Theo nguồn tin cảnh sát, có khoảng 1.500 người biểu tình, còn theo ban tổ chức, con số này lên tới 20.000. Người khởi xướng cuộc biểu tình là cựu Tổng thống Gruzia, Mikhail Saakashvili.
Theo RFI, đây được cho là cuộc tuần hành rầm rộ nhất kể từ sau Cách Mạng Maidan. Từ hai tháng qua, ông Saakashvili đang lao vào một cuộc đọ sức chống lại chính quyền Kiev và đang muốn tăng tốc cuộc đấu tranh này. Ông tuyên bố, nhân dân Ukraina có một kẻ thù, đó là những người giàu có nắm quyền, đứng đầu là Tổng thống Petro Poroshenko!
Saakashvili tung chiến dịch vận động để quần chúng lật đổ Tổng thống Ukraina qua các cuộc tuần hành trên đường phố và kiến nghị trên mạng. Thông điệp này càng có trọng lượng do một phần công luận Ukraina thực sự lo ngại trước một chính quyền chuyên chế và tham nhũng.
Dù vậy, chiêu bài truất phế ông Poroshenko không mấy được hưởng ứng. Mikhail Saakachvili muốn khai thác lá bài này, nhưng công luận Ukraina có cái nhìn khá khác nhau về nhân vật này. Chưa chắc Saakashvili là một gương mặt đại diện cho phong trào phản kháng tại Ukraina, một đất nước mà trong những năm gần đây đã trải qua nhiều thử thách.
Saakashvili từng là Tổng thống thứ ba của Gruzia từ năm 2004 - 2013, sau đó đã thất bại trong cuộc bầu cử và kết thúc nhiệm kỳ của mình vào tháng 11.2013.
Tháng 2.2015, Tổng thống Ukraina Poroshenko chọn Saakashvili làm cố vấn cho chính phủ, bổ nhiệm làm Thống đốc vùng Odessa, và cho nhập quốc tịch Ukraina.
Tháng 11.2016, ông Saakashvili từ chức, với cáo buộc chính quyền tham nhũng, và dự định thành lập một đảng chính trị mới ở Ukraina gọi là "Phong trào Lực lượng mới". Những hoạt động này dẫn đến đích thân Tổng thống Ukraina Poroshenko vào tháng 7.2017 ký lệnh hủy bỏ quốc tịch Ukraina đối với ông Saakashvili, khi đó đang ở Mỹ, vì đã "cung cấp thông tin cá nhân gian dối để có quốc tịch Ukraina".
Mikhail Saakashvili trở thành người không quốc tịch, tuy nhiên vẫn tự cho là công dân Ukraina.
Theo Song Minh (Lao Động)