Thành phố Lâm Nghi, tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) ghi nhận ngày càng nhiều đàn ông độc thân tìm tới dịch vụ mai mối trực tiếp qua livestream để kiếm vợ. Ở thành phố có tỷ lệ kết hôn thấp này – chưa tới 50.000 cặp đôi đăng ký kết hôn lần đầu vào năm 2022 trên tổng dân số hơn 11 triệu người, dịch vụ livestream mai mối đang trở thành một nền tảng phổ biến để người độc thân tìm đến nhau.
Trong căn phòng livestream của Wang Mengge, 6 người đàn ông ngồi xếp hàng trên chiếc ghế sofa. Trước khi cho các ứng viên lên sóng livestream, Wang hỏi họ những thông tin cơ bản mà các cô gái luôn quan tâm: tuổi tác, hoàn cảnh gia đình, nghề nghiệp và tài sản. Ông cũng hỗ trợ những người này chỉnh đốn trang phục, chải chuốt lại đầu tóc trước khi xuất hiện trước mặt cô gái.
Thông thường, các bà mẹ và ông bố cũng đi theo con trai để phía nhà gái xem mặt và hỏi chuyện.
Wang động viên những người đàn ông “quá lứa”: “Đừng căng thẳng quá. Hi vọng sau ngày hôm nay là sẽ có vợ”.
“Cười lên, ngồi thẳng, đừng nghiêng đầu… rồi các anh sẽ có cơ hội tìm được một ai đó thôi”, Wang hướng dẫn.
Phía trước mặt người mai mối và các ứng viên là một dãy điện thoại thông minh và thiết bị công nghệ chờ sẵn để phát buổi livestream trên các nền tảng khác nhau.
Năm ngoái, trong dịp lễ tình nhân truyền thống của người Trung Quốc, con trai và con dâu ông nảy ra ý tưởng tổ chức một sự kiện mai mối online. Vượt quá kỳ vọng của Wang, hơn 2 ngàn người đã tham gia sự kiện – tờ Sixth Tone đưa tin.
Một bà mẹ đưa con trai tới buổi livestream tại nhà Wang chia sẻ: “Tối qua tôi có xem buổi mai mối, rất nhanh chóng và thành công”.
Một người khác tiếp lời: “Vấn đề chính là không có nhiều cô gái trẻ”.
“Những cô gái có tuổi đều là những cô học thức cao”, một anh chàng nhận xét.
“Con không có bằng cấp. Làm sao mong những cô ấy thích mình được?”, bà mẹ nói chen vào.
Wang gợi ý: “Anh nên đặt tiêu chí thấp hơn một chút. Bây giờ không dễ tìm vợ đâu”.
Theo thông tin đăng ký với dịch vụ của Wang, có hơn 3.800 đàn ông, trong khi chỉ có 1.600 phụ nữ.
Trong số 6 ứng viên tham gia buổi livestream tìm vợ, có người đã có nhà, có xe, có người mua nhà trả góp. Wang hỏi họ rất kỹ những thông tin về tài sản trước mặt người xem livestream.
“Bất cứ cô gái nào quan tâm tới những chàng trai độc thân hơi lớn tuổi một chút này, tôi đều có thể sắp xếp các bạn gặp nhau vài phút”, ông nói trên livestream.
Hai người đàn ông trong số 6 người được sắp xếp gặp gỡ thành công. Nhưng người thứ 3 không được may mắn như thế. Anh và bà mẹ ngồi trước màn hình điện thoại. Wang giới thiệu: “Anh này 36 tuổi, đã mua nhà trả góp, có bằng cao đẳng và đang làm công việc vận chuyển cho công ty”.
Không có cô gái nào gọi tới muốn xem mặt người đàn ông này mặc dù anh chấp nhận cả những người đã ly hôn, hoặc ly hôn mà có 1 đứa con gái. Mẹ anh buồn bã, rơi nước mắt.
“Đây là lần đầu tiên mẹ tôi xuất hiện trên livestream. Hai năm nay, mẹ rất lo lắng việc tôi chưa lấy được vợ”, Zhang Ping nói.
“Tôi có thể cảm nhận rõ ràng trên livestream rằng hoàn cảnh của tôi sẽ khó tìm vợ. Khi bạn không có bất cứ thứ gì, bạn phải đứng sang một bên thôi”.
Sau buổi mai mối thất bại, Wang động viên bà mẹ: “Đừng lo, không sao cả. Tôi sẽ giữ thông tin của cậu ấy”.
Zhang nói, ngôi nhà mà anh đang mua trả góp là kiểu nhà chung cư, có trường mầm non ngay bên cạnh, trường tiểu học ở bên kia đường. Ngôi nhà nằm ở vị trí rất thuận tiện, tuy nhiên các cô gái không quan tâm nó nằm ở đâu, mà chỉ cần biết anh đã trả hết tiền cho ngôi nhà đó hay chưa. “Chưa mua được nhà sẽ rất khó để tìm vợ”, Zhang kết luận.
Trong bữa cơm tối, bố anh lại nhắc về chuyện lấy vợ. “Ở nông thôn thì khó lắm, chẳng ai lấy nếu không có công việc ổn định”.
“80% người dân lao động chân tay mà bố. Họ vẫn sống tốt đấy thôi”, Zhang phản bác.
Trong khi đó, ở nhà Wang, ông tắt livestream lúc 22h. “Những người không có nhà, không có xe ô tô thì khó tìm vợ hơn”, ông nhận xét.
“Người ta bảo hôn nhân là nấm mồ chôn tình yêu”, vợ ông vừa cười vừa nói.
“Đừng nói bậy”, ông nghiêm mặt.
Theo truyền thống Trung Quốc, các cặp vợ chồng kết hôn thường phải mua được nhà và có một khoản tiền tiết kiệm lớn. Gần đây, người ta còn cho rằng lập gia đình thì phải mua được cả xe hơi. Khoảng 44% phụ nữ được hỏi cho biết họ sẽ không kết hôn hoặc không chắc chắn về điều đó - cao hơn tỷ lệ ở nam giới gần 20%. Lý do phổ biến nhất ở phụ nữ là không muốn có con.
Mặc dù chính phủ đã có nhiều thay đổi về chính sách để khuyến khích các gia đình sinh 3 con, nhưng khảo sát cho thấy những chính sách này không có tác dụng để người chưa lập gia đình mong muốn bước chân vào hôn nhân.
Theo Nguyễn Thảo (VietNamNet)