South China Morning Post mô tả các bức tượng Phật "vô cùng quý hiếm" này với kích cỡ khác nhau được chạm khắc tinh tế từ thời Bắc Ngụy (386-534).
Bộ tượng Phật vô tình được người dân phát hiện cách đây 2 năm, trên tuyến đường lịch sử với tên gọi "Con đường cổ Micang", có niên đại 3.000 năm ở huyện Nam Giang, tỉnh Tứ Xuyên – Trung Quốc.
Thời điểm phát hiện, các bức tượng nằm trên 2 tảng đá sa thạch cách nhau khoảng 20 m và bị những tán cây cao rậm rạp che khuất.
Cơ quan quản lý di tích văn hóa địa phương sau đó đã thực hiện các biện pháp bảo vệ, che phần đỉnh tượng bằng mái che và lắp đặt thiết bị giám sát.
Chính nhờ camera giám sát, cơ quan quản lý di tích văn hóa Nam Giang gần đây mới phát hiện bộ tượng Phật bị sơn màu lòe loẹt.
Lúc nhà chức trách đến hiện trường để ngăn chặn việc người dân tô vẽ làm hỏng bộ tượng Phật quý hiếm thì đã quá muộn. Tất cả các bức tượng đều đã bị tô vẽ xong.
"Bộ tượng Phật ở nơi quá xa và dù phát hiện bị người dân tô vẽ lên nhưng chúng tôi không thể làm gì hơn được" – một quan chức nói.
"Thủ phạm" làm hỏng những bức tượng Phật cổ quý hiếm đều là dân làng đã 70, 80 tuổi.
"Dân làng giải thích họ tô sơn mới vì muốn cảm ơn Đức Phật đã phù hộ cho họ" – vị quan chức nói thêm – "Hiện chúng tôi chỉ có thể phê bình và nhắc nhở họ không được tự ý sơn vẽ lên tượng Phật chứ không thể làm gì hơn".
Vị quan chức giấu tên này cho biết ông và các đồng nghiệp đang xem xét cách phục hồi các bức tượng. "Chúng tôi đã mời chuyên gia nghiên cứu cách tẩy sơn. Hoàn toàn có thể khôi phục lại nguyên trạng. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ kêu gọi công chúng nâng cao nhận thức về việc bảo vệ di sản văn hóa" – ông lưu ý.
Vụ việc đang gây sốt cộng đồng mạng xã hội tại Trung Quốc đại lục. Nhiều người phẫn nộ với hành đồng của dân làng và khẳng định "đó là điều không thể chấp nhận được".
Chuyên gia đánh giá bộ tượng Phật bị sơn hỏng có "giá trị đặc biệt" giúp chứng minh Phật giáo được truyền bá vào tứ tỉnh Tứ Xuyên và các vùng lân cận từ thời cổ đại.
Việc "khoác áo mới" cho tượng Phật cổ đã từng xảy ra ở Trung Quốc. Vào năm 2018, 13 bức tượng cổ trong một hang động ở huyện An Nhạc tỉnh Tứ Xuyên cũng bị người dân tự ý sửa chữa và sơn vẽ.
Luật Bảo tồn Di tích văn hóa của Trung Quốc quy định rằng bất kỳ sửa chữa và cải tạo di tích nào phải được cơ quan văn hóa phê duyệt và phải do các công ty được cấp phép về kỹ thuật bảo vệ di tích văn hóa thực hiện.
Theo Bằng Hưng (Nld.com.vn)