Đảng Vì nước Thái, người đứng sau đề xuất giảm tối thiểu 10% Ngân sách cho Quốc phòng dự kiến, đã vấp phải sự phản đối dữ dội từ giới tướng lãnh tại Thái Lan. Lãnh đạo quân đội Apirat Kongsompong – trong cuộc họp báo hôm qua – cho biết: “giảm ngân sách quốc phòng là nọc độc phá hủy an ninh quốc gia”.
Sudarat Keyuraphan, lãnh đạo Đảng Vì nước Thái, trước đó tuyên bố: “Thái Lan không cần phải vội trong việc mua sắm vũ khí vào thời điểm mà kinh tế quốc gia đang có nhiều dấu hiệu bất ổn”
Vì nước Thái, có liên hệ mật thiết với cựu thủ tướng lưu vong Thaksin Shinawatra, nắm quyền trước cuộc đảo chính 2014. Kể từ tháng 5/2014, Thái Lan đã được cai trị bởi Hội đồng Hòa bình và Trật tự Quốc gia Thái Lan, duới sự chỉ huy của Tướng Prayuth Chan-ocha.
Chính quyền độc tài quân sự này đã bãi bỏ một phần hiến pháp 2007, tuyên bố thiết quân luật trên toàn quốc và ra lệnh giới nghiêm, cấm hội họp chính trị, bắt và giam giữ các nhà hoạt động chính trị chống cuộc đảo chính, áp đặt kiểm duyệt internet và nắm quyền kiểm soát các phương tiện truyền thông.
Các nhà phân tích quốc phòng cho rằng đề xuất của Đảng Vì nước Thái – kể cả trong bối cảnh người dân Thái Lan mệt mỏi và áp lực bởi chính quyền quân sự độc tài – khó có thể được thông qua bất chấp cuộc bầu cử bắt đầu vào ngày 24/3 tới, có kết quả như thế nào.
Cuộc bầu cử trên toàn nước Thái - cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên kể từ năm 2014 tại quốc gia này về cơ bản sẽ phải tuân theo Bộ Hiến pháp mới do chính quyền Hội đồng Hòa bình và Trật tự Quốc gia Thái Lan xây dựng.
Theo các Đảng đối lập, Hiến Pháp mới được thiết kế để đảm bảo cho phe cánh của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha giữ chắc quyền lực, ngay cả khi Đảng Vì nước Thái hay bất kì Đảng đối lập nào khác giành thắng lợi trong cuộc bầu cử.
Đáng nói, đề xuất của Đảng vì nước Thái được đưa ra trong bối cảnh Ngân sách quốc phòng của các “hàng xóm” Thái Lan cho năm tài chính 2019 đều có xu hướng tăng.
Singapore, trong nhiều thập kỷ là quốc gia chi tiêu cho quân sự lớn nhất Đông Nam Á, đã công bố một ngân sách mới vào thứ Hai, trong đó ngân sách Bộ quốc phòng đã tăng 4,7% lên gần 11,4 tỷ USD, tương đương khoảng 3,4% GDP.
Indonesia, quốc gia đông dân nhất khu vực, có ngân sách quốc phòng năm 2019 là khoảng 7,2 tỷ USD. Dự kiến lộ trình tăng ngân sách quốc phòng của Indonesia sẽ đạt mức 136% so với hiện tại vào năm 2024 (9,9 tỷ USD).
Jon Grevatt, một nhà phân tích quốc phòng khu vực phân tích: Thực tế là chính phủ quân sự nhận thức rõ về sự cần thiết phải cân bằng chi tiêu trong toàn bộ nền kinh tế. Theo Grevatt, trong những năm gần đây, chính quyền Thái Lan đã thể hiện mức độ thận trọng tài chính bằng cách chỉ trả tiền cho những gì thực sự cần thiết cho chi tiêu quân sự.
Tuy nhiên, các nhà phân tích chính trị địa phương cho rằng đề xuất của Đảng Vì nước Thái, mục đích chính là tác động vào tâm lý của của công chúng, những người có niềm tin rằng chi tiêu quốc phòng đang làm lãng phí nguồn lực và ngân sách quốc gia.
Hàng ngàn bình luận và ghi chú được đăng trên Facebook, thể sự ủng hộ mạnh mẽ đối với đề xuất của Đảng vì nước Thái đảng và hướng sự chỉ trích vào Thủ tướng Prayuth Chan-ocha và chính quyền quân sự độc tài hiện tại.
Ngoài Vì nước Thái, các đảng đối lập khác như Đảng Tương lai - do tỷ phú Juangroongruangkit dẫn đầu – cũng coi việc đề xuất cắt giảm chi tiêu quốc phòng là một phần quan trọng trong trong chiến dịch tranh cử.
Các đảng đối lập tại Thái Lan mặt khác cũng yêu cầu cải cách thể chế khẩn cấp và sâu sắc để đảm bảo các tướng lĩnh quân đội không thực hiện những vụ lật đổ mỗi khi các Đảng cầm quyền sa lầy trong khủng hoảng.
Quân đội Thái Lan, với chiêu bài bảo vệ chế độ quân chủ và lợi ích quốc gia, đã thực hiện tổng cộng 29 cuộc đảo chính trong 9 thập kỷ qua và 12 lần thành công.
THANH XUÂN (SHTT)