Tùy viên quân sự Việt Nam tại Belarus đã tới thăm Công ty khoa học kỹ thuật Tetraedr - Doanh nghiệp CNQP hiện đại nhất của nước này để "ngắm" tên lửa phòng không và radar hiện đại.
Thăm tổ hợp CNQP hiện đại nhất Belarus
Theo thông tin chính thức được đăng tải trên website phát đi từ Công ty khoa học kỹ thuật Tetraedr, cuối tháng 6 vừa qua, họ đã trân trọng mời đoàn tùy viên quân sự của các quốc gia tại Belarus, trong đó có Việt Nam, tới thăm doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng hiện đại bậc nhất nước này.
Được biết, Tetraedr được thành lập ngày 26/4/2001 tại thủ đô Minsk của nước CH Belarus theo hình thức doanh nghiệp tư nhân một chủ và quy tụ được trên 300 cán bộ, công nhân viên có học hàm học vị và kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực thiết kế, thử nghiệm và vận hành các loại vũ khí trang bị kỹ thuật phòng không tiên tiến.
Tùy viên quân sự Việt Nam tại Belarus (thứ 3 từ trái sang) cùng các đồng nghiệp chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Công ty Tetraedr |
Tuy mới thành lập được 15 năm nhưng Tetraedr đã tạo được uy tín trong lĩnh vực nghiên cứu cải tiến, nâng cấp các tổ hợp tên lửa phòng không cơ động, trong đó có tổ hợp S-125-2TM.
Theo báo QĐND, chính Tetraedr là đơn vị cung cấp chuyển giao gói nâng cấp tên lửa phòng không S-125M "Pechora-M" lên chuẩn S-125-2TM Pechora-2TM cho Việt Nam. Hiện nay, hai bên đang phối hợp tốt để liên tục cho ra đời những tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại trang bị cho các trung đoàn phòng không của Việt Nam.
Trong chuyến thăm, tùy viên quân sự của các quốc gia tại Belarus được Tetraedr giới thiệu và trình diễn nhiều loại vũ khí, khí tài hiện đại. Các đại biểu còn thăm quan nhà máy, cơ sở vật chất, xem quá trình tổ chức nghiên cứu chế tạo và sản xuất, lắp ráp các trang bị quân sự.
Nghe giới thiệu radar cảnh giới nhìn vòng băng sóng mét TRS-2D. Ảnh: Công ty Tetraedr |
Các chuyên gia của Tetraedr giới thiệu chi tiết về tính năng kỹ chiến thuật, cách thực vận hành của một số loại vũ khí hiện đại do họ chế tạo như tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung S-125-2TM Pechora-2TM, tổ hợp tên lửa phòng không tầm gần T38 STILET, radar cảnh giới nhìn vòng băng sóng mét TRS-2D.
Ngắm tên lửa phòng không, radar hiện đại
Theo đó, tổ hợp tên lửa phòng không tầm gần T38 STILET được thiết kế để bảo vệ các đơn vị lục quân, các cơ sở quân sự, công nghiệp trước các cuộc tập kích đường không của các mục tiêu bay hiện đại, ở độ cao thấp và trung bình kể các các mục tiêu bay cực thấp bám địa hình có diện tích phản xạ radar nhỏ từ 0,02m2 trở lên.
Hệ thống T38 STILET có khả năng phát hiện và nhận dạng các mục tiêu trong khi cơ động cũng như phóng cùng lúc 1 hoặc 2 đạn tên lửa diệt mục tiêu khi dừng ngắn hoặc ở vị trí cố định.
Tổ hợp tên lửa phòng không tầm gần T38 STILET. Ảnh: Công ty Tetraedr |
Chúng có khả năng tiêu diệt các mục tiêu bay ở tốc độ tới 900m/s trong vùng hỏa lực ở cự ly xa nhất 20km, dải độ cao từ 25m - 10.000m; xác suất diệt mục tiêu bằng 1 quả đạn là 0,9; thời gian triển khai thu hồi cực nhanh, chỉ khoảng 5 phút; tăng tổng niên hạn sử dụng lên 25 năm.
Đặc biệt, các khách mời còn được xem trình diễn tổ hợp pháo, tên lửa phòng không - chống tăng đa năng A3 cực kỳ độc đáo do Tetraedr mới phát triển, được thiết kế để làm cùng lúc nhiều nhiệm vụ như phòng không, chống tăng, chống khủng bố.
Khi tác chiến phòng không, tổ hợp này có khả năng tiêu diệt mọi loại mục tiêu như máy bay chiến đấu, trực thăng, phương tiện bay không người lái và vũ khí có điều khiển chính xác như tên lửa hay bom lượn.
Ttổ hợp pháo, tên lửa phòng không - chống tăng đa năng A3. Ảnh: Công ty Tetraedr |
Ngoài chức năng chính kể trên, A3 có thể được dùng để tiêu diệt binh lực, phương tiện bọc thép (xe tăng chiến đấu chủ lực, xe chiến đấu bộ binh và xe bọc thép chở quân) hoặc dùng trong nhiệm vụ chống khủng bố cả trong và ngoài đô thị.
Tổ hợp được trang bị hệ thống quang truyền hình thụ động hết sức tiên tiến, cho phép phát hiện, bám sát mục tiêu và điều khiển các vũ khí có sẵn tiêu diệt chúng.
A3 có khả năng hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, bất kể ngày hay đêm ở bất cứ vùng khí hậu nào, kể cả vùng nhiệt đới nóng ẩm.
Một trong những ưu điểm của là A3 có thiết kế mở để tích hợp và điều khiển cùng lúc nhiều vũ khí (tùy theo nhiệm vụ) như tên lửa phòng không, pháo và tên lửa chống tăng.
Mỗi module chiến đấu cơ bản bao gồm: tháp pháo-tên lửa được điều khiển, có thể tác chiến 360 độ; các kênh thông tin liên lạc - kết nối dữ liệu và trạm quan sát/ngắm bắn đa năng cùng phần phềm điều khiển chuyên dụng.
Tùy từng nhiệm vụ được giao, nhờ tháp pháo-tên lửa đa năng cho phép kíp trắc thủ lựa chọn lắp các loại vũ khí thích hợp và chúng sẽ được tích hợp, điều khiển bởi các máy tính chuyên dụng đặc biệt.
Thiết kế module cho phép tổ hợp A3 có dạng xe kéo với bộ chân voi giữ thăng bằng điều khiển bằng thủy lực tự động hoặc có thể lắp lên bất kỳ khung gầm xe cơ giới nào.
Ngoài ra, nó có thể tích hợp với mọi hệ thống phòng không cố định hay di động và có thể được trang bị cho các lực lượng biên phòng hoặc bảo vệ bờ biển.
Cấu hình của A3 gồm có trung tâm chỉ huy và tới 6 module chiến đấu.
Thông số kỹ thuật cơ bản của tổ hợp A3: Cự ly phát hiện mục tiêu tối đa: 20 km. Cự ly diệt mục tiêu tối đa: - Bằng tên lửa phòng không: 5 km. - Bằng pháo: 1,5 km. Độ cao diệt mục tiêu tối đa: - Bằng tên lửa phòng không: 5 km. - Bằng pháo: 1,5 km. Khả năng diệt mục tiêu bay với tốc độ (hướng vào): từ 0 tới 900 m/s; Thời gian triển khai/thu hồi: 5 phút. |
Theo Tuấn Sơn (Thegioitre.vn/Infonet.vn)