Khi rời khỏi cuộc hội đàm thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Kim Jong Un, Tổng thống Mỹ Donald Trump đắc thắng tuyên bố Triều Tiên đã không còn là một mối đe dọa hạt nhân và ông đã hầu như giải quyết xong một trong những cuộc khủng hoảng địa chính trị khó nhằn nhất thế giới.
Nhưng nhiều tuần đã trôi qua từ sau thượng đỉnh Singapore 12/6, các nhà ngoại giao Mỹ lại rơi vào tình thế bế tắc khi Triều Tiên sử dụng chiến thuật đàm phán trì hoãn khiến họ ngày càng bối rối.
Chưa đạt được bước tiến nào
Giới ngoại giao cho biết Triều Tiên đã hủy bỏ các cuộc họp sau hội nghị Singapore, không giữ cam kết duy trì liên lạc cơ bản trong khi yêu cầu Mỹ chi trả nhiều tiền hơn, cho dù quan hệ giữa Triều Tiên với Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn tiếp tục cho thấy một số tiến triển.
Trên thực địa, một cơ sở thử nghiệm động cơ tên lửa mà Tổng thống Trump từng tuyên bố đã bị phá hủy vẫn đang vận hành. Các quan chức tình báo Mỹ cho biết Triều Tiên vẫn tiếp tục các hoạt động nhằm che giấu những khía cạnh quan trọng nhất trong chương trình hạt nhân của nước này.
Việc không đạt được những tiến triển tức thì trong vấn đề Triều Tiên, điều từng được giới chuyên gia cảnh báo, đã khiến Tổng thống Trump nản lòng. Phía sau hậu trường, ông Trump cực kỳ tức giận với các trợ lý, dẫu trước công luận, ông vẫn phải hết lời ca ngợi sự thành công của các cuộc đàm phán.
"Các cuộc thảo luận diễn ra rất thuận lợi", Tổng thống Trump nói với báo chí hôm 17/7.
Các quan chức Nhà Trắng giấu tên cho biết Tổng thống Trump bị mê hoặc bởi viễn cảnh thành công của các cuộc đàm phán hạt nhân. Ông chủ Nhà Trắng yêu cầu cấp dưới cập nhật tình trạng các cuộc đàm phán mỗi ngày. Cùng với sự tô vẽ của báo chí sau khi lãnh đạo Mỹ - Triều đạt được tuyên bố chung hôm 12/6, sự bế tắc trong thời gian gần đây trong đàm phán với Bình Nhưỡng khiến Tổng thống Trump chán nản.
"Thực tế phong cách đàm phán rất đặc trưng của Triều Tiên, vốn khiến người Mỹ không thể hiểu nổi, đã giáng một đòn mạnh vào ông Trump", Duyeon Kim, chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm An ninh New American, nhận xét.
Triều Tiên thử thách sự kiên nhẫn của Mỹ
Ưu tiên đặc biệt của Tổng thống Trump về vấn đề Triều Tiên đã đặt Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vào trung tâm chú ý của dư luận khi cựu giám đốc CIA là nhân vật chính trong cuộc đàm phán với đại diện Triều Tiên Kim Yong Chol. Giới chức Mỹ nhận định Kim Yong Chol là một nhân vật cứng rắn, không nhượng bộ và sẽ không đàm phán vượt quá những chỉ thị rõ ràng từ nhà lãnh đạo Kim Jong Un.
Washington không đặt nhiều kỳ vọng vào chuyến thăm thứ 3 của Ngoại trưởng Pompeo tới Bình Nhưỡng hôm 6/7 với mục đích yêu cầu giới chức Triều Tiên đưa ra kế hoạch chi tiết hồi hương hài cốt binh sĩ Mỹ trong chiến tranh gần 70 năm trước. Vấn đề này đã được thảo luận trong một số cuộc họp trước đó và được Mỹ xem là phương án khả thi nhất giúp Triều Tiên thể hiện thiện chí.
Tuy nhiên, khi Ngoại trưởng Pompeo tới Bình Nhưỡng, Triều Tiên khăng khăng tuyên bố chưa sẵn sàng cam kết bất cứ kế hoạch cụ thể nào, một nhà ngoại giao Mỹ tiết lộ. Sự chậm trễ này khiến các quan chức Mỹ tức giận, bởi trước đó Tổng thống Trump hôm 20/6 từng khẳng định Bình Nhưỡng đã sằn sàng hồi hương 200 hài cốt binh sĩ Mỹ.
Không khí thậm chí còn tồi tệ hơn khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un từ chối gặp mặt Ngoại trưởng Pompeo như dự kiến trước đó. Ngoại trưởng Mỹ sau đó cho biết cuộc gặp không được lên kế hoạch trước, nhưng tuyên bố này được cho là trái với những gì thực sự đã được Washington lên kế hoạch trước chuyến đi.
Không thể đạt được thỏa thuận về hài cốt binh sĩ Mỹ trong chuyến thăm, ông Pompeo đề xuất một cuộc gặp giữa giới chức Triều Tiên và quan chức Lầu Năm Góc để thảo luận vấn đề này tại khu vực phi quân sự liên Triều trong ngày 12/7.
Và rồi, tại khu vực phi quân sự, Triều Tiên khiến giới chức Mỹ chờ đợi trong 3 giờ đồng hồ trước khi tuyên bố hủy bỏ cuộc gặp. Bình Nhưỡng sau đó yêu cầu một cuộc gặp khác trong tương lai nhưng với sự tham gia của các quan chức quân sự cấp cao hơn.
Washington đã hết lạc quan
"Buộc quan chức Mỹ chờ đợi sự xuất hiện của đại diện Triều Tiên càng khiến sự xúc phạm thêm lớn. Triều Tiên đã quay trở lại với chiến thuật đàm phán độc đoán của mình", Bruce Klingner, chuyên gia về Triều Tiên từ Heritage Foundation, nhận xét.
Trước công luận, chính quyền Tổng thống Trump vẫn duy trì ủng hộ mạnh mẽ với các cuộc đàm phán, dù Triều Tiên công khai cáo buộc Mỹ "hành xử đơn phương và đầu gấu đòi hỏi phi hạt nhân hóa" sau chuyến thăm của ông Pompeo và miêu tả các cuộc thảo luận là "tồi tệ".
Hôm 18/5, Tổng thống Trump tuyên bố đạt được cam kết của Nga "giúp" giải quyết vấn đề Triều Tiên. Nhưng tới hôm 20/7, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley lại cáo buộc Nga cản trở nỗ lực siết chặt các biện pháp ngăn chặn hoạt động buôn lậu bất hợp pháp của Triều Tiên.
Tổng thống Trump cùng các cộng sự "chưa từ bỏ hoàn toàn" mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên nhưng đang ngày càng lo ngại trước thực tại khó khăn. Từ chỗ đưa ra những lời tuyên bố hùng hồn về thành công, Tổng thống Trump nay bắt đầu hạ giọng về vấn đề Triều Tiên. "Tôi không thực sự sốt sắng. Ý tôi là chuyện gì xảy ra rồi sẽ xảy ra", ông Trump nói với CBS.
Cách tiếp cận kiên nhẫn khác thường này đối lập với đòi hỏi trước đó của Washington yêu cầu Triều Tiên giải giáp chương trình hạt nhân trong vòng một năm. "Trump đã đặt cược quá nhiều (vào cuộc đàm phán với Triều Tiên) để có thể từ bỏ ngay lập tức, chuyện đó nếu xảy ra cũng phải sau cuộc bầu cử giữa kỳ", Victor Cha, chuyên gia về Triều Tiên từng suýt trở thành đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc, nhận định.
Giới chức Mỹ đổ một phần trách nhiệm của bế tắc gần đây cho Kim Yong Chol, trùm tình báo kỳ cựu của Triều Tiên. Là nhà đàm phán chính của Bình Nhưỡng với Washington, Kim thường xuyên đóng vai hòn đá tảng ngáng đường các cuộc thảo luận khi tuyên bố ông không được trao quyền thảo luận các vấn đề mà phía Mỹ đưa ra.
Trong cuộc gặp hồi đầu tháng 7 tại làng đình chiến Panmunjom, ông Kim đã khiến các đối tác người Mỹ nổi giận khi từ chối thảo luận các vấn đề như thiết lập kênh liên lạc đáng tin cậy hay thậm chí chỉ là các mục tiêu cụ thể cho chuyến thăm của Ngoại trưởng Pompeo tới Bình Nhưỡng sau đó vài ngày.
Phái đoàn Mỹ khi đó dẫn đầu bởi nhân viên bộ Ngoại giao Sung Kim và nhân viên CIA Andy Kim muốn thảo luận các chi tiết về chuyến đi của Ngoại trưởng Pompeo cũng như tìm kiếm những tiến triển cho quá trình hồi hương hài cối binh lính Mỹ tại Triều Tiên. Tuy nhiên, đại diện Triều Tiên kiên quyết khẳng định chỉ có thẩm quyền nhận lá thư của Tổng thống Trump gửi tới nhà lãnh đạo Kim Jong Un.
Khi các quan chức Mỹ đưa ra các vấn đề thực chất, ông Kim phản đối và kiên quyết chỉ thảo luận về bức thư. Không thể đạt được bước tiến trong thảo luận, phái đoàn Mỹ cuối cùng đành trao lại bức thư và chấm dứt cuộc gặp chỉ sau một giờ đồng hồ.
Chiến thuật đàm phán cứng rắn của Triều Tiên thông qua cựu trùm tình báo Kim Yong Chol gây phẫn nộ cho giới chức Mỹ, tuy nhiên một số ý kiến vẫn hy vọng sẽ sớm có thay đổi từ Bình Nhưỡng. Người ta kỳ vọng Bộ trưởng Ngoại giao Ri Yong Ho, nhân vật dễ chịu và và ôn hòa hơn, sẽ sớm đảm trách vai trò nhà đàm phá chính trong đối thoại với Mỹ.
"Tôi nghĩ có những tranh luận trong nội bộ Triều Tiên về lựa chọn giữa Kim Yong Chol và Ri Yong Ho. Ri hiểu rõ vấn đề hơn và nói một thứ tiếng Anh hoàn hảo. Kim là cựu điệp viên, không phải một nhà đàm phán", chuyên gia Victor Cha nhận xét. Việc thay thế được cho là khả thi bởi trong tuyên bố chung Singapore hôm 12/6, trong khi Mỹ điền tên Mike Pompeo vào vị trí nhà đám phán chính, Triều Tiên đề ngỏ phần này với thông tin "quan chức cấp cao thích hợp".
Đường dài tới thỏa thuận hạt nhân
Trong bối cảnh không đạt được tiến triển về phi hạt nhân hóa, chính quyền Trump dường như tập trung vào mục tiêu hồi hương hài cốt binh sĩ Mỹ. Trong một cuộc gặp tại khu phi quân sự liên Triều hôm 15/7, hai bên nhất trí tái khởi động hoạt động trên thực địa nhằm tìm kiếm hài cốt 5.300 binh sĩ Mỹ mất tích trong cuộc chiến ở phía Bắc vĩ tuyến 38. Ngoại trưởng Pompeo sau đó cho biết những bộ hài cốt đầu tiên sẽ trở về Mỹ "trong vài tuần tới".
Một số quan chức Mỹ xác nhận Triều Tiên cam kết hồi hương 55 bộ hài cốt vào ngày 27/7, đúng dịp kỷ niệm 65 năm ký kết hiệp định đình chiến. Tuy nhiên, một số quan chức Lầu Năm Góc tỏ ra nghi ngờ về khả năng này dựa trên tiền lệ thất hứa của Triều Tiên gần đây.
Một trong các ưu mục tiêu của Ngoại trưởng Pompeo trước chuyến thăm Bình Nhưỡng là tăng cường liên lạc cơ bản với Triều Tiên, vốn không hiệu quả thông qua các kênh tình báo và ngoại giao. Hai bên sau đó đã thiết lập các nhóm công tác nhằm cải thiện vấn đề liên lạc.
Nhiều quan chức an ninh và tình báo của Tổng thống Trump từ lâu nghi ngờ khả năng Triều Tiên tuân thủ các cam kết của mình. Tuy nhiên, trong bối cảnh Washington không có nhiều lựa chọn ngoài các giải pháp ngoại giao, một số chuyên gia nhận định cách tiếp cận thận trọng và từ tốn vẫn là phương thức khả dĩ nhất.
"Tôi lo rằng Tổng thống Trump có thể mất kiên nhẫn với sự phức tạp và lâu dài của tiến trình đàm phán, đặc trưng trong giải quyết vấn đề Triều Tiên, ông ấy có thể từ bỏ và quay trở lại cân nhắc giải pháp quân sự. Đạt được một thỏa thuận hạt nhân cần nhiều thời gian, và để thực thi thỏa thuận ấy còn khó khăn hơn gấp bội", chuyên gia Duyeon Kim đánh giá.
Theo Duy Anh (Tri Thức Trực Tuyến)