Trong số 18 nghi phạm đã bị Ả Rập Saudi bắt giữ liên quan tới vụ sát hại nhà báo Khashoggi tại lãnh sự quán (LSQ) nước này ở Istanbul, có tất cả nhân vật từng được cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ (TNK) gọi là "đội 15 sát thủ". Họ chịu trách nhiệm trước cái chết của cây viết chống đối Riyadh này.
"Chiến dịch Istanbul"
Phát biểu trước Quốc hội TNK hôm 23-10, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan "tiết lộ sự thật trần trụi" về vụ án: Đội "quan chức Ả Rập Saudi" gồm 15 thành viên nêu trên - là các tướng lĩnh, sĩ quan tình báo cấp cao và cả chuyên gia pháp y - đã tới Istanbul để thủ tiêu nhà báo Khashoggi.
Theo ông Erdogan, một đội 3 người từ Riyadh - Ả Rập Saudi đã tới TNK hôm 1-10, tức một ngày trước khi nhà báo Khashoggi biến mất, để thăm dò khu rừng gần Istanbul - nơi cơ quan điều tra địa phương đang tìm kiếm thi thể nạn nhân.
Đây là lần đầu tiên người đứng đầu TNK lên tiếng xác nhận sự tồn tại của đội sát thủ đã được báo chí nước này thông tin nhiều ngày qua nhưng phía Riyadh một mực bác bỏ. Theo nhật báo Sabah thân chính phủ TNK, chiếc máy bay tư nhân đầu tiên chở 9 sát thủ Ả Rập Saudi tới từ Riyadh vào khoảng 3 giờ 30 phút ngày 2-10, trong đó có người được mô tả là chuyên gia pháp y. Sáu người còn lại của "Chiến dịch Istanbul" tới TNK trên các chuyến bay thương mại.
Vào khoảng thời gian ông Khashoggi vào LSQ, chiếc máy bay tư nhân thứ hai cất cánh từ Riyadh bay tới Istanbul. Khoảng 2 giờ sau khi ông vào LSQ, video công bố trên truyền thông TNK cho thấy một số ôtô gắn biển ngoại giao rời cơ quan này và chạy ra xa tư dinh của tổng lãnh sự Ả Rập Saudi ở Istanbul khoảng 2 km.
Báo Hurriyet và nhiều trang tin khác của TNK đưa tin 28 nhân viên địa phương của LSQ được nghỉ việc đột xuất hôm đó do có "cuộc họp của các nhà ngoại giao". Vào 19 giờ cùng ngày, 6 sát thủ rời khỏi TNK trên một chiếc máy bay tư nhân đến từ Riyadh, bay tới Cairo - Ai Cập ở lại qua đêm rồi lên đường về thủ đô Ả Rập Saudi. Tới 23 giờ, một nhóm 7 sát thủ nữa đáp chiếc máy bay tư nhân khác tới Dubai - Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất và cũng lưu lại qua đêm trước khi về Riyadh hôm sau. Hai người còn lại rời khỏi TNK bằng máy bay thương mại.
Thương thuyết bất thành
Theo trang Middle East Eye (Anh), đội sát thủ 15 người này vốn nằm trong biệt đội Firqat el-Nemr, nghĩa là "Mãnh hổ", bao gồm 50 đặc vụ quân sự và tình báo tinh nhuệ nhất Ả Rập Saudi do Thái tử Mohammed bin Salman tuyển lựa, để thực hiện các chiến dịch tối mật.
Một nguồn tin nói với Middle East Eye rằng các sát thủ đã cắt rời những ngón tay của ông Khashoggi để gửi về Riyadh nhằm chứng tỏ "sứ mệnh đã thành công". Tuy nhiên, chính phủ Ả Rập Saudi đã bác bỏ sự liên quan tới vụ việc.
Theo Daily Mail (Anh), nhân vật chủ chốt trong đội sát thủ và là người đứng đầu nhóm "thương thuyết" với ông Khashoggi trong LSQ tại Istanbul là Maher Mutreb, 47 tuổi. Mutreb là nhân viên tình báo cấp cao và là người đứng đầu "Mãnh hổ". Gã từng xuất hiện trong các bức ảnh với Thái tử Mohammed bin Salman trong các chuyến thăm chính thức Mỹ và châu Âu năm nay. Theo lời một quan chức cấp cao Ả Rập Saudi cung cấp thông tin cho Reuters, Mutreb được chọn cho "Chiến dịch Istanbul" vì gã từng quen biết Khashoggi khi 2 người còn làm việc chung ở Đại sứ quán Ả Rập Saudi tại Anh.
"Mutreb biết Khashoggi rất rõ và ông ta là người tốt nhất để thuyết phục Khashoggi về nước. Mutreb đón Khashoggi ở văn phòng LSQ lúc 13 giờ 25 phút ngày 2-10. Mutreb bắt đầu thuyết phục Khashoggi trở về nước và nói là ông đang bị Interpol truy nã" - quan chức nói trên cho biết. Theo vị này, ông Khashoggi đã nói với Mutreb rằng gã đang vi phạm các quy chế ngoại giao và hỏi Mutreb liệu gã có lên kế hoạch bắt cóc mình không. Mutreb trả lời "có" để cố đe dọa Khashoggi. Tờ Sabah đăng tải các hình ảnh từ camera giám sát cho thấy Mutreb tới LSQ trước Khashoggi 3 giờ và sau đó xuất hiện bên ngoài trụ sở cơ quan này.
Chuyên gia pháp y trong đội sát thủ được xác định là Salah Tubaigy, 47 tuổi, vốn làm việc tại Cục Bằng chứng tội phạm - Bộ Nội vụ và là thành viên Ủy ban Hiệp hội Pháp y Ả Rập Saudi. Hắn có bằng thạc sĩ pháp y tại ĐH Glasgow (Anh) năm 2004 và từng học thêm về pháp y 3 tháng ở Viện Victorian (Úc) năm 2015.
Trong khi đó, một thành viên khác trong đội sát thủ bất ngờ nổi tiếng bất đắc dĩ những ngày qua vì thủ đoạn "đóng thế" gây chú ý. Đó là Moustafa Al-Madani - 57 tuổi, một quan chức chính phủ Ả Rập Saudi từng theo học tại ĐH Quốc vương Fadh về dầu khí và khoáng sản. Một đoạn băng từ camera an ninh trong cuộc điều tra của chính phủ TNK cho thấy Madani đã "đóng thế" Khashoggi bằng cách mặc quần áo, đeo kính, đồng hồ Apple của ông và đi ra bằng cửa sau LSQ - dường như để đánh lạc hướng sau khi nhà báo này bị sát hại.
Khó tin
Theo giới chức TNK, họ sợ rằng Ả Rập Saudi đã giết hại và phân xác ông Khashoggi. Tuy nhiên, các cơ quan tình báo nước này có vẻ như giữ các thông tin được tiết lộ nhỏ giọt và những rò rỉ trên truyền thông - được cho là đến từ các cơ quan an ninh của Ankara - như một phương tiện gây sức ép lên Riyadh. Tới 17 ngày sau khi ông Khashoggi biến mất bí ẩn, Ả Rập Saudi mới thừa nhận cái chết của nhà báo này trong LSQ ở Istanbul nhưng chỉ cho rằng ông chết sau khi "thảo luận biến thành ẩu đả". Tới ngày 25-10, công tố viên nước này mới lần đầu tiên thừa nhận vụ sát hại được lên kế hoạch từ trước.
Lẽ ra, chuyện gì thực sự diễn ra đã có thể làm sáng tỏ một cách đơn giản bằng những hình ảnh giám sát an ninh tại hiện trường. Song, rất tiếc là bên trong cơ quan ngoại giao của chính quyền quốc gia giàu dầu mỏ bậc nhất thế giới lại không lắp đặt hệ thống này. Đây là điều mà tổng thống TNK cho rằng không thể tin được và theo ông, "lẽ ra họ phải có những hệ thống hiện đại nhất".
Kỳ tới: Cuộc gọi Skype "tử thần"
Theo Đỗ Quyên (Nld.com.vn)