Nghị quyết không mang tính ràng buộc này đã được thông qua với 128 phiếu thuận, 9 phiếu chống và 35 quốc gia không bỏ phiếu.
Mỹ ít nhiều hẳn cũng cảm thấy bị cô lập khi nhiều dồng minh thân cận ở các nước phương tây và Ả rập đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết này như Ai Cập, Jordan và Iraq - những nước nhận viện trợ kinh tế và quân sự lớn từ Mỹ, bất chấp lời đe dọa trước đó về việc cắt viện trợ.
Trong số 9 quốc gia bỏ phiếu chống, ngoài Mỹ, Israel còn có Guatemala, Honduras, Quốc đảo Marshall, Micronesia, Palau, Nauru và Togo,... Trong số các quốc gia không bỏ phiếu có một số cái tên đáng chú ý như Úc, Canada, Mexico, Argentina, Colombia, Cộng hòa Czech, Hungary, Ba Lan, Philippines, Rwanda, Uganda và Nam Sudan.
Trước đó, cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc bà Nikki Haley đã cảnh báo Mỹ có thể cắt viện trợ những nước bỏ phiếu chống quyết định của Mỹ tại sự kiện này.
Trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, bà Haley phát biểu trước 193 thành viên Đại hội đồng LHQ những lời lẽ như sau: "Nước Mỹ sẽ ghi nhớ ngày hôm nay - ngày mà đất nước chúng tôi bị chỉ đích danh để chỉ trích tại Đại hội đồng LHQ vì một hành động thuộc quyền của một quốc gia có quyền tự quyết. Chúng tôi sẽ nhớ chuyện này khi chúng tôi được kêu gọi trở thành nước đóng góp số tiền lớn nhất thế giới cho LHQ một lần nữa và rất nhiều quốc gia khác, như vẫn thường xảy ra, kêu gọi chúng tôi chi thậm chí nhiều hơn nữa và sử dụng ảnh hưởng của chúng tôi cho lợi ích của mình".
Nhiều quốc gia lên tiếng phản đối đe dọa của Mỹ vì cho rằng tình trạng của thành phố Jerusalem phải là kết quả đàm phán trực tiếp giữa Israel và Palestine.
Ngoại Trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho hay: "Chúng tôi bị yêu cầu phải bỏ phiếu ‘chống hoặc sẽ phải chịu hậu quả, thậm chí có cả đe dọa cắt viện trợ phát triển. Đây là hù dọa và không đúng về mặt đạo đức khi buộc lá phiếu và danh dự của nhiều quốc gia thành viên của LHQ vào chuyện mua bán".
Đại sứ Pháp, Francois Delattre, một nước bỏ phiếu thuận phát biểu trong một thông báo: "Nghị quyết được thông qua hôm nay đã xác nhận các vấn đề về pháp luật quốc tế đối với vấn đề Jerusalem".
Việc bỏ phiếu ủng hộ Mỹ của Mexico được bình luận rằng từ khi ông Trump đắc cử, Mexico đã có chính sách đối ngoại theo hướng xích lại gần Washington, một động thái các nhà ngoại giao cho rằng nhằm tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ và để đảm bảo Mỹ không rút lui khỏi hiệp định thương mại tự do NAFTA.
Trong tuần trước một nghị quyết tương tự của Hội đồng bảo an LHQ cũng ra nghị quyết bác bỏ quyết định của Mỹ về việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel với 14 phiếu thuận trong số 15 quốc gia thành viên.
Mỹ đóng góp nhiều nhất, 28.5% cho ngân sách gìn giữ hòa bình 7,3 tỉ USD của LHQ và 22% trong ngân sách 2,7 tỉ đô la của LHQ. Nhiều đồng minh của Mỹ đã tránh không phát biểu gì trong ngày bỏ phiếu còn bà Haley thì bước ra ngoài sau khi nói xong.
Theo số liệu của cơ quan viện trợ Mỹ USAID, năm 2016 Mỹ đã cung cấp 13 tỉ USD viện trợ về kinh tế và quân sự cho các nước ở vùng phụ cận Saharan ở Châu Phi và 1,6 tỉ USD cho Đông Á và Châu đại dương.
Mỹ cũng viện trợ 13 tỉ USD cho các nước Trung Đông và Bắc Phi, 6,7 tỉ USD cho các nước ở Trung và Nam Á, 1,5 tỉ USD cho Châu Âu và vùng lục địa Á-Â và 2,2 tỉ USD cho các nước ở Châu Mỹ (gồm cả Bắc Mỹ, Nam và Trung Mỹ).
Theo Hồng Vân (Tuổi Trẻ)