Chỉ mới cách đây hơn 2 tháng, Ấn Độ ghi nhận tới 4000 người chết mỗi ngày vì Covid-19. Nhưng cách đây 1 tuần, họ chứng kiến những khung cảnh khác biệt hoàn toàn. Một quán bar tầng thượng ở New Delhi lại một lần nữa kín bàn, đông nghịt nam thanh nữ tú đến giải trí, và dĩ nhiên là chẳng cần khẩu trang.
Trong số hàng trăm người trẻ tụ tập ở Summer House Cafe - khu vực ăn chơi nổi tiếng tại thủ đô Ấn Độ, có cả những người như Srishtii Guptaa. Cô gái 29 tuổi, hiện đang học thạc sĩ đã mất nhiều người thân vì Covid-19 trong làn sóng dịch bệnh lần 2 hồi tháng 4 và tháng 5 năm nay. Nhưng cô quyết định bước tiếp, thay vì ủ dột sợ hãi.
"Cuộc sống mà," - Guptaa nói, cho biết cô đã quay trở lại cuộc sống bận rộn kể từ khi các lệnh phong tỏa được dỡ bỏ. "Chẳng thứ gì ngăn được tôi tiệc tùng vui vẻ."
Mở toang cửa
Với nhiều người Ấn Độ, cuộc sống lúc này đã trở lại bình thường sau làn sóng dịch bệnh đầy chết chóc và mùa xuân. Tại New Delhi và nhiều thành phố khác, người dân tấp nập đi mua sắm, ăn tối tại nhà hàng, tụ tập trong các quán bar và hộp đêm hào nhoáng. Rất nhiều người không có một chút phòng vệ nào trước dịch bệnh, kể từ khi quy định giãn cách và đeo khẩu trang trở thành tự nguyện.
Sau đỉnh dịch 400.000 ca mỗi ngày, số ca nhiễm tại Ấn Độ hiện đang giảm một cách đều đặn bất chấp chiến dịch tiêm vaccine diễn ra khá chậm rãi. Nhiều tuần qua, số ca nhiễm trung bình mỗi ngày trên cả nước rơi vào khoảng 40.000. Chỉ 7% trên tổng số 1,3 tỉ dân được tiêm cả 2 mũi vaccine.
Các chuyên gia y tế nhận định số ca nhiễm giảm xuống một phần là nhờ quy định phong tỏa khu vực áp dụng hồi tháng 4 và tháng 5, buộc các doanh nghiệp phải đóng của và người dân phải ở trong nhà. Hơn nữa khi dịch bệnh càn quét cả đất nước, một phần đông công chúng dường như đã có miễn dịch ở mức độ nào đó. Khoảng 2/3 người Ấn Độ đang có kháng thể Covid trong người - theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ công bố vào tháng 7 vừa qua.
Nhiều người Ấn Độ đã từ bỏ các biện pháp phòng dịch, bởi cho rằng họ đã được miễn dịch. Hơn nữa, một số người cho biết việc tránh xa đám đông là bất khả thi, đặc biệt là ở những thành phố đông dân. Vậy nên, họ chọn sống một cách bình thường, thay vì nơm nớp lo sợ virus.
"Bạn phải ăn uống trong hàng quán, hoặc không ăn gì cả," - Anushka Bishnol, một kỹ sư phần mềm nghỉ dưỡng tại New Delhi sau hơn 2 tháng phải ở trong nhà vì mắc Covid. Cô sốt cao, mệt mỏi, nhưng giờ đang đặt niềm tin hoàn toàn vào số kháng thể có được sau giai đoạn ấy. "Bị mắc bệnh quả là mệt mỏi. Nhưng giờ tôi thấy rất sung sướng khi được gặp gỡ mọi người."
Nỗi sợ về một "địa ngục thứ 3"
Việc được trở lại hoạt động là một cứu cánh dành cho các doanh nghiệp Ấn Độ sau thời gian phong tỏa, dù doanh số vẫn còn thua rất xa so với thời kỳ trước dịch. Tuy nhiên các nhà khoa học và chuyên gia y tế đang sợ rằng việc quá "thả cửa" của Ấn Độ có thể là ngòi nổ của một quả bom dịch bệnh lớn hơn, sẽ kích hoạt vào cuối năm nay.
"Hành vi của con người đóng vai trò quan trọng với việc định hình dịch bệnh," - trích lời Tiến sĩ Lalit Kant, chuyên gia dịch tễ của Ấn Độ.
Giãn cách xã hội, trên thực tế, là điều rất khó ở Ấn Độ trong bối cảnh có hàng triệu người thu nhập thấp không thể làm việc tại nhà. Nhiều người phải sống trong những căn nhà đa thế hệ, đòi hỏi tất cả phải cảnh giác trước sự lây lan của biến chủng mới - điều có thể xem là bất khả thi. Và những người nghèo, Covid chỉ là một trong số những vấn đề nan giải mà họ phải lo lắng, vì quá quá nhiều thứ sẽ khiến số phận của họ chấm dứt.
Nhưng theo Tiến sĩ Kant, những người đầy đủ hơn cũng có những vấn đề phải lo ngại, nhất là khi họ đang hành động như thể đại dịch không còn tồn tại nữa.
"Mọi người đang nghĩ 'tại sao không ra ngoài và hưởng thụ?'" - ông nhận định.
Cuối tuần qua, Saurav Vashist - chủ một doanh nghiệp sữa đã ra ngoài tụ tập nhậu nhẹt cùng một nhóm bạn. Người đàn ông 33 tuổi cho biết gần như tất cả những người anh quen đều đã mất người thân trong đợt dịch trước đó. Vài người hàng xóm của anh đã chết. 3 nhân viên của công ty cũng ra đi mãi mãi. Bản thân Vashist cũng nhiễm bệnh suốt hơn 1 tuần hồi tháng 4. Hiện tại, Ấn Độ ghi nhận chính thức 425.000 ca tử vong vì Covid-19, nhưng giới khoa học sợ rằng con số thực tế phải lên tới hàng triệu.
"Tháng 4 và tháng 5 là một dạng khủng bố 11/9 với chúng tôi," - Vashist cảm thán. "Nó cứ xảy ra thôi."
Quá đau khổ để nhớ lại
Vashist hồi tưởng, đa số mọi người chỉ biết nhốt mình sau cánh cửa, chờ đợi virus chạm đến nhà mình rồi lây nhiễm cho người thân. Thời điểm ấy, nỗi sợ bao trùm cả đất nước. Nhưng giờ, những ai sống sót qua thảm cảnh đều cảm thấy mình bất bại, tự tin vào miễn dịch của cơ thể. Một số người thậm chí cùng từng trải qua những thảm kịch đẫm máu hơn trong quá khứ. Nay, họ chọn rũ bỏ tất cả để bước tiếp.
Nhiều nhà dịch tễ học dự đoán Ấn Độ sẽ rơi vào làn sóng dịch bệnh thứ 3 vào cuối năm 2021, và có khoảng 400 triệu người vẫn chưa có miễn dịch. Trong khi đó, những người khỏi bệnh chỉ có kháng thể đủ dùng và sẽ dần yếu đi trong vòng vài tháng, dẫn đến khả năng tái nhiễm virus - theo lời chuyên gia cảnh báo.
Aafreen Ansari (24 tuổi) cho biết bạn bè cô nhiều người rơi vào trạng thái "tự nguyện bước tiếp". Họ đã quá đau khổ với những mảng ký ức mất đi người thân, sợ hãi trước cảnh không thể thở vì nhiễm bệnh, nhưng giờ chọn cách vờ như dịch bệnh chưa tồn tại.
"Đó là sự chối bỏ, như thể đại dịch chưa từng xuất hiện," - Ansari cho hay.
Một số người khác thuộc tầng lớp lao động thấp trở nên thư giãn, đơn giản vì họ không thể cảnh giác nổi. Như đầu bếp Shobhita Chitkara (23 tuổi) sống chung với gia đình 10 thành viên. Cả nhà họ đều từng mắc Covid, nhưng đã sống sót.
Chitkara cho biết cô đã rất sợ khi khách sạn cô làm việc tại New Delhi trở lại mở cửa sau phong tỏa. Đám cưới, tiệc tùng được đặt rất nhiều, thậm chí ở mức giống như trước dịch, trong khi các phòng gần như kín thường xuyên.
Nhưng bất chấp sợ hãi, Chitkara cần tiền hơn. Cô buộc phải tập những thói quen mới để giữ cho gia đình an toàn, chẳng hạn như ngâm quần áo đã mặc trong nước tẩy, luôn đeo găng tay và sẽ tắm ngay sau khi trở về nhà.
"Sợ thì sợ, nhưng không có tiền và đồ ăn thì phải làm sao," - cô nói trong chán nản.
Theo J.D (Pháp Luật & Bạn Đọc )