Lời thú nhận của cựu điệp viên CIA khẳng định những nghi ngờ suốt vài chục năm qua của Đảng Quốc dân đại hội dân tộc Phi (ANC).
Ông Nelson Mandela - Ảnh: Independent |
Theo Independent, một nhà cựu ngoại giao Mỹ từng làm gián điệp cho Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã thừa nhận ông từng tiết lộ thông tin tình báo dẫn tới vụ bắt giữ tổng thống Nam Phi Nelson Mandela năm 1962.
Cụ thể, tờ Sunday Times nêu rõ tên cựu quan chức ngoại giao kiêm gián điệp này là ông Donald Rickard. Thông tin được ông Rickard, cựu phó lãnh sự quán Mỹ ở Durban, tiết lộ với nhà làm phim người Anh John Irvin trong một đoạn phỏng vấn có ghi băng.
Ông Rickard cho biết lúc đó phía Mỹ coi ông Nelson Mandela là “người cộng sản nguy hiểm nhất thế giới bên ngoài Liên bang Xô viết” và sẽ là người thúc đẩy một cuộc nổi loạn chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc apartheid, mở đường cho Liên bang Xô viết can thiệp vào tình hình.
Ông Rickard nói: “Nếu người Xô viết can thiệp, nước Mỹ sẽ phải liên đới, và mọi thứ rất có thể sẽ rất tệ hại. Chúng tôi đã ở mấp mé bên bờ vực của điều đó và cần phải ngăn chặn nó. Điều này có nghĩa cần phải chặn ông Mandela lại. Và tôi đã đặt dấu chấm cho việc đó”.
Khi ông Mandela bị bắt, ông Rickard đóng giả làm một tài xế ở Durban.
Sau hai tuần tiết lộ thông tin giống như một “quả bom nổ” này, người ta cho biết ông Rickard đã chết.
Việc ông Rickard, một cựu quan chức ngoại giao kiêm gián điệp CIA, thừa nhận có liên quan tới sự kiện tổng thống Nelson Mandela bị bắt giữ năm 1962 làm dấy lên yêu cầu CIA phải công khai thêm những liên quan của họ trong vụ việc, đồng thời cả mối quan hệ giữa họ với chính phủ thực thi chế độ apartheid ở Nam Phi.
|
Ông Nelson Mandela đọc bài phát biểu vào đầu những năm 1960 (ảnh tư liệu) - Ảnh:Independent |
Ông Mandela được bầu làm tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi từng phải ngồi tù trong gần 28 năm vì những nỗ lực đấu tranh chống lại sự thống trị của những người da trắng thiểu số tại đất nước ông.
Tháng 8-1962, khi ông Mandela bị bắt cũng là thời điểm cuộc Chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô đang ở giai đoạn đỉnh điểm.
Tổng thống Mỹ khi đó là Ronald Reagan đã đưa ANC vào danh sách theo dõi khủng bố những năm 1980, và ông Mandela bị bắt buộc phải được sự cho phép đặc biệt để có thể tới Mỹ trong và sau khoảng thời gian 1994-1999, giai đoạn nắm quyền tổng thống của ông.
Năm 2008 rốt cuộc ông Mandela cũng đã được rút khỏi danh sách này.
Theo D. Kim Thoa (Tuổi Trẻ)