Video: Người dân chật vật, bệnh viện quá tải giữa tang hoang sau thảm họa sóng thần ở Indonesia
Tối 22/12, khi anh Udin Ahok vừa đi ngủ thì bất thình lình bức tường nước khổng lồ ập vào ngôi nhà của anh ở làng Way Muli, trên bờ biển đảo Sumatra.
Hốt hoảng, anh tìm mọi cách để đến chỗ người mẹ 70 tuổi và đứa con trai một tuổi đang ngủ, nhưng rồi anh thấy vợ mình sắp chết đuối trong dòng nước xoáy.
"Tôi rất ân hận"
Anh đưa chị đến nơi an toàn và họ đã sống sót sau cơn thịnh nộ của trận sóng thần hình thành do núi lửa phun trào. Cơn sóng tràn vào vùng duyên hải xung quanh eo biển Sunda, giết chết hơn 400 người không có thời gian để chạy thoát.
Mẹ và con trai của Ahok được tìm thấy đã chết bên dưới đống đổ nát.
"Tôi không có thời gian để cứu mẹ và con trai mình", anh Ahok vừa khóc vừa nói với PV tại trại tạm trú ở một trong những khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất.
"Tôi rất ân hận vì việc đó. Tôi chỉ có thể hy vọng họ đã được Chúa dang tay đón nhận", người đàn ông 46 tuổi nói.
Đang mang thai sáu tháng, chị Sulistiwati, một cư dân khác của làng Way Muli, giữ được mạng sống nhờ một người hàng xóm nhìn thấy chị chới với giữa dòng nước mặn.
"May mắn thay, anh ấy phát hiện ra tôi và kéo tôi ra khỏi con sóng. Chúng tôi chạy lên vùng đất cao hơn với những người hàng xóm khác", chị nói.
"Trời tối đen. Tôi không biết mình có thai mà có thể chạy nhanh đến thế. Thật đáng sợ. Chúng tôi đợi trong vài giờ thì nước rút".
Trên đảo Java bên kia eo biển Sunda, ông Saki đứng giữa đống đổ nát ở nơi từng là làng Sumber Jaya và tự hỏi làm thế nào ông có thể quay trở lại cuộc sống như trước.
"Tôi không thể xây lại, mọi thứ mất cả rồi - quần áo, tiền của tôi", ông nói.
"Tôi có 19 triệu rupiah (khoảng 1.300 USD) trong nhà", người đàn ông 60 tuổi nói. Sau trận sóng thần, người ông không còn lại gì ngoài chiếc mũ Hồi giáo màu trắng, một chiếc áo thun và một chiếc xà rông.
"Tôi đang ngủ ở nhà thờ và mỗi ngày tôi đều về đây vì tôi có rất nhiều tiền đã bị mất bên trong (ngôi nhà)", ông cho biết.
Hai người thiệt mạng và ít nhất 20 ngôi nhà bị phá hủy tại khu dân cư nơi ông Saki sinh sống, theo người dân địa phương. Họ đã dành ngày Giáng sinh để tìm kiếm đồ đạc còn sót lại trong những ngôi nhà đổ nát.
"Tôi biết ơn vì chúng tôi còn sống"
Những con đường ở Sumber Jaya vẫn đang rất lầy lội vì bùn đất bao phủ, một số đoạn còn ngập nước và ngổn ngang đổ nát. Quân đội đang dọn dẹp khu vực với sự trợ giúp của máy móc hạng nặng.
"Khi sóng thần ập vào, điện đột ngột mất và tôi nghe thấy một tiếng động nghe như tiếng ầm ầm của máy bay", ông Ismail, một cư dân Sumber Jaya, 62 tuổi, nhớ lại.
"Tôi chĩa đèn pin về phía biển và thấy sóng... Tôi chạy vào rừng trên đồi".
Nhà của ông Ismail - và đàn dê - đã tránh được con sóng chết người. Song trước ngôi nhà ở sâu trong đất liền của ông, sóng thần đã quét sạch mọi thứ trên đường đi, đánh sập hàng quán, nhà cửa. Những gì nó để lại là bùn đất, những thanh gỗ, cây bị bật gốc và tàn dư của một công viên giải trí nhỏ.
Có một trạm xăng, cửa hàng tạp hóa và cửa hàng phụ tùng xe hơi ở đây", ông Ismail nói.
"Bây giờ tất cả đã biến mất. Chúng tôi chưa có ai giúp đỡ. Chúng tôi chỉ còn gạo đã lấm bùn, nhưng chúng tôi vẫn sẽ đem nấu".
Ở Sumatra, cơ thể Nasoha giờ đầy những vết cắt, vết bầm tím và ngôi nhà của anh đã biến mất. Song anh ấy thấy mình là một trong những người may mắn.
"Tôi có vết cắt ở má và cánh tay, tai cũng bị thương", người đàn ông 45 tuổi nói. "Nhưng tôi biết ơn vì chúng tôi vẫn còn sống".
Số người chết đã tăng lên thành 429 người hôm 25/12, với hơn 1.400 người bị thương và ít nhất 128 người mất tích, theo người phát ngôn cơ quan phòng chống thiên tai Indonesia.
Trận sóng thần xảy ra tối 22/12 sau hoạt động phun trào của núi lửa Anak Krakatoa gây lở đất dưới biển. Người dân không nhận được cảnh báo thiên tai và dường như không ai có đủ thời gian để phòng bị.
Thiên tai xảy ra ngay trước dịp kỷ niệm trận sóng thần thảm khốc xảy ra vào năm 2004, sau động đất 9,1 độ ở ngoài khơi đảo Sumatra, khiến khoảng 230.000 người thiệt mạng ở nhiều nước, đa phần tại Indonesia.
Theo Đông Phong (Tri Thức Trực Tuyến)