Tin tức về COVID-19 ngày 24/5/2020 đổ dồn về trang nhất tờ New York Times phiên bản báo giấy. Dòng headline chạy lớn thu hút người đọc "Số người chết tại Mỹ gần đạt 100.000. Đó là sự mất mát không thể đong đếm".
Bên dưới, danh sách dài như vô tận tên của những nạn nhân đã qua đời vì COVID-19 xuất hiện, đi cùng với đó là câu chuyện cuộc đời từng người. Vỏn vẹn vài ba từ cũng đủ chất nặng nỗi buồn lên tâm trí người đọc. Họ đã sống rất đẹp, trong niềm trân trọng của gia đình, cộng đồng, thế giới và tờ New York Times.
Chúng ta bắt đầu một ngày mới bằng số người chết, số người mắc mới, số người khỏi bệnh - tất cả chỉ là con số. "Số người tử vong vì COVID-19 chắc chỉ như số người tử vong mỗi năm vì tai nạn giao thông, béo phì hay cúm mùa mà thôi", lý trí xoay quanh những con số khi cần phân tích một vấn đề. Những cột mốc được thiết lập: 1 triệu, 2 triệu rồi hơn 5 triệu người mắc. Ngoài tiếng thở dài và tặc lưỡi, ai đó có thể buồn hơn không? Không, vì đó vẫn chỉ là con số. Những bức ảnh chụp nghĩa trang tập thể từ trên cao xuống cũng không đủ đánh động lòng trắc ẩn của thế giới khi tất cả đều giống nhau, vành khăn trắng bên những hố nông đang chờ được lấp.
Nhưng đằng sau mỗi con số là vô vàn câu chuyện. Đằng sau những cái tên là tất cả những kiếp người. Chúng ta giật mình nhận ra rằng họ cũng từng như mình, có cuộc sống hạnh phúc, được gia đình và bạn bè ghi nhớ bằng câu chuyện, gương mặt, ký ức. Sáng nay, nhiều người đã ngồi soi từng cái tên, đọc kỹ từng câu chuyện, thổn thức, thở dài và bàng hoàng nhận ra COVID-19 đã thực sự mang nhiều cuộc đời rời xa thế giới này.
Đó là Terrence McNally, 81 tuổi - biên kịch tài năng từng được giải Tony với câu chuyện về người đồng tính.
Đó là Patricia Bosworth, 86 tuổi - nữ diễn viên viết tự truyện về những người bạn nổi tiếng.
Hay Jana Prince, 43 tuổi - nhân viên xã hội dành cả cuộc đời mình cống hiến cho cộng đồng.
Sự trân trọng những kiếp người
Độc giả trên thế giới ngả mũ kính phục New York Times vì tờ báo uy tín hàng đầu thế giới này đã cho người ta thấy những bài viết nhân văn và sự trân trọng con người của báo chí là như thế nào. Nó không phải một trang bìa ken đầy chữ nhằm gây sốc hay cố tình thu hút độc giả. New York Times đã cho người dân Mỹ và cả thế giới biết được hai điều: Sự tàn khốc không thể phủ nhận của đại dịch COVID-19 và mỗi cái chết đều là nỗi mất mát không thể đong đếm. Con người không chỉ là con số, dù họ còn sống hay qua đời.
Nhà báo nổi tiếng Henry Anatole Grunwald từng nói: "Báo chí không được im lặng: Đó là phẩm chất vĩ đại nhất nhưng cũng là lỗi lầm lớn nhất. Báo chí cần lên tiếng, và lên tiếng ngay lập tức khi dư âm của những hoài nghi, sự ăn mừng chiến thắng và cả dấu hiệu của sự sợ hãi vẫn còn trong không khí" - đó chính là không khí của nước Mỹ lúc này khi một bộ phận đòi hỏi nới lỏng lệnh giới nghiêm, được ra ngoài đường, không đeo khẩu trang.
Báo chí không cần phải lên tiếng đanh thép với những bài tham luận dài về sự nguy hiểm của COVID. Chỉ cần một trang nhất phơi bày câu chuyện của hàng nghìn người qua đời vì đại dịch cũng đủ để người ta tự vấn bản thân: Họ là những con người thật, không phải điều gì xa lạ. Trang bìa của New York Times đã kể lại câu chuyện quan trọng nhất của một đại dịch, gọn gàng nhưng chạm đến hàng triệu người trên thế giới: Con người. Họ đã nghe chuyện của từng gia đình để chắt lọc cuộc đời của một người thành một câu ngắn gọn, đính chính dù một lỗi sai nhỏ trong tên, trang trọng và rõ ràng.
Giữa thời khắc buồn bã, tuyệt vọng nhất, chỉ có sự trân trọng con người, đặt giá trị sống lên trên sự hoài nghi, đối đầu mới giúp xoa dịu nỗi đau nhân loại.
Mỗi cái tên là một con người, mỗi con người là một câu chuyện
Những con người đã nằm mãi cùng đại dịch, có người từng ở đỉnh cao vinh quang danh vọng, có người sống đời nhỏ bé nhưng hạnh phúc biết nhường nào; nhỏ bé hay lớn lao, họ đều đã có một quãng đời thật đẹp. Cuộc đời và những câu chuyện của họ là một phần của lịch sử. Thế giới chỉ có thể cảm nhận được nỗi đau của đại dịch khi hiểu rằng nhân loại đã mất đi một phần của câu chuyện.
Hàng nghìn cái tên trên trang bìa New York Times nhắc nhở thế giới không bao giờ được bỏ lại những con người này. Nó cũng một lần nữa cảnh tỉnh thế giới, rằng dịch bệnh vẫn còn rình rập quanh ta, lẩn khuất ở một góc nào đó trong cuộc sống, sẵn sàng lấy đi sinh mạng của bất cứ ai. Hôm nay có thể là một người ở nơi xa lạ, ngày mai có thể là một người thân của chính mình. Những điều tưởng như bình thường mà chúng ta đang được hưởng lại là niềm mơ ước của nhiều người trong thời điểm này. Dịch bệnh không cướp đi một người, hai nghìn hay 100,000 người - dịch bệnh đã đang cướp đi những mảnh ghép của một bức tranh cuộc sống.
Thế giới đã có nhiều đêm thao thức, tưởng nhớ những người đã hy sinh trong các vụ xả súng, đánh bom, rơi máy bay, khủng bố. Chúng ta vẫn chờ mãi một buổi tưởng niệm những người đã mãi ra đi vì COVID, dù là trên không gian mạng. Liệu có phải khi cái chết không còn đếm được trên đầu ngón tay, người ta sẽ coi đó như một điều bình thường? Liệu có phải khi cái chết giờ đây bị xếp thành đống, nhiều nơi còn không có chỗ chứa, cái chết đó không còn ý nghĩa?
Không phải như vậy và không bao giờ là như vậy, trang nhất của New York Times chính là một buổi "tưởng niệm trực tuyến", kể câu chuyện của mỗi người bằng sự trân trọng và những ngôn từ mộc mạc, đẹp đẽ nhất. Con số có thể chia rẽ con người, những người tin vào số liệu hay những kẻ hoài nghi; nhưng câu chuyện về cuộc đời của những người đã ngã xuống không nói dối chúng ta.
Sức mạnh của báo chí là đánh thức, chạm tới những cảm xúc sâu xa của độc giả, để những người đang thổn thức có thể vỡ òa lên khóc, những người đang đau khổ thấy nhẹ nhõm vì sự ra đi của người thân không phải một thứ vô danh. New York Times đã để nỗi đau của đại dịch được san sẻ, được thấu hiểu, được đồng cảm và được cảnh tỉnh. Với báo chí, đôi khi một câu chuyện vỏn vẹn 10 chữ đáng giá hơn một bảng phân tích thống kê khóa học.
Hôm nay, ở khắp nơi trên thế giới, người ta chia sẻ câu trang bìa của New York Times để nhắc nhở nhau rằng, rồi một ngày chúng ta sẽ quên đi con số cập nhật mỗi ngày nhưng sẽ không bao giờ quên được cái chết của một người nào đó xung quanh mình. Khi nhớ lại rằng họ - những người qua đời vì COVID, đã viết cuốn sách mà ta từng say mê đọc, sáng tác bài hát bạn vẫn ngâm nga, dạy bạn cách trở thành người tử tế hay lan tỏa những điều tốt đẹp trong cộng đồng, chúng ta sẽ biết cuộc đời mình đã thay đổi mãi mãi về sau.
Theo Minh Đức (Trí Thức Trẻ)