Năm nay, một hệ thống xe buýt mới đã được đưa vào vận hành tại Yangon, thành phố lớn nhất của Myanmar, để thay thế hệ thống cũ có từ thời chính quyền quân sự và bị nhiều hành khách phàn nàn.
Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn, hệ thống này đã khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn, BBC cho hay.
Hệ thống mới được khai trương vào ngày 15/1 và cắt giảm các tuyến xe buýt từ khoảng 300 tuyến xuống còn 61 tuyến. Các tình nguyện viên và cảnh sát đang cố gắng để giúp người dân quen với lịch trình mới.
Việc cắt giảm các tuyến xe buýt cũng đồng nghĩa với việc các chuyến xe sẽ đông đúc hơn bình thường.
Phyu Phyu Zin (36 tuổi) thường xuyên đi xe buýt để tới chỗ làm. Cô là nhân viên truyền thông của Myanmar Centre for Responsible Business.
Cô cho biết trước kia cô phải bắt 2 chuyến xe nhưng giờ là 3 chuyến và phải mất tới 2 tiếng đồng hồ để di chuyển, nhưng cô tin rằng trong tương lai, hệ thống sẽ hoạt động hiệu quả hơn.
"Xe buýt vẫn bị quá tải nhưng tôi thực sự thích hệ thống mới... Nếu có nhiều xe thì sẽ thoải mái hơn", Zin nói.
Chính phủ Myanmar hứa hẹn sẽ có nhiều xe hơn, và một kế hoạch giao thôngđầy đủ sẽ được thực hiện vào năm 2020. Tuy nhiên, không phải ai cũng bị thuyết phục với kế hoạch này.
Kyaw Kyaw (21 tuổi), một kỹ sư điện, cho biết việc di chuyển hàng ngày đã trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
"Tôi phải đi làm hàng ngày bằng xe buýt nhưng tôi thích hệ thống cũ hơn vì giờ mọi chuyện rất khó khăn. Tôi phải chuyển xe 3 lượt mới tới được chỗ làm, như vậy một ngày tôi phải ngồi trên 6 chiếc xe và mất 1.200 Kyat (0,80 USD)".
Mặc dù hiện tại hành khách vẫn phải trả tiền mặt mỗi khi đi xe buýt, nhưng chính phủ Myanmar cho biết tiến tới sẽ thay thế bằng hệ thống thanh toán điện tử.
Một sự thay đổi khác trong hệ thống mới là cấm trả lương cho tài xế dựa vào số người trên xe buýt. Họ từng cố nhồi thật nhiều khách tới mức có thể. Một số tài xế đã không đi làm để phản đối hệ thống mới nhưng ông U Hla Win (57 tuổi) không phải một trong số đó.
Ông đã theo nghề 30 năm và nói rằng hệ thống mới hứa hẹn sẽ thành công.
"Tôi tin vào những bước đi đầu của sự thay đổi", ông nói. "Quan trọng là mọi người tuân theo kỷ luật và chính phủ phải có những biện pháp đối với những người vi phạm".
Theo Sầm Hoa (VietNamNet)