"Các lực lượng và phương tiện của Hạm đội Baltic đã bắt đầu theo dõi hành động của 2 khu trục hạm tên lửa dẫn đường của hải quân Mỹ, gồm USS Donald Cook và USS Forrest Sherman, khi chúng đi vào biển Baltic" - đài Sputnik dẫn lời Bộ Quốc phòng Nga cho biết.
Động thái trên của Mỹ diễn ra sau khi vòng đàm phán thứ ba giữa Nga và Ukraine tại Belarus kết thúc. Các yêu cầu của Moscow không được Kiev đáp ứng. Phái đoàn đàm phán Nga nói rằng họ hy vọng vòng đàm phán thứ tư sẽ được tổ chức trong tương lai gần cũng như tiếp tục mở hành lang nhân đạo để sơ tán dân thường ở Ukraine.
Trước đó, ngày 7-3, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ (JCS) Mark Milley tuyên bố Washington sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự tại Lithuania, đồng thời gửi xe bọc thép, pháo và hệ thống phòng không.
Theo tướng John Kolasheski, chỉ huy quân đoàn 5 của lục quân Mỹ, Lithuania sẽ triển khai radar chống máy bay và tên lửa, pháo M-109 và hệ thống phòng không Avenger tích hợp tên lửa tầm ngắn Stinger.
Không quân Mỹ cũng điều tiêm kích F-35 tới căn cứ không quân ở TP Siauliai - Lithuania, nơi đồn trú của lực lượng đặc nhiệm Mỹ, nhằm bảo vệ không phận của các nước đồng minh vùng Baltic.
Ngoài ra, Lầu Năm Góc ngày 7-3 cho biết Mỹ sẽ triển khai thêm 500 quân ở Ba Lan, Romania, Đức và Hy Lạp để củng cố sườn của NATO. Phát biểu tại một cuộc họp báo, Thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby một lần nữa khẳng định Washington sẽ không gửi quân tới Ukraine.
Về cuộc xung đột Nga - Ukraine, ông Kirby tiết lộ Nga chưa thể kiểm soát hoàn toàn Ukraine, thậm chí chỉ chiếm được các thành phố nhỏ. "Lực lượng Nga đang chiến đấu bên ngoài TP Kharkiv và bắt đầu gây áp lực cho TP Chernihiv ở phía Bắc" - ông Kirby nói.
Cùng ngày 7-3, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho hay chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine sẽ do quân chính quy đảm nhận, không bao gồm quân nghĩa vụ và họ sẽ đảm bảo an ninh và hòa bình cho người dân Nga.
Theo Phạm Nghĩa (Nld.com.vn)