Khi các quốc gia bị đại dịch COVID-19 tàn phá gấp rút tiêm chủng cho người dân của họ, thì đảo Đài Loan vẫn "đủng đỉnh", theo đài CNN (Mỹ).
Trong nhiều tháng liên tiếp, hòn đảo 23 triệu dân này đã duy trì thành quả chống dịch - số ca nhiễm mới trong cộng đồng gần như bằng 0 trong nhiều tháng - và vì thế nên nhu cầu tiêm vaccine thấp đến mức hiện nay chỉ mới có 1% người dân đảo Đài Loan đã được chủng ngừa đầy đủ.
Nhưng trong bối cảnh đại dịch COVID-19, tình hình có thể chuyển biến rất nhanh chóng. Hiện tại, Đài Loan đang phải đối mặt với đợt bùng phát tồi tệ nhất từng thấy. Trong tuần trước, đảo này đã ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm mới. Người dân Đài Loan đã đổ xô đến các trung tâm tiêm chủng, nhưng số vaccine mà đảo này hiện có không đủ đáp ứng nhu cầu của họ.
Chính quyền đảo Đài Loan đã đề nghị Mỹ chia sẻ một phần trong số vaccine mà Tổng thống Joe Biden chuẩn bị chia sẻ cho thế giới, trong khi đảo này chờ đợi các lô vaccine khác được chuyển đến.
Nhưng trên lý thuyết, Đài Loan có một giải pháp ở rất gần: đó là vaccine Trung Quốc.
Trung Quốc đã gửi hàng chục triệu liều vaccine sản xuất trong nước đi khắp thế giới. Tuy nhiên, căng thẳng trên eo biển Đài Loan đã leo thang kể từ sau khi đại dịch bùng phát, khi Bắc Kinh ngăn Đài Loan tham gia Tổ chức Y tế thế giới, "tán tỉnh" các đồng minh đang suy yếu của Đài Bắc và gia tăng áp lực quân sự lên hòn đảo mà họ coi là một phần lãnh thổ của mình.
Trong bối cảnh ấy, Đài Loan đã thẳng thừng từ chối nhận số vaccine do Trung Quốc sản xuất, với lý do luật pháp Đài Loan cấm nhập khẩu vaccine Trung Quốc dùng cho người. Bắc Kinh đã chỉ trích động thái này của Đài Loan là "hy sinh hạnh phúc của người dân vì lợi ích chính trị của riêng mình."
Nhưng Đài Loan lại không nhìn nhận sự việc theo cách đó. Đảo này đã cáo buộc Bắc Kinh chặn nguồn cung thay vì cố gắng thúc đẩy nó.
Hôm 19/5, người phát ngôn văn phòng lãnh đạo Đài Loan Kolas Yotaka tuyên bố trên Twitter: "Việc tiếp cận vaccine của Đài Loan tếp tục bị cản trở do Trung Quốc can thiệp, trong khi họ cứ một mực đòi chúng tôi mua vaccine do Trung Quốc sản xuất. Nếu các vị thực sự muốn giúp đỡ, xin đừng chắn đường chúng tôi".
Bà Yotaka không nêu chi tiết về sự can thiệp của Trung Quốc, nhưng hồi tháng 2 vừa qua, lãnh đạo cơ quan y tế Đài Loan Chen Shih-chung đã tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh rằng Đài Loan và BioNTech đã định ký hợp đồng mua 5 triệu liều vắc-xin vào tháng 12/2020, nhưng sau đó thỏa thuận này không được thông qua do "áp lực chính trị". Trong khi đó, BioNTech có hợp đồng phân phối lớn hơn ở Trung Quốc với công ty Fosun Pharma có trụ sở tại Thượng Hả. Tuy nhiên Bắc Kinh phủ nhận cản trở thương vụ của Đài Loan.
NGUỒN CUNG HẠN CHẾ
Đài Loan đã đặt hàng 20 triệu liều vaccine - đủ để tiêm chủng cho 43% dân số của đảo này. Nhưng tới nay Đài Loan mới chỉ nhận được khoảng 700.000 liều vaccine AstraZeneca.
Năm 2020, Đài Loan đã ký hợp đồng mua 10 triệu liều vaccine AstraZeneca, nhưng phải đến tháng 3 năm nay, lô 117.000 liều vaccine đầu tiên mới được chuyển đến đảo này từ một nhà máy ở Hàn Quốc.
Đài Loan cũng đã đặt hàng g 4,76 triệu liều thông qua COVAX - sáng kiến toàn cầu do WHO hỗ trợ nhằm đảm bảo quyền tiếp cận công bằng với vaccine COVID-19. Lô đầu tiên gồm 199.200 liều vaccine đã cập bến vào đầu tháng 4, và lô thứ 2 gồm 400.000 liều vừa được chuyển đến đảo này hôm 19/5 vừa qua.
Vào tháng 2, Đài Loan đã ký hợp đồng mua 5 triệu liều vaccine từ hãng Moderna của Mỹ, dự kiến lô hàng đầu tiên sẽ được chuyển đến trong tháng 6.
Hsiao Bi-khim, người đại diện của đảo Đài Loan tại Mỹ, cho biết do nhu cầu vaccine ở Đài Loan ban đầu rất thấp nên bà đã tập trung giúp các đồng minh ngoại giao của Đài Bắc đảm bảo có vaccine. Giờ đây sự tập trung đã được chuyển hướng về Đài Loan.
ÍT NGƯỜI QUAN TÂM ĐẾN TIÊM CHỦNG
Chính quyền đảo Đài Loan đã triển khai chương trình tiêm chủng vào cuối tháng 3, với đối tượng ưu tiên đợt 1 là các nhân viên y tế. Sau đó chương trình được mở rộng cho các sĩ quan cảnh sát, điều dưỡng, người già và lực lượng phòng vệ.
Giữa tháng 4, chương trình tiếp tục mở rộng cho những người nằm ngoài danh sách ưu tiên nói trên với chi phí khoảng 21 USD cho mỗi mũi tiêm.
Tuy nhiên, khá ít người quan tâm đến việc tiêm vaccine vì mọi người đã tận hưởng cuộc sống bình thường trong nhiều tháng trời. Nhiều người cũng lo ngại về tác dụng phụ của vaccine nên đã do dự.
ÔNg Chen Hsiu-hsi, giáo sư dịch tễ học tại Đại học Đài Loan cho biết: "Trong 1,5 năm qua, Đài Loan không trải qua một đợt bùng phát dịch lớn nào, vì vậy nhiều người dân không cảm thấy họ đang gặp nguy hiểm sát sườn. Đây là lý do khiến nhiều người không có động lực đi tiêm vaccine COVID-19".
Tuy nhiên, sự gia tăng đột biến các ca nhiễm mới trong tháng này đã trở thành hồi chuông cảnh tỉnh, khiến nhiều người đổ xô đi tiêm phòng. Trước khi lô vaccine mới thuộc chương trình COVAX được chuyển đến vào ngày 19/5, Đài Loan chỉ còn khoảng 100.000 liều vaccine dự trữ.
Khi nguồn cung thiếu hụt, chính quyền đảo đã đình chỉ chương trình tiêm vaccine dịch vụ và dành tất cả những liều còn lại cho nhân viên y tế.
TỰ PHÁT TRIỂN VACCINE
Hiện đảo Đài Loan đang bị tụt hậu khá xa so với các nước Mỹ, Anh, Đức, Trung Quốc và Nga trong nỗ lực tự phát triển vaccine.
Tháng 8 năm ngoái, 3 vaccine tiềm năng của đảo này đã bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng - chậm hơn 5 tháng sau Trung Quốc đại lục và Mỹ.
Lãnh đạo đảo Đài Loan Thái Anh Văn hôm 18/5 vừa công bố 2 loại vaccine tiềm năng đã kết thúc giai đoạn 2 của thử nghiệm lâm sàng, và dự kiến sẽ có mặt trên thị trường vào cuối tháng 7 nếu các vaccine này được cấp phép sử dụng khẩn cấp trong tháng tới.
Nhà dịch tễ học Chen cho biết ông rất lạc quan về các loại vaccine do Đài Loan tự phát triển. "Các nhà nghiên cứu đã báo cáo kết quả tốt trong các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 và vaccine cũng phản ứng tốt với các biến thể khác nhau trong phòng thí nghiệm", ông Chen nói.
Cho đến khi vaccine được sản xuất, Đài Loan sẽ phải dựa vào các vaccine do nước khác phát triển - nhưng không phải là vaccine do Trung Quốc sản xuất, ông Chen nói./.
Theo Hồng Anh (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)