"Con vịt" Su-34 vẫn chỉ là máy bay tiêm kích bom, phù hợp thời Chiến tranh Lạnh và xung đột khu vực. Các chuyên gia kết luận Su-34 không đáp ứng tác chiến hiện đại.
Nhưng "Con vịt" Su-34 vẫn chỉ là máy bay tiêm kích bom, thiết kế phù hợp thời Chiến tranh Lạnh và xung đột khu vực. Các chuyên gia đã nhìn thấy nhiều vấn đề về công nghệ và kết luận SU-34 không đáp ứng tác chiến hiện đại.
Thời của máy bay đa nhiệm
Nhờ vào thành tựu của khoa học công nghệ, đặc biệt công nghệ số hoá, máy tính điện tử và vật liệu… từ sau khi kết thúc chiến tranh Việt Nam, ngành hàng không quân sự thế giới đã chuyển sang xu hướng phát triển các loại tiêm kích đa nhiệm.
Máy bay tiêm kích đa nhiệm hiện nay vừa có khả năng không chiến (tiêm kích) vừa có thể mang các loại vũ khí khác như bom, rocket để tác chiến như máy bay tấn công, hỗ trợ các lực lượng mặt đất.
Chúng đáp ứng được cả hai nhiệm vụ. Vũ khí tên lửa ngày càng trở thành vũ khí chủ lực, bắn từ rất xa, khác thời kỳ không chiến áp sát, quần lộn bằng súng máy và pháo. Hiện nay hầu hết các nước đều phát triển không quân tiêm kích theo hướng đa năng này.
Phát hiện đối phương từ xa, đánh từ xa, dải tốc độ rộng, tốc độ cao, quần lộn siêu cơ động là những tính năng quý giá để máy bay tác chiến hiện đại thực hành đánh chặn đối phương.
Tàng hình tốt, có ra đa quét địa hình độ phân giải cao, mang nhiều loại tên lửa phóng từ xa, tự dẫn, bom thông minh… giúp cho chức năng tiêm kích bom đánh phá các mục tiêu chính xác, thực hiện đòn "phẫu thuật ngoại khoa", kết thúc nhanh chiến dịch.
Máy bay tác chiến hiện đại còn tự bảo vệ mình tốt, tác chiến tương đối độc lập, khi cần lại "nối vòng" tác chiến liên hợp hiệu quả cao, cất cánh được ở những sân bay dã chiến, tàu sân bay… Như thế không quân mới phát huy cao tính cơ động, tính đột kích và tính hoả lực ( 3 trong 1).
Su-34 là tiêm kích bom, không phải cường kích
Những kết quả hoạt động ở Sirya trong gần 1 năm qua của tốp máy bay Su-34 Nga "vang như chuông", khiến người ta nghĩ Su-34 chứng minh năng lực cường kích của nó là nổi trội.
Tại chiến trường này, nó từng mang bom thông minh KAB-1500 sử dụng hệ thống dẫn hướng bằng lade bán chủ động với bộ tìm kiếm mục tiêu bằng lade…Su-34 còn dùng tất cả các loại bom mà Nga có tại đây.
Vladimir Vashchenko, tác giả bài viết trên báo Gazeta.ru điểm lại, năm 2008, Không quân Nga đã sử dụng hai chiếc Su-34 tấn công hệ thống phòng không của Gruzia.
Có tin một trong những chiếc Su-34 đã phá hủy một radar 36D6 gần Gori bằng tên lửa diệt radar cao tốc, đầu dò vô tuyến, làm mù hệ thống phòng không của quốc gia này.
Nhưng tác giả Alex Ramm viết trên trang VPK: "Su-34 với tên lửa chống radar chỉ được thử nghiệm sau này, trong năm 2010". Tất cả radar của Gruzia bị bắn phá bằng máy bay Su-24 thông thường".
Những video clip cho thấy Su-34 rải bom dày đặc, chưa thể nói lên năng lực tác chiến cao, khi gần như không có phòng không đối kháng (từ IS).
Vẫn đang có những tranh cãi rằng radar 36D6 (ảnh) của Gruzia không phải bị Su-34 tiêu diệt. |
Nhiều khiếm khuyết?
Năm 2012, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nhận được báo cáo rằng máy bay Su-34 có khiếm khuyết ở thiết bị radar và hệ thống định vị ném bom không ổn định.
Phi công, trên chiếc máy bay này nói rằng các thiết bị "nhìn thấy" thường xuyên trục trặc, ngay vào lúc Su-34 đến mục tiêu, chuẩn bị oanh kích. Kết quả là phi công đã phải mang vũ khí quay về sân bay.
Một nhược điểm chết người khác của Su-34 là hệ thống điện tử hoạt động không như mong đợi. Đó là vì radar mạng pha quét điện tử thụ động V004 tỏ ra kém hiệu quả khi nhận dạng mục tiêu tại các khu vực hỗn độn, nơi rừng núi. Thiết bị ảnh nhiệt và các kênh truyền hình (TVO) hạn chế về tầm nhìn.
Như thế trong tác chiến phòng không hiện đại, tác chiến tầm xa khó khăn, việc thực hiện các cuộc tấn công mặt đất tầm thấp sẽ đặt Su-34 vào tình thế nguy hiểm.
Phi công Rasul Abdullaev từng bay Su-34 nói rằng: "Su-34 có thiếu sót", nhưng anh cũng bộc bạch "Cố nhiên, nó hoàn hảo hơn so với người tiền nhiệm Su-24".
Người ta nói nhiều đến khả năng bay xa, mang nặng vũ khí của Su-34, thậm chí ví nó là "xe tăng bay", rất phù hợp với nhiệm vụ chuyên dùng đánh mặt đất từ tầm xa. Nhưng tính toán thấy rằng, khi Su-34 mang đủ tải 12 tấn vũ khí thì hạn chế bán kính hoạt động, chỉ loanh quanh trong khoảng 300 đến 400 km.
Nếu yêu cầu tầm tác chiến đủ tầm trên 1.000km (như lý thuyết) thì lại phải giảm tải các loại vũ khí xuống!
Vả lại, Su-34 đánh tầm xa sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào máy bay tiếp dầu và nhờ các tiêm kích đi hộ tống, nên nó phù hợp với các nước có không quân hùng mạnh, đa dạng "che đỡ cho nhau" hiệu quả, như Không quân Nga, Mỹ.
Su-34 không có chức năng đánh chặn. Các chuyên gia khẳng định như vậy, cho dù nó có tên lửa đối không, một radar thứ hai để quan sát bán cầu phía sau. Hệ thống này nhằm để cảnh báo kịp thời cho phi hành đoàn về các mối đe dọa.
Khi cần thiết có thể đáp trả từng loạt tên lửa chống đánh trộm phía sau lưng và từ trên góc cao của các máy bay tiêm kích đối phương. Thực chất hệ thống này để tự vệ hơn là tấn công con mồi phía sau.
Do mang tải nặng nên khả năng quần lộn, thao diễn kém, chưa kể hệ thống luồng phụt và cánh khí động của "con" này không linh hoạt, khi thao tác phức tạp như bay treo, bay khoan, "bay chữ J", "bay lắc chuông"…
Su-34 thể hiện khả năng thao diễn. |
Đúng là Su-34 được trang bị các hệ thống điện tử, điều khiển hỏa lực tối tân với radar mới, hệ thống tác chiến điện tử tinh vi, tổ hợp quan sát ảnh nhiệt cùng các màn hình hiển thị đa năng, có khả năng tiêu diệt hiệu quả các mục tiêu mặt đất.
Có hệ thống thông tin liên lạc truyền tin, giọng nói chiến thuật và chiến lược riêng lẻ…
Những máy bay thế hệ Su-34 mới nhất , trang bị năm 2015-2016 còn có tổ hợp tác chiến điện tử "Khibiny". Tổ hợp này giúp Su-34 đảm bảo khả năng định vị phương hướng bằng tín hiệu vô tuyến điện, đồng thời thay đổi thông số tín hiệu phát ra.
Nhưng Su-34 không giấu mình được trước các radar thông thường trên máy bay chiến đấu của Mỹ và NATO, nó lại càng bộc lộ rõ, từ cự ly rất xa trước máy thu của máy bay cảnh báo sớm AWASC.
Còn các radar dưới mặt đất thì biết rõ hành tung của Su-34 ngay từ khi cất cánh lên khỏi sân bay, dễ hiễu là diện tích phản xạ hiệu dụng của Su-34 với máy thu radar cảnh giới (đối phương) là rất lớn. Với các loại tên lửa bắn xa, từ tàu chiến, trên bờ, Su-34 khó có thể tiếp cận gần mục tiêu.
Người ta nói, Su-34 được áp dụng rất nhiều công nghệ điện tử hàng không tiên tiến. Radar của Su-34 có khả năng phát hiện mục tiêu ở cự ly 250 km, lập bản đồ mặt đất ở cự ly tới 150 km, mục tiêu mặt đất cỡ lớn có thể được phát hiện ở cự ly 250 km, radar có thể đồng thời bám đến 10 mục tiêu và tấn công 4 mục tiêu trong số đó.
Nhưng thật tiếc là những tính năng đó chưa cọ sát trên thực chiến, đối kháng nếu gặp là F-15, F16… đặc biệt là khi năng lực radar đối không chưa rõ "ai thắng ai".
Cùng với phạm vi tác chiến điện tử tầm khoảng 500 km, Su-34 trở thành một phiên bản trinh sát-tác chiến điện tử tầm xa có phạm vi hiệu dụng hàng nghìn km.
Khi cần thiết, chỉ cần vài chiếc Su-34 có thể lập tức thiết lập một "vùng câm" đối với các thiết bị trinh sát điện tử, thông tin và các hệ thống chỉ huy, điều khiển vũ khí của địch, tức là tạo thành một "vùng chết" đối với các phương tiện chiến đấu của đối phương, cả trên không, dưới mặt đất và trên biển.
Điều này cũng mới là lý thuyết, chưa rõ trong thực chiến.
Su-34 có thể bay kiểu TERCOM (Terrain Contour Matching - bay bám địa hình ở độ cao cực thấp), để vòng tránh những chướng ngại vật bất ngờ và bay xuyên qua khu vực phòng không mặt đất của quân địch.
Phi công nhờ đó có thể bay rất thấp, ném bom chính xác, xuất hiện bất ngờ, phá hủy vũ khí, phòng thủ của "địch quân". Nhưng đó là trên mặt đất.
Còn tấn công cụm tàu sân bay? Có chuyên gia cho rằng tàu sân bay Mỹ được thiết kế để chịu được 10 đến 20 cú tên lửa trực tiếp bắn vào.
Nhưng không giống như máy bay ném bom chiến lược của Nga, Su-34 không thể mang theo nhiều tên lửa chống hạm hạng nặng dù radar của Su-34 được thiết kế để tối ưu hóa cho việc đánh độ cao thấp.
Trong trường hợp bình thường, khi tấn công một nhóm tàu sân bay trên biển, hệ thống phòng khoogn Aegis có thể nhìn thấy sớm Su-34 và có đủ tên lửa tầm gần, tầm thấp để bắn hạ.
Chưa nói đến hệ thống pháo cận chiến Phalanx - trong lớp phòng thủ cuối cùng, luôn sẵn sàng bắn vãi đạn. Nên đây sẽ là một nhiệm vụ tự sát đối với Su-34.
Chưa hết, áo giáp titan ở đầu Su-34, sẽ không chống được tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) hoặc pháo 30mm. Nó chỉ làm tăng trọng lượng máy bay. Tuy vậy vê tâm lý cũng làm an lòng kíp lái.
Từ khi phát triển và sản xuất hàng loạt cho đến nay, đã trải qua 3 lần hiện đại hóa, Su-34 kỳ vọng còn có thể phục vụ thêm 30-35 năm.
Một gánh nặng thực tế là Su-34 phải thay thế toàn bộ Su-24, rồi Su-25 và máy bay ném bom Tu-22M trong giai đoạn 2020, tính ra khoảng vài trăm máy bay. Nhưng bây giờ (2016), Nga mới nhận được gần 90 chiếc Su-34, và trong tương lai, con số này sẽ là 150 đến 200 với đơn giá nội bộ khoảng 36-40 triệu USD.
Với vùng trời, vùng biển rộng bao la của lãnh thổ Nga, Su-34 không được trông chờ là vũ khí tác chiến trên không hiện đại. Tuy nhiên, "dư địa" của nó không lớn như người ta tưởng. Sức nặng này được san sẻ cho loại thế hệ 5 là Sukhoi T-50, Su-35. Nhưng các máy bay này chưa trang bị kịp, số lượng cũng không nhiều.
Những gì mà Su-34 làm được thì Su-30SM, kể cả Su-30MK2 hiện tại cũng làm được, nhưng với giá rẻ hơn rất nhiều, lại đồng bộ với hạ tầng bảo trì bảo dưỡng đang có.
Chắc chắn khả năng đối không của Su-30SM còn tốt hơn hẳn Su-34 nhờ tính cơ động và radar vượt trội. Họ Su-30 có lẽ chỉ kém chút ít Su-34 ở tải trọng, bán kính chiến đấu, cho dù năng lực ném bom, bắn phá của chúng cũng chưa có trong thực chiến.
Trong khi F/A-18, F-15 của Mỹ và các máy bay của NATO đã khẳng định rõ ưu thế trong thực chiến khi thực hiện nhiệm vụ cường kích, tại các xung đột khu vực ở vài thập kỷ qua.
Có phép màu nào không?
Bài học sinh động từ dòng chiến đấu cơ MiG-29, đời đầu, qua thực chiến đã lộ ra quá nhiều khiếm khuyết, trong đó phải kể đến tầm tác chiến gần, thiết bị điện tử kém, giờ bảo dưỡng động cơ ngắn, tác chiến liên quân chủng khó khăn, không làm được "đa nhiệm"…
Vì thế, người Nga đã nâng cấp sâu MiG-29, thành MiG-29K ngày nay đã thay đổi rất nhiều so với nguyên mẫu MiG-29 ban đầu để đáp ứng với yêu cầu của chiến tranh hiện đại
Trong chế độ không đối đất, radar có thể phát hiện một chiếc xe tăng từ khoảng cách 25 km và một cây cầu từ khoảng cách 120 km, một tàu khu trục hải quân có thể bị phát hiện từ xa 300 km và có thể theo dõi cùng lúc 2 mục tiêu dưới mặt đất, mặt biển.
Su-34 có thể như MiG–29K? Được ứng dụng một phần công nghệ stealth (tàng hình) dựa vào được phủ lớp sơn hấp thụ sóng radars, hệ thống gây nhiễu điện tử (ECM, những ưu thế này cho phép Su-34 khó bị phát hiện khi bay ở tầm thấp, có thể bí mật bất ngờ xuất hiện tại khu vực tác chiến.
Cho dù đã được nghiệm thu đưa vào sản xuất loạt, bất chấp những khiếm khuyết, nhưng hy vọng rằng, Su-34 sẽ sớm được cải tiến.
Mặt khác Nga có thể Liên doanh, hoặc xin cấp li-xăng sản xuất cảm biến nhiệt, các cảm biến khác, hệ thống đo, dẫn bắn lade với các tập đoàn nổi tiếng của Pháp, Israel,…
Dẫu sao, hình ảnh đẹp đẽ của Su-34 vẫn in dấu trong lòng nhiều sĩ quan Nga. Họ cũng như các chuyên gia trong và ngoài nước Nga luôn đánh giá cao những điểm mạnh thực sự của Su-34. Thực tế khắc nghiệt của chiến trường luôn là thước đo chân lý.
Chắc chắn vào lúc này, các nhà Khoa học quân sự Nga đã nghĩ tới một máy bay giữa thế kỷ 21, chuyên tấn công trong tác chiến chiến thuật hiệu quả, rồi đây sẽ gánh cho Su-34. Như tiêm kích MiG-41 vừa bộc lộ, thay thế cho MiG-31 siêu hạng, có từ thời chiến tranh Lạnh "vang bóng một thời".