Cứu hỏa Trung Quốc chữa cháy... nhầm, hoãn 30 chuyến bay

12/12/2015 19:47:58

Được gọi đến để xử lý sự cố phát tia lửa ở động cơ máy bay Air China, đội cứu hỏa Trung Quốc lại xịt bọt chữa cháy... nhầm một chiếc máy bay khác, khiến hành khách trên máy bay này bị hoãn 10 tiếng.

Được gọi đến để xử lý sự cố phát tia lửa ở động cơ máy bay Air China, đội cứu hỏa Trung Quốc lại xịt bọt chữa cháy... nhầm một chiếc máy bay khác, khiến hành khách trên máy bay này bị hoãn 10 tiếng.

Hình ảnh vụ chữa cháy nhầm được chia sẻ trên mạng xã hội - Ảnh: Twitter

 
Theo RT ngày 11-12, sự việc xảy ra ở sân bay quốc tế Trường Lạc Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến. Một phi công hãng Fuzhou Airlines phát hiện chiếc Boeing 737-800 của hãng Air China phát tia lửa nên báo cho đài kiểm soát không lưu.

Nhân viên trực lập tức báo cho cứu hỏa, và 8 xe chữa cháy đã đến hiện trường chỉ 4 phút sau đó. Lúc này máy bay Air China đã tắt động cơ nên lính cứu hỏa không nhìn thấy lửa, do đó họ... nhào thẳng qua chiếc máy bay của hãng Fuzhou Airlines đang chuẩn bị cất cánh, xịt bọt tới tấp vào nó.

Hành khách trên máy bay chứng kiến sự việc qua cửa sổ máy bay và không hiểu chuyện gì đang xảy ra.
 

Do bị xịt bọt chữa cháy nhầm, các hành khách trên máy bay Fuzhou Airlines bị hoãn 10 tiếng - Ảnh: Weibo

 
Hai phút sau, đài kiểm soát không lưu mới báo cho đội cứu hỏa rằng họ đã chữa cháy nhầm máy bay.

Các nhân viên cứu hỏa sau đó mới quay lại tìm đúng chiếc máy bay bị sự cố, nhưng nhầm lẫn của họ đã khiến máy bay hãng Fuzhou Airlines bị hoãn lại 10 tiếng.

Không chỉ vậy, 30 chuyến bay khác cũng bị hoãn và sân bay bị đóng cửa trong một tiếng rưỡi. Phía sân bay đã lên tiếng xin lỗi vì gây bất tiện cho các hành khách.

Trong một thông báo sau đó, Air China cho biết tia lửa phát ra từ động cơ máy bay họ là "bình thường" và không gây bất kỳ nguy hiểm nào cho máy bay.

Theo giải thích của hãng, một số nhiên liệu máy bay sẽ phát ra tia lửa điện khi động cơ chạy ở áp suất thấp.

Tờ South China Morning Post dẫn lời một chuyên gia hàng không nói lẽ ra nhân viên đài kiểm soát nên gọi cho phi công Air China để xác nhận vấn đề động cơ trước khi báo cứu hỏa. Tuy nhiên, đội cứu hỏa sân bay cũng có một phần trách nhiệm trong sự cố trên.

Theo Tường Vy (Tuổi Trẻ)

Nổi bật