Đại hội 19 có thể sẽ vạch đường hướng để Trung Quốc đạt được các mục tiêu trong khái niệm "giấc mơ Trung Hoa" do ông Tập đề xướng.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AP |
Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) đặt tầm quan trọng của Đại hội đảng lần thứ 19 ngang hàng với sự kiện Mao Trạch Đông thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1949 và Đặng Tiểu Bình phát động chính sách cải cách và mở cửa kinh tế vào cuối thập niên 1970.
Động thái này nhiều khả năng dẫn đến sự công nhận Chủ tịch Tập Cận Bình là lãnh đạo tối cao thứ ba của Trung Quốc sau Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình, tạo điều kiện để ông Tập tiếp tục thúc đẩy khái niệm "Giấc mơ Trung Hoa" do ông khởi xướng, theo Asia Times.
Giấc mơ Trung Hoa
Tại một cuộc họp báo cung cấp thông tin về đại hội đảng sắp tới, ông Tưởng Kiến Quốc, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương CPC, nói rằng Đại hội đảng lần thứ 19 "sẽ không chỉ đặt ra nhiệm vụ cho 5 năm tới mà cả hai đến ba thập niên tới". Nói cách khác, Đại hội đảng lần này sẽ đặt ra chương trình nghị sự cho CPC và quốc gia trong một thời gian dài. Con số 20-30 năm này cũng trùng khớp với khung thời gian thực hiện "Giấc mơ Trung Hoa" của ông Tập.
Năm 2012, khi ông Tập lên nắm quyền lãnh đạo sau đại hội CPC thứ 18, ông đã đưa ra khái niệm "Giấc mơ Trung Hoa" về "cuộc phục hưng vĩ đại cho dân tộc Trung Hoa". Để thực hiện giấc mơ này, ông Tập đã đặt ra hai mục tiêu là xây dựng Trung Quốc trở thành một xã hội khá thịnh vượng về mọi mặt vào năm 2021 khi CPC kỷ niệm 100 năm ngày thành lập và đạt mục tiêu phục hưng Trung Hoa vào năm 2049 khi nước này kỷ niệm 100 năm ngày ra đời. Giờ đây, Trung Quốc còn 32 năm phía trước để thực hiện trọn vẹn "Giấc mơ Trung Hoa" của ông Tập.
Giấc mơ Trung Hoa của ông Tập dường như gồm ba giai đoạn: dân tộc Trung Hoa trỗi dậy, giàu có và hùng mạnh. Như ông đã nói trong một bài phát biểu vào cuối tháng 7: "Dân tộc Trung Hoa, đã trải qua những bất hạnh và gian khổ kể từ thời kỳ đương đại, đã có bước nhảy vọt lịch sử để vươn lên thịnh vượng và mạnh mẽ hơn. Quyết tâm đứng lên và trở nên giàu có rồi mạnh mẽ hơn giờ đây trở thành một thách thức mới đối với Trung Quốc. Chúng ta phải chuẩn bị về mặt tinh thần, học thuyết và hệ thống".
Vậy nên, mục tiêu thứ nhất "xây dựng Trung Quốc trở thành một xã hội khá thịnh vượng về mọi mặt" có nghĩa là dân tộc Trung Hoa trở nên giàu có hơn và mục tiêu thứ hai "thực hiện cuộc phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa" là đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc.
Cột mốc thứ ba trong lịch sử
Tại Trung Quốc, người dân thường nói rằng Mao Trạch Đông dẫn dắt dân tộc Trung Hoa đứng lên, Đặng Tiểu Bình đưa dân tộc trở nên giàu có và Tập Cận Bình được trao nhiệm vụ mở đường cho dân tộc trở nên hùng mạnh hơn vào thế kỷ 21.
Mao Trạch Đông (trái) và Đặng Tiểu Bình được xem là hai nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc. Ảnh: Xinhua. |
Nếu thực hiện nhiệm vụ này thành công, ông Tập chắc chắn trở thành nhà lãnh đạo làm nên lịch sử sau Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Vì đại hội CPC 19 sẽ tập trung vào các phương sách đưa giai đoạn cuối cùng của "Giấc mơ Trung Hoa" trở thành hiện thực, sự kiện này được ca ngợi như là cột mốc thứ ba trong lịch sử CPC và Trung Quốc.
Nhà bình luận Wu Zhong của Asia Times nhận định không có gì ngạc nhiên nếu đại hội CPC lần thứ 19 sẽ sửa đổi điều lệ đảng để đưa tư tưởng của ông Tập vào điều lệ đảng, trở thành ý thức hệ dẫn đường của CPC.
Điều lệ hiện tại của CPC quy định rằng đảng tuân thủ Tư tưởng Mao Trạch Đông, Lý luận Đặng Tiểu Bình, Thuyết Ba đại diện (CPC đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến, đại diện nền văn hóa tiên tiến và lợi ích của đông đảo nhân dân Trung Quốc) và Tầm nhìn khoa học về phát triển như là kim chỉ nam cho mọi hành động. Thuyết Ba đại diện được cựu Tổng bí thư Giang Trạch Dân khởi xướng, còn Tầm nhìn khoa học về phát triển do Hồ Cẩm Đào, người tiền nhiệm của ông Tập, đề xuất.
Tuy nhiên, tên của hai nhà lãnh đạo này không được nhắc đến trong điều lệ đảng. Wu Zhong cho rằng nếu tư tưởng của ông Tập được viết vào điều lệ đảng như một phần của ý thức hệ dẫn đường với tên của ông Tập cũng được nêu, điều này có nghĩa là ông được xem như là lãnh đạo tối cao sáng ngang hàng với Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.
Thực tế, với quyền kiểm soát chặt chẽ quân đội, chỉ có ông Tập mới được xem là lãnh đạo mạnh như ông Mao và ông Đặng. Ông Giang Trạch Dân và ông Hồ Cẩm Đào không có kinh nghiệm quân sự và phải dựa vào các tướng lĩnh cấp cao, nhiều người trong số đó đã "ngã ngựa" vì bị cáo buộc tham nhũng.
Trên mặt trận kinh tế, vì mục tiêu của CPC là đưa Trung Quốc trở thành quốc gia hùng mạnh trong hai thập niên tới nên có thể khẳng định chắc chắn rằng CPC sẽ tự đặt ra nhiệm vụ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua cải cách và mở cửa. Điều này được thể hiện rõ trong các phát biểu của Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Diên Đông trong chuyến thăm Mỹ vào cuối tháng 9. Trong chuyến thăm đó, bà đã nói với cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger rằng Trung Quốc sẽ mở cửa nền kinh tế hơn nữa sau Đại hội đảng lần thứ 19.
Có thể đoán rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng ở tốc độ hiện tại hoặc nhanh hơn trong những năm sắp tới, dù đại hội lần này có thể không đặt ra các mục tiêu tăng trưởng cụ thể, Wu Zhong đánh giá.
4 sự tự tin
Dưới thời kỳ cầm quyền của ông Tập, sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ đi theo con đường riêng. Thông báo sau cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc hôm 31/8 khẳng định rõ "toàn đảng và toàn đất nước phải giữ vững và nâng cao sự tự tin vào con đường xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc, sự tự tin về lý luận, sự tự tin về hệ thống và sự tự tin văn hóa".
4 sự tự tin này, do chính ông Tập đúc kết, rõ ràng chứng tỏ rằng Trung Quốc không chấp nhận bị "Tây hóa".
Một cuộc khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew vào năm ngoái cho thấy hơn 80% người Trung Quốc hài lòng về hướng đi của đất nước. 3/4 số người Trung Quốc nhìn nhận nước họ đang đóng vai trò lớn hơn trong các vấn đề toàn cầu so với 10 năm trước đây và 60% đánh giá sự tham gia của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu là tích cực.
Hồi tháng 7, một bài báo đăng trên tờ Wall Street Journal với nhan đề "Thách thức mới đối với sức mạnh Mỹ: Chủ nghĩa biệt lệ Trung Quốc" có đoạn viết rằng: "Chủ tịch Tập Cận Bình đang giữ vững Trung Quốc với tư cách là cường quốc toàn cầu đầy tự tin, vào thời điểm vai trò lãnh đạo của Mỹ dường như không chắc chắn".
Tuy nhiên, theo Economist, trong thập kỷ tiếp theo, một loạt vấn đề âm ỉ của Trung Quốc sẽ càng hiển hiện rõ hơn và có thể là những chướng ngại cản trở các tham vọng của nước này. Cùng với quá trình tăng trưởng nóng của nền kinh tế, không khí và đất sẽ bị ô nhiễm nhiều hơn. Sự mất cân bằng giới tính, thừa nam thiếu nữ trong dân số cũng thể hiện rõ khi thế hệ sinh ra trong giai đoạn Trung Quốc áp đặt chính sách một con đến tuổi kết hôn. Nước này cũng sẽ phải xử lý các khoản nợ lớn của các chính quyền địa phương và các doanh nghiệp nhà nước.
Tham vọng trở thành cường quốc có vai trò lãnh đạo khu vực của Trung Quốc cũng gặp trở ngại đến từ đồng minh ở Đông Bắc Á. Việc Bắc Kinh chưa kiên quyết kiềm chế chương trình vũ khí hạt nhân của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khiến Mỹ tham gia vào châu Á nhiều hơn, đồng thời khiến cho Nhật Bản và Hàn Quốc tính đến khả năng tự triển khai các biện pháp phòng thủ hạt nhân, điều Trung Quốc cho là ảnh hưởng đến lợi ích của họ.
"Một câu hỏi lớn còn bỏ ngỏ là liệu những mục tiêu ông Tập đề ra có phải là hướng đi đúng cho nước ông hay không", bài bình luận trên Economist có đoạn viết.
Theo Hồng Vân (VnExpress.net)