Cựu thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe 'bị bắn vào ngực' khi đang phát biểu

08/07/2022 09:50:41

Đài NHK (Nhật Bản) đưa tin cựu thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bị bắn vào ngực khi đang phát biểu và ngã gục xuống đất. Ông Abe sau đó được đưa đi cấp cứu.

Cựu thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe 'bị bắn vào ngực' khi đang phát biểu
Ông Abe được đưa lên trực thăng tới bệnh viện cấp cứu (Ảnh: Asahi Shimbun/Getty)

Nhân chứng tại hiện trường nghe thấy tiếng nổ giống tiếng súng, và một nghi phạm nam giới đã bị bắt, theo NHK. Phóng viên NHK tại hiện trường cho biết họ nghe thấy hai tiếng nổ liên tiếp trong lúc ông Abe phát biểu.

Nghi phạm được cho là đã bắn ông Abe hai phát từ phía sau và không có ý định bỏ trốn sau khi gây án. NHK dẫn nguồn tin cảnh sát cho biết nghi phạm tên là Yamagami Tetsuya, khoảng 40 tuổi, sinh sống tại Nara, nơi vụ tấn công xảy ra. Một khẩu súng đã được cảnh sát thu giữ.

Cựu thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe 'bị bắn vào ngực' khi đang phát biểu - 1

Cựu thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe 'bị bắn vào ngực' khi đang phát biểu - 2

Cựu thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe 'bị bắn vào ngực' khi đang phát biểu - 3
Hình ảnh được cho là lực lượng an ninh khống chế nghi phạm tại hiện trường (Ảnh: Twitter/
@nick_kapur)
 

Trước đó, ông Abe phát biểu tại thành phố Nara lúc 11 giờ 30 (giờ địa phương) thì bất ngờ ngã gục. NHK dẫn nguồn tin từ đảng LDP cho biết cựu thủ tướng Nhật Bản tới Nara để phát biểu trên đường phố vận động cho các ứng cử viên của đảng này trong cuộc bầu cử vào Thượng viện dự kiến diễn ra hôm 10/07.

Đài NHK đưa tin ông Abe bị trúng đạn vào ngực và đã được đưa tới bệnh viện, trong khi Reuters cho biết ông Abe trúng đạn ở cổ. Hãng tin Kyodo dẫn nguồn tin cảnh sát cho biết ông Abe bị bắn vào lưng bằng súng săn.

"Ông Abe đang đứng phát biểu thì một người đàn ông tiến đến từ phía sau và nổ súng. Phát đầu tiên nghe giống tiếng súng đồ chơi. Ông Abe loạng choạng nhưng không ngã. Phát súng thứ hai to hơn, có thể thấy tia lửa và khói," một nhân chứng ở hiện trường nói.

Seigo Yasuhara, quan chức Sở Cứu hỏa thành phố Nara cho biết ông Abe được xe cấp cứu đưa tới trực thăng và sau đó đã nhập viện tại Bệnh viện Đại học Y Nara. Ông bất tỉnh, không có dấu hiện sinh tồn, Yasuhara thông tin thêm.

"Một sở cứu hỏa địa phương cho biết cựu thủ tướng Abe dường như đang trong tình trạng ngừng tim", đài NHK đưa tin, sử dụng thuật ngữ ở Nhật Bản để chỉ những người có nguy cơ tử vong trước khi được bác sĩ xác nhận.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hiện đang vận động bầu cử tại tỉnh Yamagata và dự kiến sẽ trở lại Tokyo, nơi ông phát biểu với truyền thông.

Ông Hirokazu Matsuno, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản, cho biết trung tâm quản lý khủng hoảng đã được thành lập trong văn phòng thủ tướng.

Ông Shinzo Abe sinh ra trong một gia đình chính trị có tiếng tại Nhật Bản vào năm 1954. Ông ngoại của ông,  Nobusuke Kishi, là thủ tướng Nhật Bản giai đoạn 1957-1960, trong khi cha ông cũng từng giữ chức ngoại trưởng từ 1982-1986. Ông thăng tiến qua nhiều cấp bậc và trở thành Chánh Văn phòng Nội các của cựu thủ tướng Junichiro Koizumi hồi năm 2005.

Một năm sau, ông thay thế ông Koizumi trở thành lãnh đạo đảng LDP và cũng trở thành thủ tướng Nhật Bản. Nhiệm kỳ đầu của ông Abe trải qua nhiều sóng gió, với một số quan chức từ chức vì các vụ bê bối. Ông từ chức năm 2007 vì lý do sức khỏe.

Ông Abe trở lại nắm quyền vào năm 2012, nhưng sau đó tám năm lại từ chức thủ tướng Nhật Bản, do sức khỏe yếu vì viêm loét đại tràng.

Tuy đã từ chức, ông Abe vẫn được tờ New York Times mô tả có ảnh hưởng rất lớn đối với các thành viên đảng LDP cầm quyền. Trước khi bị tấn công hôm 08/07, ông Abe phát biểu trên đường phố ở Nara, kêu gọi người dân tiếp tục ủng hộ đảng LDP trong cuộc bầu cử dự kiến diễn ra hôm 10/07 tới.

Dù có ảnh hưởng chính trị rất lớn, đảng LDP trong những năm gần đây chứng kiến sự suy giảm về tỷ lệ ủng hộ. Trong cuộc trưng cầu dân ý gần đây do Kyodo News thực hiện, 28% cử tri ủng hộ đảng này. Tuy vậy, đảng LDP vẫn có thể nắm quyền do các đảng khác không liên minh hiệu quả chống lại họ.

Các bài phát biểu trên đường phố như ông Abe đã thực hiện trước khi bị tấn công là khá phổ biến trong khoảng 20 ngày trước bầu cử ở Nhật Bản, thời điểm các chính trị gia được vận động người dân. Thông thường, cảnh sát sẽ có mặt tại các địa điểm mà chính trị gia nổi tiếng như ông Abe phát biểu, nhưng các vụ tấn công rất hiếm khi xảy ra.

Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật