Một tòa án quận Seoul hôm 30/9 đã tuyên án cựu cảnh sát trưởng quận Yongsan 3 năm tù giam trong phán quyết lần đầu tiên quy trách nhiệm cho cơ quan công quyền của Hàn Quốc về vụ giẫm đạp khiến 159 người tử vong trong lễ Halloween ngày 29/10/2022 tại Itaewon, trung tâm Seoul.
Theo Tòa án, Lee Im-jae, khi đó là giám đốc đồn cảnh sát Yongsan, đã không thiết lập và thực hiện kế hoạch quản lý an toàn để ngăn chặn khả năng xảy ra tình huống nguy hiểm từ đám đông, mặc dù điều đó đã có thể lường trước được, Korea Herald đưa tin.
Ngoài ra, tòa án đã tuyên Park Hee-young, trưởng phòng quản lý quận Yongsan, không có tội trong một phiên tòa riêng biệt cùng ngày. Trước đó, các công tố đã yêu cầu mức án 7 năm tù đối với cả Lee và Park vì cáo buộc họ đã không thực hiện các biện pháp thích hợp để ngăn chặn tình trạng đám đông xô đẩy.
Các phán quyết được đưa ra chỉ một tháng trước lễ kỷ niệm hai năm kể từ thảm kịch được ghi nhận là vụ giẫm đạp tồi tệ nhất Hàn Quốc, khiến 159 người đang ăn mừng lễ Halloween thiệt mạng tại khu phố đa văn hóa Itaewon, quận Yongsan, trung tâm Seoul, vào ngày 29/10/2022.
"Bị cáo hoàn toàn có thể lường trước hoặc dự đoán được một đám đông lớn tụ tập tại con hẻm dốc ở Itaewon vào lễ Halloween năm 2022 có thể gây ra mối nguy hiểm nghiêm trọng cho cơ thể do người đi bộ xô đẩy và gây áp lực cho nhau”, tòa án cho biết trong phán quyết với Lee.
Ngoài cảnh sát Lee, Park và các viên chức khác của văn phòng quận Yongsan-gu cũng bị truy tố. Tuy nhiên, tất cả đều được tuyên vô tội bởi theo tòa, luật và các quy định liên quan không yêu cầu họ phải đưa ra các biện pháp an toàn cho những sự kiện không có người tổ chức.
"Việc đám đông chen lấn trong một cuộc tụ tập lớn không được phân loại là thảm họa theo luật hiện hành, do đó, không có quy định bắt buộc nào chỉ định văn phòng quận phải thiết lập các kế hoạch quản lý an toàn riêng cho các sự kiện không có người tổ chức", tòa án nêu rõ.
Cho đến nay, bên công tố đã tuyên bố rằng Lee và Park đã không thực hiện đúng thẩm quyền và trách nhiệm của mình trong việc ngăn chặn thảm họa, mặc dù có thể lường trước được những tình huống nguy hiểm phát sinh từ đám đông lớn và yêu cầu mức án bảy năm tù cho cả hai bị cáo.
Trong suốt phiên tòa xét xử, cả Lee và Park vẫn khẳng định rằng họ không thể lường trước được tình trạng chen chúc trong đám đông lớn như vậy, do đó họ không phải chịu trách nhiệm về vụ việc.
Sau phán quyết của tòa án, gia đình nạn nhân đã tổ chức họp báo trước Tòa án để lên án phán quyết tuyên trắng án cho Park đồng thời thúc giục bên công tố kháng cáo phán quyết đối với cả 2 bị cáo để có hình phạt nghiêm khắc hơn.
“Suốt 2 năm qua, chúng tôi đã xuống đường vì con em mình và chỉ ra sự vô trách nhiệm và lơ là của những người chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, phán quyết của tòa án hôm nay thực sự là một phán quyết kinh hoàng”, Lee Jung-min, phó chủ tịch Hiệp hội các gia đình nạn nhân thảm họa Itaewon cho biết.
Cho đến nay, đã có 21 người và hai công ty, bị truy tố vì có liên quan đến thảm kịch năm 2022.
Đầu năm 2024, 2 cựu cảnh sát cấp cao đã bị bỏ tù vì tiêu hủy bằng chứng liên quan đến vụ dè bẹp, khiến họ trở thành những cảnh sát đầu tiên bị kết án liên quan đến vụ việc.
Tòa án phát hiện ra rằng sau thảm họa, 2 cảnh sát trên đã ra lệnh xóa 4 báo cáo nội bộ của cảnh sát, cho thấy trước những lo ngại về an toàn liên quan đến tình trạng quá tải có thể xảy ra trong khu vực.
Trong khi đó, Kim Kwang-ho, cựu giám đốc Cơ quan Cảnh sát Thủ đô Seoul, đang chờ phán quyết về các cáo buộc sơ suất nghề nghiệp dẫn đến thương tích hoặc tử vong.
Ông Kim đã phủ nhận hành vi sai trái, nói với tòa án vào tháng 4 rằng "thay vì tìm kiếm một con tốt thí, các biện pháp phòng ngừa thực sự nên được thực hiện".
Các quan chức cấp quận khác đã bị truy tố vì thảm họa, nhưng không có thành viên cấp cao nào của chính phủ từ chức hoặc phải đối mặt với việc truy tố, mặc dù các gia đình nạn nhân liên tục chỉ trích họ vì thiếu trách nhiệm.
QT (SHTT)