Cảnh tan hoang sau vỡ đập thủy điện dọc sông Mekong ở Lào
Theo BBC, đập bị vỡ có tên là "Đập Yên ngựa D". Công trình đã hoàn thành được 90% trước khi sự cố xảy ra.
Đập bị vỡ nằm trong 5 đập phụ của dự án thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy. Dự án này còn có 2 đập chính, hợp thành một phức hợp các đập chuyển dòng và dẫn nước từ các sông Houay Makchanh, Xe-Namnoy và Xe-Pian đổ về hệ thống thủy điện.
Công ty cổ phần Phát điện Ratchaburi, có tham gia vào dự án thủy điện, ngày 24/7 xác nhận đập sụp đổ do không đủ sức chuyển dòng. Theo thông cáo bằng tiếng Anh của công ty gửi chủ tịch sàn giao dịch chứng khoán Thái Lan, đập có chiều cao 16 m, rộng 8m và có tổng chiều dài là 770.
"Sự cố xảy ra do mưa lớn kéo dài, khiến lượng nước chảy vào hồ tích trữ của dự án tăng cao", thông cáo cho biết.
Trả lời BBC, công ty Hàn Quốc tham gia dự án SK Engineering & Construction cho biết các vết nứt được phát hiện đầu tiên trên đập từ ngày 22/7. Ban quản lý sau khi kết luận đập bị hư hại một phần đã cảnh báo cho chính quyền địa phương và người dân sinh sống gần đập.
Công ty này cũng gửi một đội đến khắc phục vết nứt nhưng gặp khó khăn bởi tình hình mưa lớn và đường xá nguy hiểm.
Đến ngày 23/7, ban quản lý quyết định xả bớt nước từ một trong các đập chính trên dòng Xe-Namnoy để hạ mực nước trên các đập phụ. Chính quyền địa phương cũng yêu cầu người dân khu vực hạ lưu di tản sau khi nhận được tin báo.
Tuy nhiên, tình hình vẫn không thể được khắc phục kịp thời. Đến 18g cùng ngày, ban quản lý phát hiện thêm nhiều vết nứt khác trên đập Yên ngựa D.
Đập của công trình thủy điện Xepian-Xe Nam Noy ở tỉnh Attapeu đổ sụp vào 20h ngày 23/7, mang theo 5 tỷ m3 nước nhấn chìm gần 5 bản của huyện Sanamxay. Nhiều nhà dân bị cuốn trôi.
Hàng trăm người mất tích trong đợt lũ. Nhiều nơi mực nước dâng cao đến 10m. Khoảng 1.300 gia đình và khoảng 6.600 người rơi vào cảnh màn trời chiếu đất. Người dân được bố trí đến ở tại khu lều dựng tạm sau khi sự cố xảy ra.
Theo các thông tin địa phương, Ban cứu hộ trung ương Lào đang phối hợp với cơ quan các tỉnh Xekong, Attapeu và Sư đoàn 5 quân đội Lào triển khai chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ. Lực lượng cứu hộ đang đối mặt nhiều thách thức về đi lại và liên lạc do địa bàn bị ảnh hưởng có phạm vi rất rộng.
Chính quyền tỉnh Attapeu đã kêu gọi đảng ủy, các cơ quan chính quyền, doanh nghiệp, quan chức cảnh sát và quân đội cũng như người dân quyên góp hỗ trợ cho các nạn nhân những nhu yếu phẩm như quần áo, thực phẩm, nước uống, thuốc men, tiền mặt.
Theo Thanh Danh (Tri Thức Trực Tuyến)