Trong suốt 40 năm qua, cựu Tổng thống Donald Trump được cơ quan tình báo Liên Xô KGB coi như như một tài sản, và thực tế đã minh chứng điều đó khi cựu Tổng thống Mỹ liên tiếp đưa ra những tuyên bố đi ngược lại với lợi ích của phương Tây, điều vốn được Moscow luôn trông đợi, một cựu điệp viên KGB nói với tờ Guardian.
Yuri Shvets, điệp viên KGB được Liên Xô giao nhiệm vụ hoạt động tại Washington trong những năm 80, đã so sánh cựu Tổng thống Mỹ với "Bộ Ngũ Cambridge", nhóm các điệp viên người Anh từng cung cấp thông tin mật cho Moscow trong giai đoạn chiến tranh thế giới thứ 2 và giai đoạn đầu của chiến tranh lạnh.
Hiện đã 67 tuổi, Shvets là nguồn thông tin chính của nhà báo Craig Unger trong cuốn sách mới American Kompromat, cũng là tác giả của những tác phẩm về Trump và Putin (House of Trump, House of Putin).
Trong những năm 80, Shvets hoạt động dưới vỏ bọc của một phóng viên đại diện cho hãng tin Nga Tass tại Washington. Ông sau đó đã chuyển hẳn sang Mỹ sinh sống vào năm 1993 và trở thành công dân Mỹ.
Trong cuốn sách, Unger mô tả cách Trump lần đầu tiên lọt vào tầm ngắm của người Nga vào năm 1977, khi ông cưới người vợ đầu, Ivana Zelnickova, một người mẫu Séc.
Trump sau đó đã trở thành mục tiêu của các chiến dịch gián điệp do cơ quan tình báo Czech hợp tác với KGB thực hiện.
Ba năm sau đó, Trump khánh thành khách sạn đầu tiên của ông là Grand Hyatt New York gần nhà ga Grand Central. Ông Trump đã mua 200 bộ tivi cho khách sạn từ Semyon Kislin, một người Mỹ gốc Liên Xô và đồng sở hữu công ty điện tử Joy-Lud trên đại lộ 5.
Theo Shvets, Joy-Lud thực chất do KGB kiểm soát và Kislin cũng là một điệp viên, người đã xác định Trump, một doanh nhân trẻ đang lên, như một tài sản tiềm tàng. Tuy nhiên, Kislin sau đó đã bác bỏ việc ông có liên hệ với KGB.
Sau đó vào năm 1987, Trump và Ivana đã lần đầu đến thăm Moscow và St. Petersburg. Tại đây, ông Trump đã được các điệp viên KGB tiếp cận và gợi mở ý tưởng về việc nên tham gia các hoạt động chính trị.
Shvets nhớ lại: "Đối với KGB, đó là một chiến dịch mê hoặc. Họ đã thu thập rất nhiều thông tin về tính cách của Trump, do đó họ biết rõ ông ấy. Đó là một người cực kỳ dễ tổn thương về mặt ý thức và tâm lý, và đặc biệt là dễ bị ảnh hưởng bởi những lời nịnh bợ".
"Đây là điều mà họ đã tận dụng. Họ đã tỏ ra như thể cực kỳ ấn tượng bởi tính cách của ông ta, đồng thời tin rằng đây là người một ngày nào đó sẽ trở thành Tổng thống Mỹ".
Sau khi trở về Mỹ, Trump bắt đầu cân nhắc khả năng chạy đua cho vị trí ứng viên Đảng Cộng hoà trong cuộc tranh cử Tổng thống, và thậm chí thực hiện một chiến dịch tranh cử ở Portsmouth, New Hamsphire. Ngày 1/9/1987, ông đã đồng loạt xuất hiện trong một trang quảng cáo trên các tờ New York Times, Washington Post và Boston Globe với nội dung kêu gọi Mỹ nên dừng hỗ trợ tài chính để bảo vệ những quốc gia đồng minh có đủ năng lực tự vệ.
Những thông tin này, không nghi ngờ, đã mang lại niềm vui lớn đối với Nga. Một vài ngày sau đó, Shvets, đã quay trở lại Nga và có mặt tại Tổng hành dinh của KGB và nhận thông tin về chiến dịch của KGB đối với "tài sản mới" đã thành công bước đầu.
Ông Trump đã chiến thắng trong cuộc bầu cử vào năm 2016, sự kiện đã nhận dược các phản ứng tích cực từ Moscow. Công tố viên đặc biệt Robert Mueller đã không khẳng định có sự kết nối giữa các thành viên trong chiến dịch tranh cử của ông Trump và người Nga. Nhưng dự án Moscow (Moscow Project), một sáng kiến của Trung tâm Vì sự Tiến bộ Mỹ, đã phát hiện nhóm chiến dịch tranh cử và chuyển giao quyền lực của ông Trump đã có ít nhất 272 lần liên hệ và ít nhất 38 cuộc gặp với phía Nga.
Unger, tác giả của 7 cuốn sách và là cựu biên tập viên của tạp chí Vanity Fair, nói về Trump: "Ông ta là một tài sản, một mục tiêu hoàn hảo trong nhiều khía cạnh: trong đó tính kêu căng và tự mãn khiến ông ta là một mục tiêu tự nhiên đối với KGB. Nhưng đó không phải là chúng tôi đã nỗ lực gây dựng và 40 năm sau Trump trở thành Tổng thống. Ở thời điểm mọi thứ bắt đầu, tức vào khoảng năm 1980, người Nga đang cố gắng tuyển dụng càng nhiều càng tốt".
Theo Minh Khôi (Doanh nghiệp & Tiếp thị)