Trong nỗ lực tránh lây lan dịch bệnh, nhiều người biểu tình lái xe ôtô hoặc xe máy, thay vì diễu hành. Khoảng 1.500 cảnh sát được điều động để đối phó, với nhiều xe gắn vòi rồng.
Người biểu tình tụ tập ở một quảng trường ở thủ đô Bangkok vào đầu giờ chiều. Những người tổ chức đã phát khẩu trang N95, găng tay y tế, dung dịch vệ sinh tay và áo mưa trước khi người biểu tình cố gắng xâm nhập vào tòa nhà chính phủ.
Phó phát ngôn viên cảnh sát quốc gia Thái Lan Kissana Pattanacharoen thừa nhận giới chức đã dùng vòi rồng, hơi cay và đạn cao su để giải tán đám đông, sau khi một số cảnh báo được đưa ra.
Cuộc biểu tình nổ ra hôm 18/07 tại Thái Lan trong bối cảnh nước này ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 cao nhất từ trước tới nay, lên tới gần 11.400. Nhiều biện pháp giới hạn mới được ban hành, trong đó có tạm dừng hầu hết các chuyến bay nội địa.
Tại nhiều khu vực ở Thái Lan, trong đó có thủ đô Bangkok, một số biện pháp phong tỏa bao gồm những giới hạn nghiêm ngặt về số lượng người được tụ tập và giới hạn các hoạt động kinh doanh, cũng như giới nghiêm ban đêm.
Bên cạnh số người chết và ca tử vong tăng cao, người dân Thái Lan cũng trải qua nhiều khó khăn về kinh tế do ảnh hưởng của các biện pháp chống dịch. Điều này khiến những người biểu tình không hài lòng với cách chính phủ Thái Lan chống dịch.
Các chỉ trích hướng vào chính phủ của thủ tướng Prayuth Chano-cha có liên quan tới vấn đề vaccine. Thái Lan chủ yếu dựa vào hai loại vaccine, trong đó có vaccine Sinovac do Trung Quốc sản xuất, được cho là kém hiệu quả hơn trước biến thể Delta.
Vaccine còn lại được Thái Lan sử dụng trong chương trình tiêm chủng là AstraZeneca, được một công ty thuộc sở hữu của nhà vua nước này sản xuất, tuy vậy mới chỉ bắt đầu từ tháng 06 và lượng sản phẩm ít hơn dự kiến.
Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng hơn 400.000 ca nhiễm Covid-19 và 3.341 trường hợp tử vong. 90% số ca nhiễm và ca tử vong được ghi nhận từ tháng 04/2021, khi đợt dịch hiện nay bắt đầu bùng phát. Cuối tuần trước, số ca tử vong hàng ngày đã vượt 100.
Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)