Đại dịch là gì?
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa đại dịch là "sự bùng phát của mầm bệnh mới lây truyền dễ dàng từ người sang người trên phạm vi toàn cầu". Covid-19 đã lây lan tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tới sáng 12/03, trên toàn Thế giới đã ghi nhận hơn 120.000 ca nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 4.600 trường hợp tử vong. Khoảng 1/3 tổng số ca nhiễm trên toàn cầu được ghi nhận ngoài Trung Quốc, nơi bùng phát dịch bệnh.
Việc WHO chính thức tuyên bố Covid-19 là đại dịch nghĩa là tổ chức này đánh giá rằng dịch bệnh đã lây lan nhanh trên quy mô địa lý lớn, theo Sky News.
Để được coi là một đại dịch, căn bệnh phải là bệnh truyền nhiễm. Nhiều loại bệnh xuất hiện trên phạm vi toàn cầu, nhưng không phải bệnh truyền nhiễm (chẳng hạn ung thư) sẽ không được coi là đại dịch.
Việc coi một căn bệnh là đại dịch không làm thay đổi đánh giá về mức độ nặng nhẹ, mà chỉ quy mô lây nhiễm của nó.
Khi nào WHO đưa ra tuyên bố đại dịch?
Dịch bệnh là từ để chỉ một căn bệnh "lây lan trong cộng đồng hoặc khu vực... vượt quá dự đoán thông thường". Dịch bệnh thường xuất hiện khi có những ổ dịch hoặc các đợt bùng phát tại một số quốc gia, vùng lãnh thổ.
Khi dịch bệnh lây lan trên quy mô toàn cầu và vượt ngoài tầm kiểm soát, nó sẽ trở thành đại dịch. Một đại dịch sẽ được ghi nhận khi có hiện tượng lây nhiễm trong cộng đồng.
Một người Anh di chuyển ra nước ngoài và nhiễm Covid-19, sau đó trở lại Anh sẽ không tạo nên đại dịch, ngay cả khi bệnh nhân lây bệnh cho một nhóm người khác.
Tuy vậy, nếu hiện tượng lây nhiễm trong cộng đồng xảy ra và có biểu hiện khó kiểm soát đồng thời diễn ra tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, đại dịch sẽ xảy ra. Khi đó sẽ xuất hiện nhiều trường hợp nhiễm bệnh không có mối liên hệ rõ ràng nào tới tâm dịch, đối với Covid-19 là Trung Quốc, theo Sky News.
WHO là cơ quan đưa ra quyết định cuối cùng về việc thông báo đại dịch. Không có tiêu chuẩn nào về số ca nhiễm, số người chết hay số nước bị ảnh hưởng được xem xét trước khi quyết định này được đưa ra. Năm 2003, dịch SARS lây lan tại 26 quốc gia và vùng lãnh thổ khiến hơn 8.000 người nhiễm bệnh, tuy vậy không được WHO coi là đại dịch.
WHO cho biết họ không tùy tiện gọi một dịch bệnh là đại dịch, do lo ngại sẽ gây ra tình trạng hoảng loạn trên toàn cầu. Hiện vẫn còn nhiều ý kiến tranh cãi về việc liệu gọi đợt bùng phát cúm lợn vào năm 2009-10 là đại dịch có gây ra tình trạng hoảng loạn không cần thiết khiến ngành y tế nhiều quốc gia bị quá tải hay không, theo The Guardian.
Việc tuyên bố Covid-19 là đại dịch có ý nghĩa gì?
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết việc gọi Covid-19 là đại dịch không có nghĩa là cuộc chiến chống lại căn bệnh đã kết thúc. Ông khẳng định những khuyến nghị mà WHO đưa ra đối với chính phủ các nước không có gì thay đổi.
Bên cạnh đó, ông kêu gọi các nước tăng cường các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát Covid-19, bảo đảm rằng họ có thể phát hiện, xét nghiệm, điều trị, cách ly, rà soát tiếp xúc đối với các bệnh nhân, đồng thời huy động mọi nguồn lực đối phó với dịch bệnh.
"Việc thay đổi khái niệm không ảnh hưởng tới những gì các nước đã được khuyến nghị trong những tuần qua về việc chuẩn bị cho một đại dịch toàn cầu, và hy vọng rằng các nước đều đã tuân thủ nghiêm ngặt những khuyến nghị này," tiến sĩ Nathalie MacDermott (Anh) cho biết.
"Tuy vậy, việc sử dụng khái niệm này cho thấy tầm quan trọng của sự phối hợp giữa các quốc gia trong nỗ lực kiểm soát tình hình dịch bệnh," bà nhấn mạnh.
Tố Linh (Nguoiduatin.vn)