Dài cổ chờ thẻ xanh Mỹ, nhiều người chuyển hướng qua Canada

29/04/2018 14:51:04

Sau một thời gian dài chờ đợi thẻ xanh, sự phản đối người nhập cư tại Mỹ đang là bàn đạp cho những người nước ngoài có tay nghề vượt biên, theo Bloomberg.

Dài cổ chờ thẻ xanh Mỹ, nhiều người chuyển hướng qua Canada

Vikram Rangnekar lớn lên ở Mumbai, theo học Khoa học máy tính tại Đại học Delaware, đã làm việc tại Thung lũng Silicon gần 6 năm khi Obama còn đương nhiệm. Thông qua công việc của mình với tư cách là kỹ sư phần mềm tại LinkedIn Corp., Rangnekar đã được cấp visa H-1B dành cho người lao động có tay nghề cao và công ty bắt đầu bảo trợ thẻ xanh của anh từ năm 2012. Nhưng anh có hàng chục đồng nghiệp cao cấp từ Ấn Độ đã chờ đợi một thập kỷ thậm chí lâu hơn để có thẻ xanh mà vẫn chưa được. Rangnekar nhớ lại: “Một số người nói rằng phải mất 20 năm để tới lượt mình. Có những người khác chờ tới 50 năm - gần như vô vọng”.

Từ bỏ giấc mơ Mỹ

Là một công dân toàn cầu và có đầy đủ kỹ năng, Rangnekar không có lý do gì để cuộc sống của gia đình anh phụ thuộc vào sự không chắc chắn như một chiếc thẻ xanh. Đầu mùa thu năm 2016, anh cùng vợ và hai đứa trẻ đã rời lên phía bắc, tới Canada.

Những tháng đầu tiên ở Toronto họ dành hầu hết thời gian để sắp xếp lại và tìm những món đồ ăn nhẹ và ngon lành. Không lâu sau đó, ông Donald Trump đắc cử tổng thống. Hộp thư Rangnekar đầy ắp những tin nhắn từ bạn bè và đồng nghiệp ở Mỹ hỏi về cách rời đi với thẻ H-B1. Thay vì trả lời từng cá nhân, anh chàng đã đăng kí một trang web có tên MOWNorth.com và chia sẻ mọi thứ trên đó. Anh ấy cũng chia sẻ trên LinkedIn và hy vọng nó giúp ích cho một vài người.

Gần một năm sau, trong một quán cà phê tràn ngập ánh sáng trong khu phố Toronto, Rangnekar lướt trên chiếc MacBook,: “Đó là tôi”, anh cười lớn, chỉ vào ảnh anh đang cười lớn trong chiếc áo da to đùng cùng chiếc mũ len dính đầy tuyết.

Dài cổ chờ thẻ xanh Mỹ, nhiều người chuyển hướng qua Canada - 1
Vikram Rangnekar cùng vợ và con trai. Ảnh: Bloomberg

Chỉ sau hai ngày đăng tải vào tháng 7 năm ngoái, MOVNorth.com đã nhận được 20.000 lượt xem. Anh đã nhanh chóng thiết lập một diễn đàn, nơi mọi người có thể hỏi và trả lời các câu hỏi của nhau.... Hiện tại, trang web có khoảng 100.000 lượt xem mỗi tháng. Rangnekar có thể theo dõi những bài phát biểu của Trump chỉ thông qua sự đột biến về lượng truy cập.

Khoảng 250 người trả 99 đôla một năm để tham gia diễn đàn, hầu hết trong số họ thực sự muốn rời nước Mỹ. Anh biết ít nhất là một tá kỹ sư khác đã nghe theo lời khuyên của anh ấy và đã đến Toronto.

Điểm hút nhân sự chất lượng cao mới

Có những nhóm người chống nhập cư và gọi là nhóm Ánh Sáng ở Canada, nhưng họ không rầm rộ như Mỹ và châu Âu. Bởi vì Canada đã có lịch sử kêu gọi người nhập cư nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hiện nay, có ít nhất 1 trong 5 cư dân Canada được sinh ra ở nước ngoài. Ở Toronto, nơi cộng đồng Ấn Độ phát triển mạnh, hơn một nửa là người nước ngoài sinh ra.

Đôi khi người Canada đặt câu hỏi liệu một cuộc “xâm lấn” của các kỹ sư liệu có làm” tổn thương” đất nước họ. Rangnekar giải thích một sự hiển nhiên đó là thực tế: công nghệ ngày càng trở nên quan trọng đối với từng văn hoá và nền kinh tế, và những lợi ích về công ăn việc làm và sự giàu có ngày càng tập trung ở các thành phố toàn cầu như Toronto.

H-1B được tạo ra vào năm 1990, một phần của cuộc cải cách nhập cư thời Tổng thống George H.W. Ngày nay, ước tính có khoảng nửa triệu người sở hữu visa H-1B sống ở Mỹ. Chưa biết chính xác số người rời bỏ Mỹ để qua Canada, nhưng trong năm đầu tiên của Tổng thống Trump, số chuyên gia về công nghệ trên toàn cầu cư trú ở Canada đã tăng gần 40% so với năm 2016, lên hơn 11.000 người.

Năm 1967, Canada trở thành quốc gia đầu tiên áp dụng hệ thống nhập cư theo điểm. Đất nước thường xuyên điều chỉnh cách đánh giá người nộp đơn dựa trên các mục tiêu quốc gia và nghiên cứu về những gì tạo nên sự hội nhập thành công: Đề xuất trước đây là 600 điểm, nhưng bây giờ chỉ còn 200. Các yếu tố khác như nói tiếng Anh lưu loát hoặc tiếng Pháp được đánh giá ngày càng cao trong những năm qua. Trong khi đó, việc họ đến từ đâu không quan trọng.

Năm 2016, Canada tăng số lượng người hưởng chế độ thường trú nhân lên 300.000 mỗi năm. Năm ngoái, khi tham vấn với các nhóm thương mại, họ đã tạo ra một chương trình gọi là Chiến lược Kỹ năng toàn cầu để cấp giấy phép làm việc tạm thời cho những người có việc làm trong một số lĩnh vực, bao gồm các kỹ sư phần mềm cao cấp, chỉ trong vòng hai tuần. Kể từ khi chương trình bắt đầu vào tháng 6, hơn 5.600 người đã được cấp phép, từ Mỹ, Ấn Độ, Pakistan, Brazil và các nơi khác.

Một vài năm trước, loại công việc mà có thể thu hút một kỹ sư hàng đầu không nhiều ở Toronto, nhưng điều đó đang thay đổi. Google, Uber và Amazon đang mở rộng cơ sở kỹ thuật của họ. Và chính phủ Canada đang đổ tiền vào nghiên cứu trí tuệ nhân tạo và các cơ sở như MaRS Discovery District - lò ươm tạo công nghệ mà các công ty mới thành lập đã tuyển dụng hơn 6.000 người vào cuối năm 2016.

Nhiều công việc cũng dễ kiếm ở các thành phố khác của Canada. Montreal là nơi có phòng thí nghiệm nghiên cứu AI của Google, tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Shopify Inc có trụ sở tại Ottawa, Hootsuite Inc.có quê hương là Vancouver.

Hiện tại, sự khác biệt giữa chính sách nhập cư của Hoa Kỳ và Canada đang tạo ra cơ hội lớn cho các nhà doanh nghiệp Canada thu hút người lao động.

Theo V.Thùy (Tri Thức Trực Tuyến)

Nổi bật