòa nhà nơi con trai, con dâu và bốn cháu của ông bị vùi lấp. Theo ông kể lại, đội cứu hộ chỉ đến bốn ngày sau khi động đất xảy ra.
"Như thế thì giúp gì được cho những người mắc kẹt dưới đống đổ nát?," ông hỏi.
Hôm 11/02, tại Antakya, nhiều người vẫn còn tập trung sau rào chắn của cảnh sát, khi máy xúc xử lý một chung cư cao cấp bị sập. Tòa nhà 12 tầng có khoảng hơn 1.000 dân cư khi động đất xảy ra, theo người thân của các nạn nhân. Họ cho rằng vẫn còn hàng trăm người mắc kẹt bên trong, nhưng phàn nàn nỗ lực giải cứu diễn ra rất chậm và không nghiêm túc.
"Đây là một thảm kịch, tôi không biết phải nói gì," Bediha Kanmaz, 60 tuổi, cho hay. Thi thể con trai và cháu nội mới 7 tháng tuổi của bà đã được đưa ra từ đống đổ nát, trong tình trạng vẫn còn ôm chặt lấy nhau. Con dâu của bà vẫn đang mắc kẹt.
"Chúng tôi mở các túi thi thể để xem có phải người thân hay không, chúng tôi kiểm tra xem đó có phải con cái mình hay không. Chúng tôi kiểm tra cả những thi thể không còn nguyên vẹn," bà nói.
Kanmaz cũng đổ lỗi cho chính quyền về phản ứng chậm, đồng thời cáo buộc cơ quan cứu hộ quốc gia chưa nỗ lực hết mình để giải cứu nạn nhân.
Hôm 08/02, tổng thống Recep Tayyip Erdogan nói rằng nỗ lực cứu hộ hiện đang diễn ra tại 10 tỉnh bị ảnh hưởng, đồng thời phủ nhận cáo buộc chính phủ đã không hỗ trợ các vùng thảm họa.
Tuy vậy, ông Erdogan cũng thừa nhận sai sót. Các quan chức cho biết nỗ lực cứu hộ ở tỉnh Hatay ban đầu gặp nhiều khó khăn do đường băng của sân bay địa phương bị phá hủy, và tình trạng đường xá không tốt.
Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ hoặc ban hành lệnh bắt hàng chục người liên quan tới quá trình xây dựng các tòa nhà bị đổ sấp. Bộ Tư pháp nước này hứa hẹn sẽ trừng phạt những người có trách nhiệm.
Bà Kanmaz cáo buộc nhà phát triển tòa chung cư nơi gia đình bà gặp nạn đã thờ ơ trách nhiệm. "Nếu tóm được nhà thầu, tôi sẽ xé hắn thành từng mảnh," bà nói.
Nhà thầu xây dựng tòa chung cư của Kanmaz hôm 10/02 bị bắt tại Sân bay Istanbul, trước khi lên chuyến bay rời khỏi đất nước, theo hãng thông tấn Anadolu. Một ngày sau, ông ta chính thức bị tạm giam. Thế nhưng, luật sư của ông cho rằng công chúng chỉ đang tìm kiếm "con dê tế thần" sau thảm họa.
Linh Giang (Nguoiduatin.vn)