Đại tá Ấn Độ: Ảnh vệ tinh cho thấy TQ có thể đã đưa ra nhiều thông tin 'không đúng' về đập Tam Hiệp

14/07/2020 16:27:41

Các hình ảnh vệ tinh cho thấy đập Tam Hiệp dường như đã mở tất cả các cổng xả lũ, xả sớm hơn và nhiều hơn so với thông tin chính thức được Trung Quốc đăng tải.

Ngày 10/7 vừa qua, ông Vinayak Bhat, một đại tá Ấn Độ về hưu, đã có bài viết trên trang India Today với nội dung đăng tải một số hình ảnh vệ tinh cho thấy đập Tam Hiệp dường như đã xả nước sớm hơn và với lưu lượng lớn hơn nhiều so với thông tin chính thức mà Trung Quốc công bố.

Mặc dù mùa mưa bắt đầu từ ngày 29/5 và Cục Khí tượng Thủy văn Trung Quốc (CMA) đã đưa ra cảnh báo rằng mưa lớn sẽ kéo dài trên khắp Trung Quốc trong tháng 6, tới tận ngày 29/6 nước này mới thừa nhận rằng đã cho đập Tam Hiệp xả lũ lần đầu tiên trong năm. Theo đó, Bắc Kinh cho biết con đập đã mở cửa hai cửa xả lũ vào buổi sáng 29/6, đánh dấu lần xả lũ quan trọng của con đập khổng lồ giữa mùa mưa lũ.

Tuy nhiên, theo đại tá Vinayak, các hình ảnh vệ tinh cho thấy rằng nước đã được xả từ ít nhất 5 cổng xả lớn và 5 cổng xả nhỏ vào ngày 24/6, tức là sớm hơn 5 ngày so với những gì Bắc Kinh công bố. Trạm quan trắc Thủy văn Thành phố Trùng Khánh ngày 22/6 đã lần đầu tiên trong vòng 80 năm qua đưa ra báo động đỏ với lũ lụt trên sông Kỳ Giang.

Xét tới việc Kỳ Giang là một nhánh của sông Dương Tử, có thể đoán được lượng nước trong các hồ chứa ở Tam Hiệp sẽ tăng mạnh trong những ngày mưa lớn. Trong khi trên thực tế, theo ông Vinayak, mực nước ở trong hồ chứa vào ngày 24/6 - 2 ngày trước khi lũ lụt kéo tới - lại thấp hơn khoảng 15m so với mực nước vào ngày 27/10/2017, khi tất cả các cổng xả lũ đều đóng.

Đại tá Ấn Độ: Ảnh vệ tinh cho thấy TQ có thể đã đưa ra nhiều thông tin 'không đúng' về đập Tam Hiệp
Hình ảnh đập Tâm Hiệp vào tháng 10/2017, mực nước cao hơn nhưng không xả lũ. Nguồn: India Today
Đại tá Ấn Độ: Ảnh vệ tinh cho thấy TQ có thể đã đưa ra nhiều thông tin 'không đúng' về đập Tam Hiệp - 1
Đập Tam Hiệp có dấu hiệu xả lũ vào ngày 24/6. Nguồn: India Today

Dựa trên yếu tố này, ông Vinayak cho rằng việc xả lũ ngày 24/6 là không cần thiết. Ngoài ra, mực nước ngày 22/6 đáng nhẽ phải cao tương đương mức nước vào tháng 10/2017, nhiều tháng sau khi những đợt mưa lũ ở Trung Quốc kết thúc trong năm 2017.

Ngày 27-28/6 vừa qua, nhiều đoạn video đã được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy thành phố Nghi Xương, Hồ Bắc, nằm dưới đập Tam Hiệp đã bị lụt nặng.

Người dân tại đây đã đặt câu hỏi về việc liệu có phải hiện tượng lụt này là hậu quả của việc xả lũ ồ ạt nhằm làm giảm áp lực nước đối với đập Tam Hiệp, trong khi đó người dân ở hạ lưu lại phải gánh chịu hậu quả.

Bên cạnh đó, những hình ảnh vệ tinh mới cũng cho thấy dường như đập Tam Hiệp xả nhiều nước hơn thông báo của Bắc Kinh. Hãng CGTN ngày 3/7 cho rằng đập Tam Hiệp đã "mở 3 cửa xả lũ" vào ngày 2/7, lưu lượng nước lũ vào đập là 50.000m3/giây, trong khi lượng xả ra đã được điều phối và kiểm soát ở ngưỡng 35.000m3/s, qua đó giảm 30% đỉnh lũ ở Dương Tử và "giảm một cách hiệu quả áp lực kiểm soát lũ ở trung lưu và hạ lưu sông".

Tuy nhiên, bức ảnh vệ tinh ngày 9/7 cho thấy dường như tất cả các cổng xả lũ ở đập đã được mở. Đập tràn đập Tam Hiệp có 23 cửa xả đáy và 22 cửa cống bề mặt.

Trao đổi với Taiwan News, ông Vinayak tính toán rằng có thể tất cả các cửa xả lũ đều mở một phần khi 5 cổng lớn được mở hoàn toàn. Ông Vinayak cho biết ông đã dùng ảnh vệ tinh từ nhà cung cấp ảnh nguồn mở Sentinel và Google Earth.

Theo Tất Đạt (Tổ Quốc)