Đằng sau cuộc khủng hoảng chính trị Maldives

08/02/2018 11:13:20

Cuộc khủng hoảng chính trị tại Maldives thu hút sự quan tâm lớn của dư luận thế giới đặc biệt là những nước có lợi ích liên quan trực tiếp tới quốc đảo này. Trong đó, Ấn Độ, Mỹ và Trung Quộc là ba nước có những phản ứng ở các mức độ khác nhau.

Đằng sau cuộc khủng hoảng chính trị Maldives
Ảnh: AP

Diễn biến cuộc khủng hoảng chính trị tại Maldives

Cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc đảo Maldives lên tới đỉnh điểm khi ngày 1/2, Tòa án Tối cao của nước này ra phán quyết về việc thả cựu Tổng thống Mohamed Nasheed, cựu Phó Tổng thống Ahmed Adeeb và một loạt thủ lĩnh chính trị phe đối lập.

Tòa án Tối cao cho rằng các cựu quan chức trên cần phải được thả cho đến khi có thể tiến hành các phiên tòa xét xử công bằng.

Ngoài ra, Tòa án Tối cao Maldives cũng ra phán quyết yêu cầu chính phủ phục chức cho các nghị sĩ bị bãi nhiệm do rời khỏi đảng của Tổng thống Abdulla Yameen. Phe đối lập hy vọng phán quyết trên của Tòa án Tối cao sẽ mở đường giúp ông Nasheed có thể về nước, tham gia vào cuộc đua tranh chức tổng thống, dự kiến diễn ra vào tháng 10 tới.

Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Yameen đã từ chối tuân thủ các phán quyết trên của Tòa án Tối cao.

Sáng 5/2, Tổng thống Abdulla Yameen đã viết 3 lá thư gửi Tòa án Tối cao giải thích những thách thức trong việc thực thi phán quyết của tòa. Đồng thời ông Yameen đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 15 ngày, và ra lệnh cho các lực lượng an ninh bắt giữ cựu Tổng thống Maumoon Abdul Gayoom và 2 quan chức tòa án.

Tới ngày 6/2, cảnh sát Maldives đã bắt giữ Chánh án Tòa án tối cao Saeed và thẩm phán của tòa Ali Hameed theo lệnh của Tổng thống Yameen.

Hiện phe đối lập đang chiếm đa số ghế tại Quốc hội, điều này có nghĩa họ có thể buộc tội Tổng thống Yameen. Ngày 4/2, Bộ trưởng Tư pháp Maldives đã yêu cầu các cơ quan thực thi pháp luật không tuân thủ bất cứ mệnh lệnh nào vi phạm Hiến pháp nước này sau khi có thông tin cho rằng Tòa án Tối cao có thể buộc tội Tổng thống Yameen.

Quốc đảo Maldives rơi vào khủng hoảng chính trị khi Tổng thống dân chủ đầu tiên được bầu Mohamed Nasheed bị lật đổ sau cuộc binh biến của cảnh sát hồi năm 2012.

Trong cuộc bầu cử vào năm 2013, đương kim Tổng thống Yameen đã đánh bại ông Nasheed. Sau đó, ông Nasheed bị bắt giam do các cáo buộc khủng bố, tuy nhiên được phép đến Anh chữa bệnh hồi tháng 1/2016. Ông Nasheed sống lưu vong từ đó và hiện đang ở Sri Lanka.

Ấn Độ và Mỹ phản ứng mạnh mẽ

Cuộc khủng hoảng chính trị tại Maldives thu hút sự quan tâm lớn của dư luận thế giới đặc biệt là những nước có lợi ích liên quan trực tiếp tới quốc đảo này. Trong đó, Ấn Độ-Mỹ và Trung Quộc là ba nước có những phản ứng ở các mức độ khác nhau.

Ngay sau khi Tổng thống Maldives Abdulla Yameen bác bỏ phán quyết của Toà án Tối cao Maldives, Ấn Độ, Mỹ và Tổ chức ân xá quốc tế đồng loạt kêu gọi chính quyền của ông Yameen chấp hành phán quyết của tòa, thả các nhân vật phe đối lập và cựu Tổng thống Mohamed Nasheed.

Báo giới Ấn Độ đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt tới cục diện chính trị tại Maldives. Thời Báo Ấn Độ ngày 5/6 cho biết, Tổng thống Maldives Abdulla Yameen hiện đang tìm mọi cách để miễn trừ chức vụ của các thẩm phán của Tòa án Tối cao. Trong khi đó, các quan chức của Tòa án tối cao cho biết, họ "đang khẩn thiết chờ đợi hành động của Ấn Độ".

Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ sự thất vọng trước việc Maldives áp đặt tình trạng khẩn cấp, cũng như việc Tổng thống Yameen, quân đội và cảnh sát không tuân thủ phán quyết của Tòa án Tối cao. Trong khi đó, Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ cũng ra tuyên bố đề nghị Chính phủ Maldives và quân đội tuân thủ nguyên tắc luật pháp.

Tổ chức Ân xá quốc tế cho rằng, tình trạng khẩn cấp tại Maldives không thể mở đường cho việc đàn áp.

Trung Quốc phản ứng thận trọng

Bình luận về cuộc khủng hoảng chính trị tại Maldives, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 5/2 cho biết, phía Trung Quốc quan tâm mật thiết tới sự phát triển cục diện gần đây tại Maldives.

Ủng hộ các bên hữu quan tại Maldives giải quyết thỏa đáng sự khác biệt thông qua hiệp thương đối thoại, duy trì ổn định quốc gia và trật tự trị an của Maldives. Những tình hình xảy ra tại Maldives hiện nay, vẫn thuộc công việc nội bộ của Maldives.

Trong khi đó, Thời báo Ấn Độ hôm 4/2 cho biết, chính quyền Bắc Kinh đang thể hiện sự quan tâm lớn đối với cục diện tại Maldives. Tổng thống Maldives Abdulla Yameen hiện được dư luận rộng rãi cho rằng là người thân Bắc Kinh.

Trước đó, ông Yameen đã đồng ý ký kết nhiều Hiệp định then chốt với Trung Quốc bao gồm: Hiệp định thương mại tự do song phương (FTA), tham gia sáng kiến "Vành đai, con đường" của Trung Quốc, cho phép lượng lớn các doanh nghiệp Trung Quốc xâm nhập đầu tư vào Maldives.

Đặc biệt, các phương tiện truyền thống chính thống của Maldives còn công khai tuyên bố, Trung Quốc là "người bạn tốt nhất", còn Ấn Độ là "kẻ thù của quốc gia".

Cạnh tranh ảnh hưởng Ấn-Trung tại Maldives

Báo giới cho rằng, mục đích của Toà án Tối cao Maldives đòi lật đổ Tổng thống Yameen là nhằm muốn có được sự trợ giúp từ Ấn Độ. Maldives có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng và được coi là sân sau của Ấn Độ, vì vậy New Delhi quyết không cho phép để Maldives rơi vào vòng ảnh hưởng của Bắc Kinh. Do đó, trong cuộc khủng hoảng này, Ấn Độ chắc chắn sẽ hành động để lập lại trật tự trong sân sau của mình.

Tờ Diễn Đàn của Ấn Độ cho biết, cựu Tổng thống Nasheed, người gần đây đã công khai phê phán Trung Quốc, được cho là ứng cử viên Tổng thống trong cuộc bầu cử sắp tới được Ấn Độ hậu thuẫn.

Trong khi đó, đương kim Tổng thống Yameen đã ký kết nhiều Hiệp định then chốt với Trung Quốc. Do đó, đây là cơ hội để Ấn Độ thể hiện vai trò của mình trong quan hệ với Maldives, chính phủ Ấn Độ cần phải có hành động kịp thời.

Trang First Post" của Ấn Độ ngày 6/2, cho biết Maldives là nơi tranh giành ảnh hưởng giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Toà án Tối cao Maldives kêu gọi sự trợ giúp của Ấn Độ để vượt qua thời điểm khó khăn này, vì vậy Ấn Độ cần phải tận dụng thời cơ, phát huy vai trò chủ động hơn nữa.

Theo Đức Thức (Tiền Phong)

Nổi bật