Dân Ukraine cuống cuồng đối phó với “ngày đen tối”

27/02/2015 09:14:30

Tâm lý lo sợ khi đồng nội tệ hryvnia đang mất giá thảm hại, khiến người dân Ukraine cuống cuồng tích trữ các mặt hàng thiết yếu để đối phó với “ngày đen tối”.

Tâm lý lo sợ khi đồng nội tệ hryvnia đang mất giá thảm hại, khiến người dân Ukraine cuống cuồng tích trữ các mặt hàng thiết yếu để đối phó với “ngày đen tối”.

Hoảng loạn bao trùm

Những ngày này, tại hầu hết các cửa hàng ở tất cả các thành phố lớn và các vùng nông thôn Ukraine, người dân vét sạch những mặt hàng thiết yếu tới mức các kệ hàng trống rỗng, thậm chí chen lấn nhau để trả tiền, tạo ra một không khí hoảng loạn lan rộng.
 
Theo báo Vesti, ở Ternopil, trong cửa hàng còn xảy ra một trận chiến thực sự để giành mua dầu ăn. Các chủ cửa hàng đã tuyên bố nhu cầu quá mức này sẽ sớm làm cạn sạch nguồn hàng dự trữ. Oksana Kuspis, quản trị viên của một siêu thị cho biết, các nhà cung cấp cũng cạn hết hàng hoá trong kho. Đầu tiên là hết sạch các mặt hàng như cà phê, trà, mì, bột mì, dầu ăn, thực phẩm đóng hộp.
 
Những kệ hàng trống rỗng bên trong các cửa hàng, siêu thị ở Ukraine.  (Ảnh: Vesti)

Tại Kiev, một số chuỗi cửa hàng lớn có quy định, một khách hàng chỉ có thể được mua 2 chai dầu hướng dương, 2 gói kiều mạch, 3-5kg bột mì và khoảng từ 3 - 5kg đường.

Nhiều cửa hàng đã thông báo về việc hạn chế nguồn hàng cung cấp trong mục quảng cáo của họ. Mặc dù với 5 kg hạt kiều mạch và 3kg đường tích trữ, người dân đã có thể dùng trong một thời gian khá dài, nhưng họ vẫn lao vào mua các loại hàng thiết yếu, nhất là các mặt hàng có thể để dành được lâu như mì ống, ngũ cốc, thực phẩm đóng hộp. Thậm chí một cụ bà hưu trí ở Lvov còn mua bột mì dành để nướng bánh Phục sinh trong tháng 5 sắp tới: "Tôi mua bột để làm bánh Phục sinh. Tôi vừa nhận được lương hưu và không biết từ đây đến lễ Phục sinh có còn nhận được lương hưu nữa hay không, vì vậy tôi mua bột để dành”.

Giám đốc Viện Kinh tế và Quản lý Oleg Kuzmin nhận định: "Tâm lý hoảng loạn. Sự hoảng loạn kinh tế khiến cho người ta phải tìm kiếm thêm cơ hội. Phải mua món gì đó, tích trữ, cất mọi thứ trong tầng hầm, và cứ tiếp tục như thế...".

Tâm lý hoảng loạn kích hoạt sự sụp đổ của đồng nội tệ Ukraine. Trên chợ đen, đồng USD tăng giá đến hơn 40 hryvnia, mặc dù cách đây một năm, tỷ giá USD là 7,59 hryvnia/USD. Đặc biệt là tại các thị trấn biên giới, giá bán USD trên chợ đen rất cao. Mặc dù vào ngày 25.2, giá hryvnia tăng đáng kể trên thị trường giao dịch ngoại hối, nhưng sự hoảng loạn vẫn chưa dừng lại.

“Bóng ma” siêu lạm phát

Một năm sau sự kiện nổi dậy ở Maidan, tính đến ngày 26.2, đồng hryvnia đã mất giá 400%. Nguyên Phó Thủ tướng Ukraine Volodymyr Lanovoi nói rằng đây có thể chỉ là bước khởi đầu và lạm phát đang chuyển dần thành siêu lạm phát ở Ukraine. Bà Valeria Gontareva- Thống đốc Ngân hàng quốc gia Ukraine đã vội vàng giải thích rằng đó không phải lỗi do chiến tranh hay các khoản vay ồ ạt mà chính là do tâm lý của đám đông. Tuy nhiên, nhiều người, trong đó có các thành viên của Quốc hội, cho rằng lỗi lầm này là do chính bà Valeria Gontareva đã gây ra vì các yếu kém trong quản lý tiền tệ. Các cuộc biểu tình ở trước Ngân hàng Quốc gia diễn ra hầu như mỗi ngày.

Tại cuộc họp khẩn cấp ngày 25.2 tại Văn phòng Tổng thống, với sự tham gia của Thủ tướng Arseni Yaseniuk, Chủ tịch Quốc hội Vladimir Groisman, Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia và quốc phòng Alexandr Turchinov, bà Valeria Gontareva, Bộ trưởng Tài chính Natalia Yaresko, Tổng thống Petro Poroshenko đã yêu cầu Ngân hàng Quốc gia giữ ổn định tỷ giá tiền tệ ở mức 21,7 hryvnia/USD, như mức Chính phủ đã đưa vào dự toán trong Luật Ngân sách Ukraine 2015. Bà Valeria Gontareva khẳng định, việc đồng hryvnia mất giá mạnh trong mấy ngày gần đây do tâm lý hoảng loạn gây ra.

Bà Valeria Gontareva tuyên bố: “Ngân hàng Quốc gia không nhìn thấy lý do cơ bản nào khiến tiền tệ mất giá. Ngày hôm nay, thị trường đơn giản là đang bị cuốn theo sự hoảng loạn… Chúng tôi vẫn đang chờ đợi chương trình trợ giúp tài chính trị giá đến 40 tỷ USD. Vì vậy, không có nguyên nhân chính đáng nào cho sự hoảng loạn này cả”.

Ba Valeria Gontareva cũng cho biết rằng: “Trong năm nay, Ukraine không chỉ chờ đợi 8 tỷ USD từ IMF, mà còn hy vọng nhận được sự trợ giúp của các nhà tài trợ quốc tế, vì thế, tôi nghĩ rằng chúng ta hoàn toàn có thể bình tĩnh hướng tới tương lai”. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy, các đối tác quốc tế mà bà Valeria Gontareva đề cập đến chỉ mới dừng lại ở mức cho Ukraine lời khuyên mà thôi.

Thủ tướng Ukraine Arseni Yaseniuk cho rằng, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng tiền tệ mất giá mạnh trong mấy ngày gần đây là do các nhà xuất khẩu và giới đầu cơ trên thị trường ngoại tệ. 
 
Theo Huyền My (Dân Việt)

Nổi bật