Tổng thống Putin 'phân tâm': Vừa say sưa đọc thơ vừa ký văn kiện tại hội nghị quan trọng
Cuộc gặp gỡ "khác thường"
Tờ Times (Anh) vừa qua dẫn lời ông Richard Dearlove, cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Mật MI6 của Anh trong giai đoạn 1999-2004, cho biết cơ quan này rất hối hận vì đã giúp đỡ ông Vladimir Putin trong chiến dịch tranh cử Tổng thống của ông hồi năm 2000.
Cụ thể, ông Dearlove cho biết, trong quá trình ông Putin tham gia tranh cử lần đầu tiên, một quan chức cấp cao của cơ quan tình báo Nga KGB đã tiếp cận ông tại London và đề nghị phía MI6 giúp đỡ cho chiến dịch của ông Putin.
Theo đó, quan chức KGB đã đề nghị phía ông Dearlove tạo điều kiện để cựu Thủ tướng Anh Tony Blair và ông Putin - khi ấy còn là ứng cử viên Tổng thông Nga - gặp gỡ tại nhà hát opera Mariinsky, thành phố St. Petersburg, Nga.
"Chúng tôi đã thảo luận rất lâu về việc liệu Thủ tướng Tony Blair có nên chấp nhận lời mời đó hay không. Cuối cùng chúng tôi đã quyết định gật đầu đồng ý, vì cho rằng đó là một cơ hội khác thường và hiếm có", ông Dearlove chia sẻ.
Ông Blair đã trở thành lãnh đạo phương Tây đầu tiên có cuộc gặp gỡ với ông Vladimir Putin - người sắp trở thành tân Tổng thống Nga.
Trả lời báo chí vào thời điểm đó, ông Blair cho biết mục đích của chuyến thăm là "đổi mới và củng cố" mối quan hệ giữa hai nước Anh-Nga
Sau khi trở về từ St. Petersburg, Thủ tướng Blair đã cho biết ông rất ấn tượng về ứng viên Tổng thống Nga, và dành cho ông Putin rất nhiều lời khen ngợi: "Ông ấy [Putin] cực kì thông minh, và có tầm nhìn rõ ràng về những điều ông ấy muốn đạt được ở Nga".
"Hối hận" vì đã giúp ông Putin
Tuy nhiên, khi được hỏi liệu tổ chức MI6 có hối hận vì đã đưa ra quyết định giúp "đánh bóng" tên tuổi của ông Putin hay không, ông Dearlove đã thừa nhận rằng ông "rất hối hận" vì đã tạo điều kiện để ông Putin có được ngày hôm nay.
"Nhưng hãy nhớ rằng vào thời điểm đó chúng ta [nước Anh] và Nga có mối quan hệ khá tích cực", ông Dearlove nói. "Sau đó những vấn đề nhỏ nhặt bắt đầu xuất hiện [trong quan hệ hai nước], rồi lâu dần chúng 'tích tiểu thành đại'".
"Ví dụ như vụ Anh từ chối trao trả tỉ phú [Boris] Berezovsky, hay vụ ám sát điệp viên Alexander Litvinenko... Bởi vậy nên mối quan hệ từng tốt đẹp mà hai nước có được trong vòng khoảng 1-2 năm đột nhiên trở nên căng thẳng và khó khăn", ông Dearlove cho hay.
Trước những tuyên bố của cựu Giám đốc MI6, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov đã lựa chọn không bình luận.
"Thành thực mà nói, thì chúng tôi chưa từng nghe ai nói rằng các thủ tướng [của Anh] phải được MI6 cho phép nếu muốn tham dự các sự kiện xã hội. Đối với chúng tôi thì tin này mới đấy", ông Peskov cho biết hôm thứ 2 vừa qua.
"Ngoài chuyện đó, thì tôi không nghĩ vấn đề này đáng được bình luận thêm", ông Peskov kết luận.
Theo Hồng Anh (Soha/Thời Đại)