Dân Trung Quốc khổ sở vì lệnh cấm trước lễ duyệt binh

31/08/2015 20:47:14

Các quy định nghiêm ngặt Trung Quốc ban hành nhằm đảm bảo an ninh cho lễ kỷ niệm kết thúc Thế chiến II đang gây nhiều bất tiện cho người dân.

Các quy định nghiêm ngặt Trung Quốc ban hành nhằm đảm bảo an ninh cho lễ kỷ niệm kết thúc Thế chiến II đang gây nhiều bất tiện cho người dân.

Bất tiện

Để làm sạch bầu không khí thủ đô trước khi đón tiếp các nguyên thủ từ khoảng 30 quốc gia trên toàn thế giới, Trung Quốc yêu cầu hơn 10.000 nhà máy cùng hàng loạt công trình xây dựng bên trong và ven Bắc Kinh tạm đóng cửa hoặc cắt giảm sản xuất.
 

Một cảnh sát bán vũ trang mặc thường phục canh gác tại quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh hôm 27/8. Ảnh: Reuters

Nhà chức trách ban hành hàng loạt quy định để hạn chế lưu thông. Bắt đầu từ ngày 20/8, Bắc Kinh giới hạn việc sử dụng các phương tiện giao thông cá nhân trong thành phố, phân chia theo số chẵn - lẻ của biển đăng ký xe. Chỉ xe buýt, xe cứu thương, cứu hỏa hay xe điện không bị ảnh hưởng. 80% phương tiện của các cơ quan nhà nước hay công ty quốc doanh đều bị cấm trong dịp này. Sân bay quốc tế Bắc Kinh đóng cửa vào buổi sáng ngày duyệt binh.

Ông Ren Ningning, chủ một doanh nghiệp sản xuất bê tông, cho hay, nhà máy của ông ngừng hoạt động từ giữa tháng. Ông đang chờ từng ngày để nghe thông báo được phép hoạt động trở lại từ chính quyền.

"Tất cả nhân viên đều nghỉ hết. Tôi chẳng nhận được tiền bồi thường của chính phủ nhưng vẫn phải trả lương cho nhân viên", Ren nói. "Tôi phải tự gánh thiệt hại".

Theo hãng thông tấn EPA, những giới hạn mà chính quyền đặt ra, đặc biệt là việc không được tự do đi lại, khiến người dân Trung Quốc bất bình. Họ thấy thất vọng vì không thể ra ngoài tận hưởng bầu không khí trong sạch hiếm hoi.

"Đừng mời khách, hãy ở yên trong nhà, cũng đừng chụp ảnh hay mở cửa sổ, nếu không, bạn sẽ bị nhầm là phần tử khủng bố", nhân viên quản lý tại một khu chung cư ở quận Sanlitun dặn dò người thuê nhà.

"Có những người mang máy bộ đàm đứng bên ngoài căn hộ để chắc rằng chúng tôi tuân thủ quy định", một cư dân giấu tên nói. "Họ khiến cả con mèo của tôi cũng sợ hãi".

"Đây không phải việc của tôi. Tôi sẽ không xem lễ duyệt binh", Gao Meng, nhân viên tại một công ty về công nghệ thông tin, quả quyết. "Có quá nhiều quy định phiền hà".

"Dù sao thì bầu trời cũng sẽ đen trở lại khi sự kiện này kết thúc, đồng thời các nhà máy hoạt động hết công suất để bù đắp cho thiệt hại phải chịu", sinh viên Allan Wu, nói.

Những bất bình liên quan đến các lệnh cấm của chính phủ còn xuất hiện tràn lan trên mạng Internet Trung Quốc. Một số người dùng mạng xã hội Weibo cho rằng cuộc duyệt binh cùng những quy định giống như "gây phiền hà đối với người dân bình thường và quá lãng phí tiền của", theo South China Morning Post.

"Đừng đến Bắc Kinh trong dịp này. Bạn không thể biết quá trình kiểm tra an ninh sẽ tốn bao nhiêu thời gian đâu", một tài khoản Weibo chia sẻ.

Xiao Qing, nhân viên thiết kế đồ họa, 27 tuổi, tỏ ra không quan tâm đến sự kiện lớn của đất nước. "Các quy định này, dù thuận tiện hay không, với tôi cũng không quan trọng. Chúng tôi đã quen với nó. Gia đình và bạn bè tôi còn không buồn phàn nàn", Qing cho biết.

Sức ép kinh tế

Những giới hạn mà chính phủ ban hành chỉ được áp dụng trong thời gian ngắn nhưng rõ ràng chúng đang cản trở sự phát triển của Trung Quốc, trong bối cảnh đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có dấu hiệu chững lại, cây bút Alyssa Abkowitz từ WSJ đánh giá.
 

Người thanh niên đạp xe dưới bầu trời trong xanh hiếm khi bắt gặp được ở thủ đô Bắc Kinh. Ảnh: Reuters

"Những yếu tố một lần", bao gồm cả việc đóng cửa nhà máy, sẽ gây khó khăn đối với các hoạt động kinh tế của tháng 8, ông Haibin Zhu, chuyên gia phân tích tại J.P Morgan, nhận xét.

"Chúng tôi cho rằng những biện pháp mang tính nhất thời sẽ tác động sâu sắc đến năng suất công nghiệp", một số nhà kinh tế học tại Công ty Chứng khoán châu Á Mizuho, bình luận.

Lễ duyệt binh kỷ niệm kết thúc Thế chiến diễn ra vào ngày 3/9 tới đây là cơ hội để Trung Quốc phô diễn sức mạnh trước công chúng trong nước cũng như các quốc gia láng giềng châu Á. Truyền thông nhà nước đưa tin Bắc Kinh sẽ trình làng 7 loại tên lửa mới.

Song, sự kiện này lại đến đúng lúc những mối hoài nghi về khả năng kiểm soát kinh tế của Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ cả trong và ngoài nước. Nỗi lo âu này dẫn tới cơn chấn động trên thị trường tài chính toàn cầu hồi đầu tuần trước cùng chuỗi ngày giảm sâu ở thị trường chứng khoán Trung Quốc.

Theo thống kê chính thức, hoạt động sản xuất kinh doanh của Trung Quốc trong tháng 8 xuống tới mức thấp nhất kể từ năm 2009.

Ông Xie, giám đốc bán hàng tại Công ty thép Yongyang, trụ sở ở thành phố Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc, cách thủ đô Bắc Kinh khoảng 450 km về phía nam, cho biết sản xuất bị ngừng trệ từ hôm 20/8. Khoảng 2.000 lao động tại doanh nghiệp của ông đang nghỉ phép nhưng vẫn được tính công. Thu nhập của họ vào khoảng 160 USD/tháng.

"Đối với các công ty tư nhân, người lao động ít khi được nghỉ kiểu này, vậy nên họ thấy vui vì điều đó", Xie nói.

Nhưng không phải ai cũng nhận được đãi ngộ tốt. Jin Zhimin, công nhân ngành thép với thu nhập khoảng 235 USD/tháng, không được hưởng lương trong đợt nghỉ . "Nếu mọi thứ tiếp tục diễn ra như vậy, tôi buộc phải thắt chặt hầu bao", Jin nói.

Tuy nhiên, nhiều người dân Trung Quốc vẫn hết lòng ủng hộ những gì mà chính phủ đang thực hiện. Họ coi đó như nghĩa vụ của một người yêu nước.

"Sau cùng thì sự bất tiện này không kéo dài quá lâu. Cuộc sống ở Bắc Kinh thì cũng tương đối tốt rồi. Nhượng bộ một chút cũng không sao", một người dân chia sẻ. "Chúng tôi chỉ cần chuẩn bị kỹ, ví dụ như mua rau củ, thịt cá dự trữ từ trước", người khác thêm vào.

Bo, chủ cửa hàng xăm ở Sanlitun, cho hay ban quản lý cộng đồng dân cư từng đề nghị ông và các chủ cửa hàng khác ký cam kết nhằm đảm bảo trật tự tại khu vực này khi xe tăng diễu hành qua.

"Ngay cả nếu công việc kinh doanh có bị ảnh hưởng, tôi vẫn ủng hộ cuộc duyệt binh vì niềm tự hào dân tộc", Bo nhấn mạnh.
 
>> Trung Quốc muốn phát đi thông điệp gì từ cuộc duyệt binh
>> Đài Loan khuyến cáo công dân không dự duyệt binh ở Trung Quốc
 
Theo Vũ Hoàng (VnExpress.net)

Nổi bật