Cựu thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad nói người Hồi giáo có quyền "giết hàng triệu người Pháp vì những vụ thảm sát trong quá khứ".
Ông Mahathir đăng bình luận trên blog cá nhân và trên tài khoản Twitter, sau khi một đối tượng dùng dao sát hại ít nhất ba người và làm bị thương một vài người khác bên ngoài nhà thờ ở thành phố Nice hôm 29/10. Thị trưởng Nice mô tả vụ tấn công là "khủng bố".
Mahathir nói ông tin vào tự do ngôn luận, tuy vậy điều đó không nên được dùng để lăng mạ người khác.
"Người Hồi giáo có quyền giận dữ và giết hàng triệu người Pháp vì những vụ thảm sát trong quá khứ," ông Mahathir viết trên Twitter, tuy vậy thông điệp sau đó đã bị xóa do vi phạm chính sách của mạng xã hội này.
"Nhưng nhìn chung, người Hồi giáo đã không áp dụng luật trả thù. Người Hồi giáo không làm vậy. Người Pháp cũng không nên làm vậy," cựu thủ tướng Malaysia viết.
"Bởi các vị đã đổ lỗi cho tất cả người Hồi giáo và tôn giáo của họ vì những gì một cá nhân giận dữ gây ra, người Hồi giáo có quyền trừng phạt người Pháp," ông Mahathir viết thêm, nhắc tới vụ một thầy giáo Pháp bị chặt đầu hồi đầu tháng.
Ông Mahathir, người đã từ chức thủ tướng Malaysia hồi tháng 03, cho rằng tổng thống Pháp Emmanuel Macron "không cho thấy ông ta là người văn minh".
"Người Pháp nên dạy bản thân họ cách tôn trọng cảm xúc của người khác," ông nói thêm.
Một quan chức chính phủ Pháp cho biết đã trao đổi với giám đốc Twitter tại nước này và kêu gọi hãng khóa tài khoản của ông Mahathir. Nếu không làm vậy, Twitter sẽ là "đồng lõa với một lời kêu gọi giết người," vị quan chức cho biết.
Twitter ban đầu đánh dấu thông điệp "giết hàng triệu người Pháp" của ông Mahathir là "kích động bạo lực" nhưng sau đó đã xóa nó. Những thông điệp khác vẫn còn trên tài khoản của cựu thủ tướng Malaysia.
Lãnh đạo nhiều nước có cộng đồng người Hồi giáo lớn đã chỉ trích bình luận của các quan chức Pháp - trong đó có tổng thống Macron - bảo vệ việc vẽ tranh biếm họa Nhà tiên tri Mohammad.
Tranh cãi nổ ra sau khi một thầy giáo ở Pháp cho học sinh xem hình vẽ biếm họa Nhà tiên tri Mohamnad trong một giờ học. Người này sau đó bị tấn công và chặt đầu bởi một đối tượng 18 tuổi.
Quan chức Pháp cho rằng vụ giết người kể trên là tấn công vào tự do ngôn luận, một giá trị cốt lõi của nước Pháp, đồng thời bảo vệ quyền xuất bản các hình ảnh biếm họa.
Đan Anh (Nguoiduatin.vn)