Tết Nguyên đán là kỳ nghỉ quan trọng nhất của các nước Đông Á. Chỉ vài tiếng đồng hồ nữa, thời khắc giao thừa đón năm mới sẽ diễn ra tại nhiều quốc gia như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Triều Tiên… với những màn trình diễn pháo hoa sáng ngợp trời và múa lân, múa rồng sôi nổi.
Đài CNBC của Mỹ ngày 15-2 đánh giá rằng tình hình mua sắm trong dịp lễ Tết năm nay sẽ ảnh hưởng mạnh tới các thị trường chứng khoán, hoạt động sản xuất và các hoạt động kinh tế khác tương tự năm ngoái. Bởi lẽ, đó là lúc tiền được người ta chi mạnh tay nhất cho đủ mọi thứ.
Năm 2017, trong một cuộc khảo sát người dân tại ba nước Đông Nam Á, ngân hàng United Overseas Bank của Singapore đã ghi nhận được những con số chi tiêu ấn tượng trong dịp Tết cổ truyền.
Tại Singapore, cuộc khảo sát với khoảng 500 người cho thấy chi tiêu trung bình của người dân đảo quốc Sư tử trong dịp Tết cổ truyền là 1.890 USD/người. Trong khi đó, con số này tại Indonesia là 800 USD/người và Malaysia là 1.000 USD/người. Người dân ba nước này cho biết họ chi tiền chủ yếu cho đồ ăn, đi lại và quà cáp.
Trong khi đó, theo số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc, người dân nước này đã chi 840 tỉ nhân dân tệ (tương đương 140 tỉ USD) cho mua sắm và thực phẩm trong kỳ nghỉ Tết âm lịch 2017, tăng 11,4% so với năm 2016.
Ngoài ra, tại đất nước tỉ dân này, "hồng bao điện tử" cũng được tặng mạnh tay hơn kể từ khi các công ty công nghệ như Tencent và Alibaba rót tiền đầu tư cho các ứng dụng trên điện thoại. Chỉ trong mùa Tết năm 2017, có đến 46 tỉ chiếc phong lì xì điện tử đã được gửi qua ứng dụng WeChat của Tencent, tương đương cứ 1 người ở Trung Quốc sẽ được nhận 33 chiếc hồng bao.
Trong khi đó, một số lượng lớn tiền sẽ được người dân các nước Đông Á chi cho các chuyến đi về quê ăn Tết cùng gia đình. Chỉ riêng tại Trung Quốc, Cục quản lý du lịch quốc gia nước này cho biết khoảng 2,98 tỉ lượt di chuyển cá nhân dự kiến sẽ diễn ra trong mùa Tết năm nay tại Trung Quốc, kéo dài từ ngày 1-2 tới 12-3 theo dương lịch.
Theo Bình An (Tuổi Trẻ)