Đất nước tỉ dân bị nhấn chìm trong 'địa ngục Covid': Xác chết chất chồng đến mức phải hỏa thiêu bên lề đường

24/04/2021 13:24:21

Tình cảnh tại Ấn Độ hiện nay được nhiều người ví với địa ngục. Họ thiếu mọi thứ: Giường bệnh, oxy, thuốc cho đến cả giàn hỏa thiêu.

Nhìn vào đám đông tụ tập tại West Bengal hôm 17/4, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết ông chưa từng thấy đám đông nào nhiều đến như vậy. Nhưng, đa số người ở đó chẳng đeo khẩu trang, và Modi cũng vậy.

Trong ngày hôm đó, Ấn Độ ghi nhận một kỷ lục với 234.000 ca nhiễm Covid-19 mới, cùng 1341 ca tử vong!

Nhưng con số ấy vẫn chưa dừng lại. Chỉ mới ngày 22/4 vừa qua thôi, báo cáo cho thấy có 314.835 ca mắc mới chỉ trong vòng 24 giờ đồng hồ - một kỷ lục chưa từng thấy ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.

Đất nước tỉ dân bị nhấn chìm trong 'địa ngục Covid': Xác chết chất chồng đến mức phải hỏa thiêu bên lề đường
Thi thể dồn ứ nhiều đến mức phải hỏa táng ngoài trời tại Ấn Độ

Đất nước hiện tại có thể nói đang trải qua bi kịch không thể tin nổi. Trong vòng 1 tuần, gần 1,6 triệu ca nhiễm được ghi nhận, nâng tổng số ca mắc bệnh tại Ấn Độ lên tới hơn 16 triệu. Trong vòng 12 ngày, tỉ lệ dương tính tăng gấp đôi, lên tới 17%, trong khi Delhi chạm mốc 30%. Đáng chú ý, lượng người trẻ nhiễm bệnh phải nhập viện đang tăng rất cao. Như tại Delhi, 65% các ca nhiễm thuộc nhóm dưới 40 tuổi.

Một phần nguyên nhân nằm ở việc biến chủng Covid-19 đang chiếm ưu thế tại Ấn Độ có khả năng lây nhiễm nhanh hơn, nhưng phần lớn lý do là vì quản lý quá buông lỏng giữa các tiểu bang, qua đó tạo ra những niềm tin sai lầm cho rằng đất nước đã đánh bại thành công Covid-19.

Địa ngục xuất hiện

Tuyến đầu chống dịch của Ấn Độ đang vỡ nát. Các bác sĩ kiệt quệ trước làn sóng bệnh nhân chết dần mà họ không thể giúp đỡ, bởi thiếu giường bệnh và sự chuẩn bị từ cấp cao hơn.

Bác sĩ Amit Thadhani - giám đốc bệnh viện Niramaya ở Mumbai vốn chuyên biệt điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 cho biết, ông đã cảnh báo về một làn sóng dịch bệnh từ tháng 2/2021 nhưng chẳng ai để ý. Hiện tại, bệnh viện của ông kín đặc. Nếu có ai xuất viện, giường bệnh ấy sẽ được lấp kín trong vòng vài phút. Cách đây 10 ngày, số bình oxy tại đây cũng cạn, nhưng may mắn là tìm được nguồn cung thay thế kịp thời.

Đất nước tỉ dân bị nhấn chìm trong 'địa ngục Covid': Xác chết chất chồng đến mức phải hỏa thiêu bên lề đường - 1

"Hàng đoàn người xếp hàng dài trước bệnh viện, và các cuộc gọi tìm giường bệnh đến cách nhau chỉ 30s, liên tục. Hầu hết là yêu cầu giường cho bệnh nhân triệu chứng quá nặng nhưng không thể có đủ giường cho họ, qua đó số người chết là nhiều vô kể."

Thadhani cho biết, lần này virus "hung bạo hơn và lây nhiễm dễ hơn", và hiện đang nhắm đến người trẻ với rất nhiều ca tử vong ở độ tuổi dưới 40.

Những tiếng còi hú đầy ám ảnh từ xe cứu thương phát ra không ngừng nghỉ. Tại bệnh viện công Lok Nayak - cơ sở điều trị Covid-19 lớn nhất Delhi, số bệnh nhân quá nhiều và nguồn cung oxy có giới hạn khiến họ buộc phải để 2 người nằm chung giường, trong khi đoàn người xếp hàng bên ngoài chờ đợi trong tiếng khóc thổn thức. Có người đã chết trong lúc chờ đợi, bên trong xe cứu thương đậu ngoài bệnh viện.

Tại Mumbai - thành phố đầu tiên chịu ảnh hưởng từ làn sóng dịch thứ 2, Bác sĩ Jalil Parkar từ bệnh viện Lilavati nhận định đầy u ám: "Hệ thống y tế đã sụp đổ, bác sĩ thì kiệt quệ."

"Thiếu giường, thiếu oxy, thiếu thuốc, thiếu vaccine, thiếu xét nghiệm. Thiếu tất cả mọi thứ."

"Dù đã mở thêm một khu cho điều trị Covid, chúng tôi vẫn không có đủ giường, nên phải để bệnh nhân nằm ngoài hành lang, thậm chí tận dụng luôn cả tầng hầm. Có người phải đợi trong xe cứu thương, hoặc ngồi trên xe lăn, nằm trên cáng ngoài bệnh viện, cầm cự bằng bình oxy. Nhưng có thể làm được gì nữa chứ?"

Đất nước tỉ dân bị nhấn chìm trong 'địa ngục Covid': Xác chết chất chồng đến mức phải hỏa thiêu bên lề đường - 2

Thủ hiến Delhi, ông Arvind Kejriwal cũng không trốn tránh thực tại này. Phát biểu hôm 19/4, ông cho biết tình hình dịch bệnh tại Delhi đang rất tăm tối, với 99% giường chăm sóc tích cực (ICU) đã kín chỗ chỉ trong ngày hôm đó. Sau 1 ngày, nhiều bệnh viện top đầu của thành phố ban hành cảnh báo oxy khẩn cấp - nghĩa là lượng oxy dự trữ của họ chỉ còn đủ dùng trong vài giờ.

Những cái chết không thể chống đỡ

Lucknow là một trong những thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất tại bang Uttar Pradesh. Đó là nơi Deepti Mistri - bà mẹ 1 con mới 22 tuổi, người không có bất kỳ tiền sử bệnh tật nào - đã chết, sau khi nhiễm Covid-19 vào ngày 14/4.

Bác của Mistri - ông Saroj Kumar Pandey là một tài xế lái xe cứu thương đã cố gắng đến tuyệt vọng để tìm cho cô một giường bệnh. Nhưng suốt 2 ngày, kể cả khi nồng độ oxy trong máu cô tụt xuống dưới 50%, vẫn chẳng ở đâu có giường trống cả.

Đất nước tỉ dân bị nhấn chìm trong 'địa ngục Covid': Xác chết chất chồng đến mức phải hỏa thiêu bên lề đường - 3

Đêm ngày 16/4, cuối cùng Pandey cũng tìm được giường trong một cơ sở khám chữa bệnh tư nhân ở Lucknow. Đó không phải là bệnh viện chuyên trị Covid-19, nhưng họ đồng ý nhận cô trong 1 đêm để Pandey tiếp tục tìm kiếm thêm. "5h sáng con bé phải rời viện, chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc đưa nó về nhà. Deepti chết sau đó vài giờ, vì chẳng có oxy để thở, cũng không có bệnh viện nhận nó. Con bé đáng ra không nên chết như vậy."

Trên mạng xã hội ngập tràn hàng trăm ngàn tin nhắn cầu cứu tìm giường bệnh, bình oxy, huyết tương hoặc thuốc remdesivir - một loại thuốc chữa Covid đang thử nghiệm. Nguồn cung của toàn bộ đều đang cạn kiệt. Và khi không thể cung cấp đủ, những cái chết tăng lên là tất yếu.

Số người chết nhiều đến mức khiến nghĩa trang và khu hỏa táng trở nên quá tải ở Uttar Pradesh, Gujarat và Delhi. Thi thể tích tụ nhiều hơn khả năng vận hành, người thân phải đợi vài ngày để hỏa thiêu nạn nhân. Như Chủ nhật tuần qua (18/4), cơ sở hỏa táng lớn nhất Delhi kín sạch chỗ, dù đã tăng gấp đôi số giàn hỏa lên hơn 60. Một số trường hợp thậm chí phải hỏa thiêu ngoài trời.

Đất nước tỉ dân bị nhấn chìm trong 'địa ngục Covid': Xác chết chất chồng đến mức phải hỏa thiêu bên lề đường - 4
Các giàn hỏa được thiết lập ngoài trời để hỏa thiêu thi thể đang dồn ứ

Ông Madan Kumar - người nhà một nạn nhân Covid-19 ở Ấn Độ cho biết: "Người ta đòi 12.000 đến 14.000 rupee tiền hỏa thiêu, người nghèo thì làm sao trả được? Tôi đang ở đây để hỏa thiêu bố vợ bị bệnh. Tiền thì trả rồi, nhưng xong thì chưa. Họ cầm đủ tiền, chất củi nhưng không đủ để thiêu hết thi thể rồi biến mất. Đi tìm họ thì chẳng thấy đâu."

Hiện tại, chính quyền tại Delhi và Mumbai đang xây dựng lại các bệnh viện dã chiến họ đã dỡ bỏ trước đó vài tháng. Chương trình vaccine cũng đang xây dựng, với kế hoạch tiêm chủng cho người trên 18 tuổi từ ngày 1/5, nhưng nguồn cung vaccine vẫn đang giới hạn, chưa có câu trả lời.

Một kế hoạch biến những toa tàu thành nơi chuyên chở đặc biệt cho oxy lỏng và bình oxy. Ngoài ra, sẽ có thêm hàng ngàn giường bệnh nữa được sắp xếp. Tuy nhiên, nhiều người sợ rằng mọi thứ đã quá trễ. "Tôi sợ rằng chúng ta vẫn chưa thấy điều tồi tệ nhất," - Thadhani cho biết.

Theo JD (Pháp Luật & Bạn Đọc)