Dàn pháo binh của Triều Tiên mạnh cỡ nào?

09/06/2017 15:13:00

Lực lượng pháo binh của Triều Tiên tập trung phần lớn ở khu vực gần khu giới tuyến phi quân sự chia tách hai miền Triều Tiên và có khả năng gây tổn thất nghiêm trọng đối với Hàn Quốc nếu chiến tranh nổ ra.

Lực lượng pháo binh của Triều Tiên tập trung phần lớn ở khu vực gần khu giới tuyến phi quân sự chia tách hai miền Triều Tiên và có khả năng gây tổn thất nghiêm trọng đối với Hàn Quốc nếu chiến tranh nổ ra.

 Một cuộc tập trận pháo binh của Triều Tiên (Ảnh: Geopolitical Futures, Mauldin Economics)

Nói tới Triều Tiên, Mỹ và các đồng minh thường hay nhắc tới chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này như một mối đe dọa tiềm tàng. Tuy nhiên, Triều Tiên còn sở hữu một vũ khí nguy hiểm khác có khả năng gây tổn thất khủng khiếp đối với tới Hàn Quốc nếu xảy ra xung đột. Đó là hệ thống pháo binh được đặt với mật độ dày đặc ở gần biên giới chia tách miền Triều Tiên, các chuyên gia thuộc tổ chức Geopolitical Futures & Mauldin Economics nhận định.

Hiện tại, Triều Tiên sở hữu 15.000 khẩu pháo và bệ phóng rocket. Khả năng phá hủy của các khẩu pháo ngang với 11 máy bay ném bom B52, có thể đưa 350 tấn chất nổ đến lãnh thổ Hàn Quốc, theo một báo cáo của Stratfor, một công ty tình báo tư nhân của Mỹ. Chỉ trong vòng vài phút tấn công, pháo của Triều Tiên có thể bắn hạ các tòa nhà cao tầng, gây thương vong lớn và tổn hại kinh tế không thể tránh khỏi cho Hàn Quốc.

Ngoài ra, địa hình hiểm trở khi bố trí hệ thống pháo là một lợi thế của Triều Tiên để chống lại việc bị tấn công và phá hủy từ đối phương. Nói về khả năng cung cấp đạn dược liên tục của Triều Tiên khi pháo binh chiến đấu, các chuyên gia khẳng định Bình Nhưỡng đang phân tán các kho đạn và vũ khí ở nhiều địa điểm khác nhau. Ngoài những kho vũ khí lớn cấp quốc gia, Triều Tiên còn có các kho vũ khí ở các đơn vị sẵn sàng tiếp ứng khi cần thiết cho dàn pháo mặt đất. Điều này cũng là một yếu tố khiến pháo binh của Triều Tiên cơ động hơn khi chiến đấu.

 

Hiện thời, một trong số những điểm yếu lớn nhất của pháo binh là cơ cấu chỉ huy. Việc quyền chỉ huy tập trung vào một người cao nhất có thể gây ra những bất lợi. Theo đó, khi có chiến tranh, việc đầu tiên đối phương cần làm là cắt đứt đường dây thông tin liên lạc trong nội bộ Triều Tiên. Khi đó hệ thống quân đội nước này sẽ tự động suy yếu nếu không có các mệnh lệnh quân sự từ trên chuyển xuống.

Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn tin việc trải qua hàng thập kỷ chiến tranh, quân đội Triều Tiên cũng đã rút kinh nghiệm để tạo nên một hệ thống pháo binh có khả năng đe dọa bất cứ đối phương nào. Vào ngày 26/4, Triều Tiên cũng đã tổ chức tập trận pháo binh với đạn thật lớn chưa từng có nhân kỷ niệm 85 năm ngày thành lập quân đội nước này.

Theo Đức Hoàng (Dân Trí)

Nổi bật