Dân Anh đánh đập 39 kĩ sư viễn thông, đốt phá 33 cột phát sóng vì tin vào thuyết âm mưu ‘5G gây ra COVID-19’

17/04/2020 19:03:48

Đây là thông tin vừa được ông Philip Jansen, giám đốc điều hành của nhà mạng BT công bố với báo giới mới đây

Đã có khoảng 39 kĩ sư viễn thông của nhà mạng BT đã bị đánh đập và mắng chửi bởi một số kẻ quá khích tin vào thuyết âm mưu ‘5G gây ra COVID-19’. Đây là thông tin vừa được ông Philip Jansen, giám đốc điều hành của nhà mạng BT công bố với báo giới mới đây, trong bối cảnh những tin tức giả và thuyết âm mưu giữa 5G và COVID-19 đang lan truyền chóng mặt trên Internet.

"Tất cả những thuyết âm mưu giữa 5G và COVID-19 thật sự quá vô lý và không thể hiểu nổi. Họ còn chẳng thèm kiểm chứng những tin tức kiểu vậy có đáng tin hay không. Nhiều người còn tỏ ra tự mâu thuẫn với nhau, bỏ qua các nguyên tắc rất cơ bản của khoa học", ông Jansen, người hiện đang trong quá trình hồi phục sau khi bị nhiễm COVID-19, bức xúc cho biết. Ông cũng ‘chưa bao giờ hình dung được’ cảnh các nhân viên của BT lại có ngày bị tấn công bởi những kẻ quá khích tin vào các thuyết âm mưu về 5G.

Được biết, tổng cộng 33 cột viễn thông từ nhiều nhà mạng đã bị đốt phá thời gian qua tại Anh. 11 trong số này thuộc về nhà mạng BT.

Dân Anh đánh đập 39 kĩ sư viễn thông, đốt phá 33 cột phát sóng vì tin vào thuyết âm mưu ‘5G gây ra COVID-19’
Hiện trường một vụ tấn công vào cột phát sóng 5G

"Phần lớn các cột viễn thông bị tấn công thậm chí còn không phát sóng 5G. Ngay trong tuần này, chúng tôi đã ghi nhận một số cột điện đã bị quấn dây thép gai để ngăn các nhân viên viễn thông làm công việc của họ’, ông Jansen cho biết.

"Những cột điện này chủ yếu chỉ treo dây cáp mạng, cáp điện thoại cố định và chẳng liên quan gì tới sóng điện thoại di động cả. Thật khó để giải độc cho họ bằng khoa học, logic hay lý lẽ, bởi những thuyết âm mưu quá xa rời thực tế. Phần lớn những tin giả kiểu vậy được lan truyền tới họ thông qua Youtube, Whatsapp hay các nhóm kín trên Facebook’.

Không chỉ tại Anh, những người phản đối 5G tại Ireland đã đốt cháy 2 cột phát sóng của nhà mạng Eir tại khu vực Tây Bắc nước này vào Chủ nhật tuần trước. Đại diện của nhà mạng Eir sau đó xác nhận đây thực chất là những cột phát sóng 4G.

Tại New Zealand, những kẻ quá khích cũng đã phá hoại nhầm một cột phát sóng 4G tại khu vực Waiharara vào cuối tháng 3 vừa qua. Đáng nói, cột phát sóng này thuộc về chiến dịch Rural Airband Initiative – một chương trình hợp tác giữa Microsoft và nhà cung cấp Internet địa phương nhằm cải thiện tối đa tốc độ Internet không dây tại các vùng nông thôn hẻo lánh.

Dân Anh đánh đập 39 kĩ sư viễn thông, đốt phá 33 cột phát sóng vì tin vào thuyết âm mưu ‘5G gây ra COVID-19’ - 1
Đã có khoảng 39 kĩ sư viễn thông của nhà mạng BT đã bị đánh đập và mắng chửi bởi một số kẻ quá khích tin vào thuyết âm mưu ‘5G gây ra COVID-19’

Trong một tuyên bố đưa ra vào tuần trước, đại diện của tổ chức y tế thế giới WHO đã phủ nhận hoàn toàn các thuyết âm mưu lan truyền trên mạng:

"Virus không thể truyền qua sóng radio hay mạng di động. COVID-19 đang lây nhiễm tại rất nhiều quốc gia không có mạng 5G. COVID-19 chỉ lây qua các giọt bắn khi người nhiễm bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Những người khác có thể bị lây nhiễm khi chạm tay vào các bề mặt có chứa virus, sau đó đưa tay lên mắt, mũi, miệng"

Theo trang Thescottishsun, những thuyết âm mưu về 5G và COVID-19 bắt đầu lan truyền từ một đoạn video cho rằng sở dĩ Châu Phi không bị ảnh hưởng bởi bệnh dịch là bởi ‘đây không phải khu vực phủ sóng sóng 5G.

Trước làn sóng đốt phá các cột phát sóng đang xảy ra tại một số quốc gia, một số mạng xã hội đã có những hành động quyết liệt nhằm loại bỏ các thuyết âm mưu ‘5G gây ra COVID-19’. Facebook mới đây đã xóa một group tập hợp những người phản đối công nghệ 5G tại Anh có tên Stop5GUK (Ngừng 5G tại Vương Quốc Anh), với khoảng 10 nghìn thành viên hoạt động tích cực. Trước đó, Youtube cũng đã xóa bỏ một số video có nội dung về thuyết âm mưu cho rằng sóng 5G là nguyên nhân gây COVID-19.

Theo Anh Việt (Tổ Quốc)