Tổ chức Cựu chiến binh Việt Nam chống chiến tranh (Vietnam Veterans Against the War - VVAW) thông báo về sự ra đi của ông. Romo là điều phối viên quốc gia của tổ chức này trong hơn 4 thập kỷ.
Ông Roberto Clack, phát ngôn viên của VVAW, cho biết ông Romo bị đau tim khi đang ở nhà và đã được đưa vào viện, nhưng ông không qua khỏi.
Trong thời kỳ đỉnh cao của phong trào phản chiến, ông Romo là người có tiếng nói nổi bật trong số các cựu quân nhân đã bác bỏ lý lẽ của Lầu Năm Góc và Nhà Trắng, rằng cuộc chiến tranh ở Việt Nam là cần thiết và Mỹ có thể thắng.
Ông Romo và các cựu chiến binh khác trở thành biểu tượng mạnh mẽ cho phong trào đấu tranh rộng khắp, cùng với lực lượng sinh viên, các nhóm tôn giáo và những người khác.
Tháng 4/1971, ông Romo tổ chức các đoàn xe đưa hàng nghìn cựu chiến binh đến Washington để phản đối chiến tranh, gọi là Chiến dịch Dewey Canyon III, được đặt theo tên của hai chiến dịch quân sự của Mỹ nhằm tấn công các căn cứ ở miền Bắc Việt Nam.
Các cựu binh cắm trại ở công viên National Mall, tham dự nhiều phiên điều trần tại Thượng viện và tổ chức hàng loạt cuộc biểu tình ở Nghĩa trang Quốc gia Arlington, bên ngoài Tòa án Tối cao và Lầu Năm Góc.
Ngày 23/4 năm đó, ông Romo cùng hàng trăm cựu binh vứt huy chương, giấy tờ và kỷ vật chiến tranh trên bậc thềm Điện Capitol. Đứng cạnh ông Romo khi đó là cựu trung úy Hải quân John F. Kerry, người cũng là lãnh đạo VVAW.
“Tôi không làm điều này vì bất kỳ lý do bạo lực nào mà vì hòa bình và công lý, đồng thời cố gắng làm cho đất nước này thức tỉnh một lần và mãi mãi”, ông Kerry phát biểu khi đó. Ông Kerry sau này trở thành ngoại trưởng Mỹ.
Sau khi ông Romo và nhiều cựu binh rời Washington, hàng loạt phong trào phản chiến rộng khắp làm tê liệt thành phố này vào ngày 1/5. Hơn 7.000 người bị bắt trong đợt biểu tình được đánh giá là phong trào xuống đường lớn nhất trong thời kỳ chiến tranh ở Việt Nam.
Cảnh các huân chương của cựu binh lăn lóc trên bậc thềm Điện Capitol trở thành một trong những khoảnh khắc mang tính quyết định của chiến dịch biểu tình kéo dài nhiều tuần, trong bối cảnh dư luận ngày càng chất vấn nhiều hơn về thời gian Mỹ tham chiến cũng như chi phí mà nước này phải bỏ ra. 4 năm sau, chính quyền Sài Gòn sụp đổ, Mỹ chấp nhận rút quân và hai miền của Việt Nam thống nhất.
Trong một bài viết năm 1988, ông Romo nhìn lại cuộc biểu tình ở Điện Capitol. Ông nói rằng ông vẫn thấy “những suy nghĩ đau đớn và giận dữ ngập tràn tâm trí”, khiến ông nhớ đến cái chết của cháu trai Bob Romo năm 1968.
Ông thường kể lại cái chết của cháu ông ở Việt Nam. Đối với ông Romo, đó là khoảnh khắc thay đổi cuộc đời ông, biến ông từ một người háo hức nhập ngũ thành người đi đầu trong phong trào phản chiến.
Theo Bình Giang (Tiền Phong)