Một đội các nhà nghiên cứu từ Đại học Texas A&M, Học viện Công nghệ Massachusetts và Viện nghiên cứu Năng lượng & Môi trường Qatar, nằm dưới sự lãnh đạo của một giáo sư toán học, đã thực hiện nhiều tính toán mô phỏng, sử dụng toán ứng dụng và thủy động điện toán về vụ mất tích bí ẩn của máy bay Malaysia Airlines mang số hiệu MH370.
Hình ảnh mô phỏng. (Nguồn: sputniknews.com) |
Nhóm đã công khai kết quả nghiên cứu của mình, được thực hiện sau nhiều mô phỏng số học, tạo thành trên siêu máy tính RAAD, đặt tại trường Texas A&M. Kết quả cũng xuất hiện trên số ra tháng 4/2015 của tờ tạp chí khoa học Notices of the American Mathematical Society.
Theo các nhà khoa học, trong bất kỳ hoạt động tìm kiếm, cứu nạn nào liên quan tới rơi máy bay, dấu vết mảnh vỡ và dầu loang luôn có vai trò rất quan trọng. Vì thế Chen đã băn khoăn, không biết vì sao lại chẳng có mảnh vỡ trong vụ MH370?
Mô phỏng thủy động thấy rằng nếu máy bay lao thẳng vào nước, mômen uốn lớn sẽ không xuất hiện. Mômen uốn xảy ra khi ngoại lực tác động mạnh lên một cấu trúc (như máy bay) và mômen uốn lớn sẽ khiến cho phần thân vỡ tan, tạo mảnh vỡ. Khi chiếc máy bay lao vuông góc với mặt nước, nó chỉ nhận các mômen uốn nhỏ nên việc vỡ thân khó xảy ra hơn.
Dựa trên thông tin tham khảo từ các chuyên gia hàng không khác, Chen nói rằng trong cú va chạm như thế, đôi cánh máy bay sẽ lập tức vỡ rời khỏi thân và cùng với các mảnh vỡ lớn khác, nó sẽ chìm ngay xuống đáy biển, để lại ít dấu vết trên mặt nước.