Tọkyo muốn New Delhi tăng cường tiếng nói trong ủng hộ giải quyết tranh chấp Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế. Tuy nhiên Ấn Độ được cho là vẫn còn một số vấn đề còn lưỡng lự.
Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. |
Yuki Tamura, người phụ trách bộ phận chính sách khu vực thuộc Bộ Ngoại giao nói rằng Nhật Bản đã "khuyến khích Ấn Độ lên tiếng về các vấn đề liên quan đến Biển Đông vì an ninh hàng hải là quan trọng".
Ấn Độ và Nhật Bản đang xích lại gần nhau như một "đối tác chiến lược và toàn cầu" từ năm 2006. Trong những năm gần đây, khi các tranh chấp ở Biển Đông khiến tình hình khu vực căng thẳng, hai nước đã bày tỏ sự quan tâm tích cực tại một trong những tuyến đường giao thông hàng hải quan trọng nhất trên thế giới này.
Theo giới quán sát, lời kêu gọi của Tokyo đối với Ấn Độ là điều không ngạc nhiên. Nhật Bản hiện cũng đang có tranh chấp của riêng mình với Trung Quốc trên quần đảo Điếu Ngư/Senkaku ở Biển Hoa Đông, nhưng đồng thời luôn theo sát tình hình ở Biển Đông - nơi gần đây vừa tiếp nhận phán quyết từ Tòa Trọng tài Thường trực, giải quyết tranh chấp dựa trên các giá trị phổ quát về luật pháp, tự do hàng hải và hòa hảo tránh xung đột - điều mà Nhật Bản luôn ủng hộ.
Trong khi đó, Ấn Độ đã từng nhiều lần lên tiếng về vấn đề Biển Đông, bao gồm việc ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài, kêu gọi Trung Quốc tuân thủ và thực thi luật pháp quốc tế, tránh gây xung đột và ủng hộ các tuyên bố chung của Việt Nam, Mỹ và Nhật Bản.
Ấn Độ, từng lấy ví dụ về giải quyết tranh chấp của riêng mình với Bangladesh vào năm 2014 thông qua một tòa án UNCLOS để kêu gọi Bắc Kinh làm theo. Tại thời diểm đó, dù thua cuộc nhưng New Delhi vẫn hoan nghênh và tuân thủ phán quyết.
Tuy nhiên lập trường của Ấn Độ trên Biển Đông vốn vẫn được cho là sẽ không đi xa như Tokyo hay Washington.
Trong cuộc hội nghị thượng đỉnh song phương năm ngoái, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã cùng nhau kêu gọi "tất cả các nước tránh các hành động đơn phương mà có thể dẫn tới những căng thẳng trong khu vực". Hai nhà lãnh đạo đang lên kế hoạch để tiếp tục một tuyên bố chung vào cuối năm nay.
Theo bình luận viên Ankit Panda của tờ The Diplomat, New Delhi có lợi ích riêng của mình ở Biển Đông, khi coi đây như một "khu vực thứ cấp" trong chiến lược hàng hải của nước này hồi năm ngoái.
Trước đó vào năm 2015, trước khi phán quyết PCA đưa ra, Ấn Độ từng ký vào một tuyên bố ba bên với Nga và Trung Quốc kêu gọi các tranh chấp trong khu vực cần được giải quyết thông qua tham vấn song phương, đúng với quan điểm nhất quán của Bắc Kinh.
Nhưng kể từ đó Delhi đã tái khẳng định lập trường của mình một cách độc lập hơn khi ủng hộ sự tham gia của luật pháp quốc tế.
Giới quan sát đang chờ đợi xem sự nhiệt tình của Nhật Bản có thể đưa Ấn Độ đóng một vai trò quan trọng về tham vấn ở Biển Đông hay không.
Ankit Panda cho rằng, mặc dù quan điểm của Delhi có thể đem lại nhiều triển vọng, nhưng trở ngại ở đây là việc Ấn Độ vốn không thích các quốc gia bên ngoài "ra lệnh" cho mình.
Ngoài ra, Ấn Độ không quan tâm nhiều tới các tranh chấp lãnh thổ mà có những vấn đề khác với Trung Quốc. Việc đàm phán trở thành thành viên của nhóm nhà Cung ứng hạt nhân và bất đồng về nhóm khủng bố Masood Azhar được giới quan sát đánh giá có thể tác động tới hướng đi của Delhi về lập trường Biển Đông.
Tuy nhiên cũng không loại trừ khả năng, Ấn Độ có thể tăng cường sự tham gia một cách mạng mẽ hơn.
Chiến lược hàng hải của Ấn Độ đã mô tả Biển Đông là một khu vực "lợi ích thứ cấp" - tức là khu vực cần được quan tâm tức thời chỉ sau Biển Ả Rập và Vịnh Bengal - ít nhất - New Delhi có lý do để ủng hộ tự do hàng hải trong khu vực và ngăn chặn tư tưởng bá quyền của Trung Quốc.
Một sự thống trị quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ mở đường cho Quân Giải phóng nhân dân nước này tiến hành các hoạt động thường xuyên hơn vào vịnh Bengal và phía đông Ấn Độ Dương, đe dọa lợi ích của Ấn Độ.
Trong khi đó, đối với Nhật Bản, sự quan tâm về Biển Đông sẽ không thay đổi, dù Trung Quốc liên tục phàn nàn sự tham gia của Nhật Bản giống như một mối đe dọa đến lợi ích cốt lõi của Bắc Kinh.
Hồi tháng 9/2016, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, Tomomi Inada đã công bố kế hoạch của Tokyo trong việc mở rộng hải quân trong khu vực kể từ năm 2017 và sẽ còn tăng tiến hơn nữa.
Sau tiền lệ của năm ngoái, rất có thể một tuyên bố chung về Biển Đông năm nay sẽ được đưa ra sau cuộc gặp mặt của hai người đứng đầu nhà nước Abe và Modi.
Không chỉ có giá trị trong việc nâng cao sức nặng của phán quyết, Tokyo có thể thuyết phục New Delhi có một lập trường mạnh mẽ hơn để đánh dấu một bước ngoặt quan trọng.
Theo Quốc Vinh (Nguoiduatin.vn)