Cựu tổng thống Honduras tự nộp mình sau lệnh dẫn độ của Mỹ

16/02/2022 11:33:19

Chính quyền Honduras đã bắt giữ cựu Tổng thống nước này, ông Juan Orlando Hernández vào thứ Ba và có khả năng ông sẽ bị dẫn độ sang Mỹ do các cáo buộc về buôn bán ma túy. Đây có thể coi là một sự sụp đổ đối với một trong những người đàn ông quyền lực nhất Trung Mỹ.

Nguồn: New York Times

Ông Hernández, người lãnh đạo Honduras trong 8 năm và từ chức cách đây chưa đầy một tháng, mặc áo chống đạn, bị cùm tay chân và được các nhân viên an ninh hộ tống ra khỏi nhà.

“Đó không phải là một khoảnh khắc dễ dàng, tôi không mong muốn điều này ở bất kỳ ai,” ông Hernández nói trong một thông điệp được đăng trên Twitter của mình lúc 5 giờ sáng thứ Ba.

“Tôi sẵn sàng tự nguyện trình diện và tự bảo vệ mình trước pháp luật,” ông chia sẻ trên Facebook.

Ngay khi ông Hernández bị áp giải ra khỏi nhà, người dân đã đốt pháo hoa xung quanh thủ đô Tegucigalpa của Honduras. Sau đó khoảng một trăm người biểu tình đã tụ tập quanh nơi ở của ông để ăn mừng việc ông bị bắt giữ.

Cựu tổng thống Hernández được xem là vị lãnh đạo không được lòng dân khi cho phép tội phạm có tổ chức và tham nhũng xâm nhập vào các cấp cao nhất của bộ máy quyền lực, khiến Honduras trở thành một trong những quốc gia nghèo nhất và bạo lực nhất ở Mỹ Latinh.

“Công lý đã được thực thi ở Honduras,” Ana María Torres, một sinh viên đại học chia sẻ về vụ bắt giữ ông Hernández. “Ông ấy đã để đất nước rơi vào trong đống đổ nát và bây giờ ông ấy sẽ phải trả giá về những tội lỗi của mình”.

Cựu tổng thống Honduras tự nộp mình sau lệnh dẫn độ của Mỹ
Cảnh sát bao vây nhà của ông Hernández hôm thứ Ba ở Tegucigalpa.

X cảnh sát và và nhiều xe chuyên dụng đã vây ráp nhà ông Hernández vào đêm thứ Hai, chỉ vài phút sau khi Bộ Ngoại giao nước này tiết lộ rằng họ nhận được yêu cầu dẫn độ từ Hoa Kỳ đối với một chính trị gia.

Yêu cầu dẫn độ, được trình lên Tòa án Tối cao của Honduras, tuyên bố nêu rằng ông Hernández đã tham gia vào một "âm mưu buôn bán ma túy" từ năm 2004.

500 tấn cocaine được cho là đã vận chuyển từ Venezuela và Colombia đến Mỹ qua biên giới Honduras. Tài liệu cho rằng ông Hernández đã nhận hối lộ hàng triệu đô la để tạo điều kiện cho các chuyến hàng và bao che cho những kẻ buôn người khỏi bị truy tố.

Anh trai của cựu tổng thống Hernández hiện cũng đang thụ án chung thân tại Mỹ vì tội buôn bán cocaine. Một kẻ buôn bán cocaine khác bị kết án liên quan đến cựu tổng thống là Geovanny Fuentes đã nhận mức án tương tự vào tuần trước .

Ông Hernández dự kiến ​​sẽ ra hầu tòa vào thứ Tư. Trong quá khứ, ông đã nhiều lần phủ nhận tất cả các cáo buộc liên quan đến ma túy, và gọi đó là những lời nói dối do bọn tội phạm tạo ra nhằm trả thù ông để được giảm án.

Cựu tổng thống Honduras tự nộp mình sau lệnh dẫn độ của Mỹ - 1
Cựu Tổng thống Honduras Juan Orlando Hernandez được hộ tống khỏi nhà riêng ở thủ đô Tegucigalpa vào ngày 15 tháng 2. Ảnh: AFP.

Chưa có thông tin về việc khi nào ông Hernández sẽ bị dẫn độ sang Mỹ và liệu ông có bị buộc tội tại quê nhà hay không. Tòa án tối cao của Honduras dự kiến ​​sẽ bàn bạc về việc có chấp nhận yêu cầu dẫn độ hay không.

Bà Gabriela Castellanos, người đứng đầu Hội đồng Chống Tham nhũng Quốc gia, một cơ quan độc lập được thành lập cho biết, một thẩm phán Tòa án Tối cao đã được chỉ định vào hôm thứ Ba để xét xử vụ án của ông Hernández có liên quan đến đảng của cựu tổng thống và có tiền sử xét xử các nghi phạm trong các vụ tham nhũng.

Marlon Duarte, một luật sư tại Tegucigalpa, người đã tham gia năm vụ dẫn độ, cho biết Honduras, vốn phụ thuộc nhiều vào viện trợ của Mỹ nên chưa bao giờ từ chối các yêu cầu dẫn độ. Tuy nhiên, sự việc chống lại một tổng thống là chưa có tiền lệ và ông Hernández vẫn giữ được sự ủng hộ đáng kể trong hệ thống tư pháp.

Ở Honduras, ông Hernández không được đa số ủng hộ, nhưng nhiều người vẫn thấy tốc độ sa sút của ông là đáng kinh ngạc. Ông là thành viên của Quốc hội Trung Mỹ, về mặt pháp lý ông có quyền được miễn trừ truy tố, và đảng chính trị của ông vẫn chiếm đa số trong chính quyền của Honduras.

Số phận của cựu tổng thống Honduras có thể sẽ được theo dõi bởi các nước láng giềng như Guatemala, El Salvador và Nicaragua, những nơi mà các nhà lãnh đạo đã dần dần phá bỏ các tổ chức chống tham nhũng, sau hàng loạt các cuộc biểu tình dưới thời chính quyền tổng thống Biden về vấn nạn ma túy xuyên quốc gia và những người trong nội bộ chính quyền các nước bị nghi dính dáng đến các vụ bê bối rửa tiền.

QT (Nguoiduatin.vn)