Từ khu ổ chuột ở Cửu Long Trại Thành, Lee Fai Ping vươn lên thành người lãnh đạo của một trung tâm cai nghiện, nơi giúp các thành viên Hội Tam Hoàng Hong Kong làm lại cuộc đời.
Sau khi chuyển từ Triều Châu ở miền đông Quảng Châu đến Hong Kong (Trung Quốc) vào năm 5 tuổi, cựu xã hội đen 69 tuổi lúc bấy giờ phải nương tựa vào người chú của mình. Ông sống ở khu ổ chuột thuộc khu Cửu Long Trại Thành cũ và trở thành một “đứa trẻ đường phố” bị bắt nạt bởi bạn bè cùng lứa.
Một lần khi đang chơi bóng trên sân cỏ gần nhà, ông gặp một nhóm thiếu niên mà theo lời ông “hóa ra là thành viên Hội Tam Hoàng”. Ông không muốn bị bắt nạt nữa, ông thích thú với ý nghĩ mình cũng có thể có “tiền và gái”. Cuối cùng, ông "nhập bọn" cùng những thanh niên này.
Ông Lee Fai Ping gia nhập Hội Tam Hoàng từ khi còn là thiếu niên. Ảnh: SCMP. |
Ông thú nhận rằng đến những năm 1970 khi trong độ tuổi 20, ông đã trở nên rất “xảo quyệt và tàn nhẫn”. Ông bắt đầu chiêu mộ thành viên cho băng đảng của riêng mình.
“Đời thật hạnh phúc", ông nói với South China Morning Post. “Tôi có tiền và khá tự do nên rất thích cuộc sống lúc ấy".
Là một tay xã hội đen, Lee không có một mái nhà để đi về. Ngày qua ngày, ông lang thang trên những con phố trong khu Hoàng Đại Tiên và Cửu Long Trại Thành.
Lee nhớ lại tuổi 23 của mình khi ông lần đầu tiếp xúc với ma túy, chủ yếu là thuốc phiện và heroin, khi ông giao lưu với thủ lĩnh các băng nhóm khác. Ông nói khi đó ông tin những tay "anh chị" dùng ma túy “rất quyền lực”.
“Giờ đây tôi nhận ra đó là một quan niệm rất sai lầm", ông nói. “Lúc đầu tôi dùng rất ít nên không nghĩ rằng mình sẽ bị nghiện. Chú tôi chẳng biết gì về chuyện này cho đến khi tôi 25 hoặc 26 và ông ấy phải bảo lãnh tôi khi tôi bị bắt".
Lee nhớ lại những ngày hoàng kim của việc buôn ma túy, mưa ngập căn nhà ông tại Cửu Long Trại Thành. Khi đó, ông cứu số ma túy bằng cách giữ chúng trong tay giơ lên cao khi nước đã ngập đến eo.
“Đây là một trong những ký ức đau đớn nhất của tôi khi còn là xã hội đen”, ông tâm sự. Trong giai đoạn này, Lee vào ra tù khoảng 10 lần vì tội cướp bóc, buôn ma túy và tống tiền. Ông cũng kiếm tiền từ việc hành nghề ma cô.
“Mỗi lần ra tù, tôi đều muốn làm một người tốt hơn, nhưng đồng bọn luôn cố dụ dỗ tôi", Lee nói.
Khu Cửu Long Trại Thành nơi ông Lee từng sống bị chính quyền Hong Kong dẹp bỏ năm 1994. Ảnh: SCMP. |
Năm 1973, trong thời gian ở nhà tù Stanley, ông tự tử bằng cách treo cổ, nhưng dây bị đứt giữa chừng và ông không chết. Ông nói chính vào thời điểm cùng cực này, ông đã nhìn lại hướng đi của đời mình.
“Quanh tôi như có ai đó nói rằng 'nếu mày có sức để tự kết liễu đời mình thì sao không dùng nó để giúp kẻ khác'", ông cho hay.
Ngay sau đó, ông gặp một người bạn từng là xã hội đen tại tòa. Người này đã "làm lại cuộc đời" sau khi tham gia chương trình tái hòa nhập cộng đồng tại Trung tâm Hỗ ái Cơ Đốc giáo Hong Kong.
Lee mất 6 tháng điều trị khắc nghiệt và cuối cùng ông cũng cai nghiện thành công. Ông xin được việc làm tại một cửa hàng hải sản khô ở Tây Hoàn.
“Khi tôi nhận khoản lương đầu tiên, khoảng 300 đô la Hong Kong, tôi hạnh phúc đến phát khóc", ông nói.
Đây là một ngoặt lớn trong đời Lee, lúc này đã bước sang tuổi 30. Ông trở thành tình nguyện viên tại chính trung tâm đã giúp ông cai nghiện. Lee giúp những thành viên trẻ của Hội Tam Hoàng và các con nghiện khác từ bỏ ma túy.
Trung tâm này thuê ông làm nhân viên tái hòa nhập cộng đồng chính thức vào năm 1982. Một năm sau đó, ông cưới người bạn gái quen biết tại nhà thờ. Họ có một con trai và anh cũng vừa kết hôn gần đây.
Lee bắt đầu học tư vấn và thần học để nâng cao kỹ năng của mình. Ông cho hay ban đầu ông “lo sợ” việc các đồng nghiệp sẽ nhìn nhận mình như thế nào, nhưng các nhân viên tại trung tâm đã hết lòng động viên ông. Cuối cùng, ông trở thành phó tổng thư ký của trung tâm.
Năm 1912, ông trở thành thành viên Hội Tam Hoàng đầu tiên nhận huân chương từ chính quyền. Ông ủng hộ các hoạt động cộng đồng phòng chống ma túy và thường xuyên ra nước ngoài tham dự các hội thảo.
Trung tâm Hỗ ái Cơ Đốc giáo Hong Kong, nơi giúp ông Lee từ bỏ cuộc đời tội phạm. Ảnh: wuoi.org.hk. |
Lee làm việc với những người nghiện hơn 30 năm cho đến khi ông nghỉ hưu vào tháng 8/2016. Ông cho biết thành công của ông là nhờ cách tiếp cận qua sự đồng cảm.
“Tôi nghĩ phương pháp tốt nhất là luôn luôn dạy qua ví dụ", ông nói. “Điều những người trẻ tuổi cần nhất là ai đó quan tâm đến họ và theo một nghĩa nào đó, đi cùng họ".
“Khi họ bước vào trung tâm, họ ốm giơ xương. Tôi hạnh phúc khi họ khá lên. Điều đó khiến tôi rất thỏa mãn.
Tôi đối xử với những người đến đây như thể họ là con của chính mình. Một vài người trong số họ đến thăm tôi vào dịp Tết và tôi rất vui khi gặp lại họ.
Thế nhưng không phải ai vào trung tâm cũng thành công trong việc bỏ ma túy. Thật đau lòng khi chuyện này xảy ra".
Lee vẫn giữ một bộ ảnh từ những ngày còn ở Hội Tam Hoàng ghi lại cảnh ông và đồng bọn thử nhiều loại ma túy. Ông vẫn trò chuyện với những người bạn còn dính líu đến tội phạm và đôi khi vẫn bắt gặp họ trên đường khi đi qua các khu vực như Vượng Giác.
“Tôi luôn khuyên họ bỏ lối sống đó đi. Họ sẽ không cãi tôi, nhưng họ bảo đây chưa phải lúc", ông nói. "Ngay cả khi tôi đã từ bỏ con đường tội lỗi, tôi không cho rằng tôi tốt hơn họ".
Đời thật hạnh phúc. Tôi có tiền và khá tự do nên rất thích cuộc sống lúc ấy. Mỗi lần ra tù, tôi đều muốn làm một người tốt hơn, nhưng đồng bọn luôn cố dụ dỗ tôi và ngay cả khi tôi đã từ bỏ con đường tội lỗi, tôi không cho rằng tôi tốt hơn họ. Lee Fai Ping, cựu thành viên Hội Tam Hoàng Hong Kong |