Cướp Gạc Ma từ 1988, Trung Quốc âm mưu chiếm Biển Đông

11/03/2016 10:18:11

Từ tháng 3/1988, Trung Quốc đã biến đá Gạc Ma với vị trí chiến lược trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành “bệ phóng” để thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông.

Từ tháng 3/1988, Trung Quốc đã biến đá Gạc Ma với vị trí chiến lược trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành “bệ phóng” để thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông.

Trước trận hải chiến Trường Sa tháng 3/1988, Trung Quốc dù nhiều lần lớn tiếng đòi chủ quyền vô lý nhưng chưa kiểm soát mẩu đất nào thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ngày 14/3/1988, Trung Quốc tấn công đá Cô Lin, đá Len Đao và đá Gạc Ma.

"Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo"

Hải quân nhân dân Việt Nam đã chiến đấu anh dũng để bảo vệ các đảo đá. Trung úy Trần Văn Phương quyết giữ lá cờ trên đá Gạc Ma và để lại câu nói: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo”. Khi trung úy Phương hy sinh, trung sĩ Nguyễn Văn Lanh thay thế giữ lá cờ, bị đạn xuyên qua bả vai, mất đà nhào xuống nước… 64 chiến sĩ nằm lại lòng biển sâu.

Đại tá Vũ Huy Lễ, thuyền trưởng mưu trí của tàu HQ 505, là nhân chứng trong cuộc chiến ấy. Trong thời khắc quyết định, ông đưa tàu lao thẳng lên đá Cô Lin. Nhờ thế, đảo đá được giữ, nhiều đồng đội bị thương trong trận hải chiến được cứu thoát. Cùng với đá Cô Lin, đá Len Đao cũng được giữ vững sau cuộc chiến.

Tuy nhiên, đá Gạc Ma đã rơi vào tay Trung Quốc. Đây là bãi đá ngầm với diện tích khoảng 7,2 km2. Gạc Ma có vị trí địa chiến lược rất quan trọng ở Trường Sa. Bãi đá ngầm này là nút thắt của cụm đảo Sinh Tồn và Song Tử; nằm ngay trên tuyến đường từ đất liền tới quần đảo Trường Sa, đặc biệt gần với bờ biển miền Trung Việt Nam, nơi có nhiều cơ sở kinh tế, quốc phòng và an ninh quan trọng.

Gạc Ma nằm gần đá Châu Viên, gần với bãi Tư Chính - Vũng Mây và các nhà giàn DK1 của Việt Nam. Đây là khu vực có tiềm năng dầu khí và khoáng sản lớn. Trong năm 1988, Trung Quốc lần lượt chiếm đóng thêm đá Châu Viên, đá Chữ Thập, đá Ga Ven, đá Tư Nghĩa và đá Xu Bi. Lần đầu tiên, Trung Quốc hiện diện tại quần đảo Trường Sa.

Chiến dịch xây đảo bất hợp pháp

Từ đầu thập niên 1990, Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện bồi lấp ở đá Gạc Ma và các thực thể khác nước này kiểm soát trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong giai đoạn này, chính quyền Trung Quốc cũng tiếp tục thực hiện chiến lược mở rộng xâm lấn ở quần đảo Trường Sa. Tháng 2/1995, quân Trung Quốc giành quyền kiểm soát đá Vành Khăn từ tay Philippines.

Do lo ngại nguy cơ chiến tranh, phía Philippines đã chấp nhận buông xuôi, để mất đá Vành Khăn vào tay Trung Quốc. Biển Đông lúc lặng lúc nổi sóng, nhưng Trung Quốc chưa bao giờ ngừng thực hiện âm mưu chiếm trọn vùng biển ở Đông Nam Á. Tháng 6/2012, Trung Quốc xua hàng loạt tàu hải giám và cả tàu chiến tới chiếm bãi cạn Scarborough trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Tháng 7/2012, để khẳng định “chủ quyền” vô lý, Trung Quốc cử một đội 29 tàu cá từ đảo Hải Nam, do một tàu tuần tra hộ tống, tới đánh bắt suốt 20 ngày quanh đá Gạc Ma. Dù vậy, cho đến đầu năm 2014, công trình nhân tạo duy nhất được xây dựng trên đảo là một khu bằng bê tông nhỏ dùng để chứa các thiết bị thông tin liên lạc, cầu cảng, và nhà đồn trú…

Tuy nhiên, vào giữa năm 2014, Trung Quốc bắt đầu đẩy nhanh tốc độ và quy mô của hoạt động bồi lấp trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đá Gạc Ma là một trong những địa điểm đầu tiên bị Trung Quốc bồi lấp và xây dựng bất hợp pháp. Theo dự án Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Trung Quốc đã bồi lấp diện tích hơn 100.000 m2 trên đá Gạc Ma.
 

Cận cảnh hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc trên đá Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh chụp tháng 11/2014. Ảnh: AMTI

 
Các hình ảnh vệ tinh cho thấy cảnh máy ủi, máy xúc, máy hút và nạo vét bơm, hút lượng cát khổng lồ để bồi lấp ở Gạc Ma. Từ một bãi đá ngầm, Trung Quốc đã biến Gạc Ma trở thành một đảo nhân tạo với ý đồ sử dụng nơi đây như một cảng nước sâu. Song song với việc bồi lấp trái phép, Trung Quốc đã xây dựng nhiều cơ sở, đưa nhiều trang thiết bị ra Gạc Ma với ý đồ biến nơi đây thành một căn cứ hỗn hợp, với các chức năng quân sự, thông tin, hậu cần...

AMTI cho biết Trung Quốc đã xây các tháp “phòng vệ”, các cơ sở quân sự đa dụng, tháp radar, cầu cảng, bãi đáp trực thăng, tháp vũ khí, hải đăng, các khu canh tác nông nghiệp… Với vị trí nằm ở giữa quần đảo Trường Sa, đá Gạc Ma là địa điểm lý tưởng để kiểm soát phần lớn tuyến đường liên lạc trên biển cũng như các hoạt động hàng hải/hải quân ở Biển Đông.

Mục tiêu ngăn chặn tiếp cận

Trả lời phỏng vấn tháng 7/2015, ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới chính phủ, từng nhận định việc Trung Quốc điều giàn khoan Hải Dương 981 tới vùng thềm lục địa Việt Nam hồi năm 2014 chỉ là đòn hỏa mù mang tính “giương đông kích tây” để che đậy chiến dịch xây đảo nhân tạo trái phép. Và Trung Quốc không chỉ xây dựng ồ ạt ở đá Gạc Ma.
 

Các cơ sở do Trung Quốc xây dựng trái phép đã gần hoàn thành trên đá Gạc Ma. Ảnh chụp tháng 3/2015. Ảnh: AMTI

 
Từ năm 2014 đến 2015, Trung Quốc liên tục bồi lấp và xây đảo trái phép ở cả 7 bãi đá nước này kiểm soát bất hợp pháp trên Biển Đông, sau đó thiết lập các cơ sở quân sự tại đây. Các hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã xây 3 đường băng dài tới 3.000 m tại đá Chữ Thập, đá Xu Bi và đá Vành Khăn. Các đường băng này đủ khả năng tiếp nhận mọi máy bay quân sự của Trung Quốc.

Trước đó, phần lớn máy bay chiến đấu và máy bay hỗ trợ của Trung Quốc không đủ khả năng tiến hành hoạt động đến phía nam Biển Đông, vốn cách căn cứ không quân gần nhất của Trung Quốc đến 600 hải lý, hoặc cách phi trường trên đảo Phú Lâm hơn 400 hải lý. Nhưng hiện tại Trung Quốc đã có cơ sở để triển khai các loại vũ khí như máy bay ném bom, máy bay tiêm kích, máy bay do thám không người lái… tới quần đảo Trường Sa.

Gần đây nhất, hồi tháng 2/2016, CSIS phát hiện Trung Quốc đang xây dựng hàng loạt tháp radar trên các đảo nhân tạo bất hợp pháp mà Trung Quốc xây ở đá Gạc Ma, đá Ga Ven, đá Châu Viên và đá Tư Nghĩa. Chuyên gia Ian Storey của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) khi đó khẳng định chắc chắn Trung Quốc sẽ dùng hệ thống radar này để giám sát mọi hoạt động hàng không và hàng hải trên Biển Đông.

Nhà nghiên cứu Bill Hayton thuộc Viện Chatham (Anh) nhận định ý đồ của Trung Quốc là “mở rộng hoạt động quân sự đến cực nam của Biển Đông, đe doạ Việt Nam, Philippines, Malaysia hoặc thậm chí là Hải quân Mỹ”. Báo cáo của Bộ Quốc phòng Nhật cũng cảnh báo với các cơ sở và khí tài ở 7 đá thuộc quần đảo Trường Sa, Trung Quốc đang tăng cường năng lực “chống xâm nhập/tiếp cận” (A2AD) để đối phó với lực lượng Mỹ.

Trong tương lai, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, cản trở tự do hàng hải và hàng không ở vùng biển này. Giới quan sát dự báo động thái kế tiếp của Trung Quốc sẽ diễn ra ở bãi cạn Scarborough. Đây là bãi cạn duy nhất ở phần phía đông Biển Đông gần Philippines mà không bị chìm hoàn toàn. Trung Quốc vẫn thiếu căn cứ để kiểm soát phía đông Biển Đông, nên rất có thể Bắc Kinh sẽ sớm tiến hành cải tạo bãi Scarborough để phục vụ ý đồ quân sự.

Từ đá Gạc Ma, Trung Quốc đang dần hiện thực hóa tham vọng thực hiện kiểm soát thực tế toàn bộ Biển Đông.
 
Theo Minh Anh (Zing.vn)

Nổi bật