Cuộc vượt ngục chấn động nước Mỹ qua lời kể của kẻ đào tẩu

22/07/2015 09:43:47

David Sweat và Richard Matt có thể ra vào buồng giam và chui xuống đường hầm bên dưới nhà tù an ninh bậc nhất Mỹ một cách dễ dàng trong suốt 6 tháng nhờ nghiên cứu kỹ thời gian cũng như quy luật hoạt động của các nhân viên quản giáo.

David Sweat và Richard Matt có thể ra vào buồng giam và chui xuống đường hầm bên dưới nhà tù an ninh bậc nhất Mỹ một cách dễ dàng trong suốt 6 tháng nhờ nghiên cứu kỹ thời gian cũng như quy luật hoạt động của các nhân viên quản giáo.

Richard Matt (trái) và David Sweat. Ảnh NYTimes


David Sweat, phạm nhân lĩnh án tù chung thân tại Trại cải tạo Clinton, New York, đêm nào cũng lén chui qua lỗ nhỏ tự tạo trên bức tường buồng giam xuống một hệ thống đường hầm chằng chịt bên dưới nhà tù để nghiên cứu rồi trở về như chưa có chuyện gì xảy ra.

Sweat thực hiện trót lọt việc này trong nhiều tháng bởi hắn nắm rõ lịch thay ca và nghỉ ngơi của các nhân viên cai ngục. Quá trình thăm dò của Sweat bắt đầu từ mùa đông năm ngoái và kéo dài đến tận đầu tháng 6 năm nay. Sau khi tính toán hàng trăm phương án, kế hoạch đào tẩu của tên sát nhân cuối cùng cũng hình thành.

Các thông tin trên được Sweat tiết lộ sau khi vượt ngục thành công cùng bạn tù Richard Matt nhưng bị bắt lại vào cuối tháng trước. Theo những gì Sweat khai với cơ quan điều tra, hắn ấp ủ âm mưu vượt ngục từ rất lâu nhưng chỉ thực sự nghiêm túc bắt tay thực hiện kế hoạch khi được chuyển đến cạnh phòng giam của Matt hồi cuối tháng một. Sweat gần như ngay lập tức bắt đầu dùng một lưỡi cưa sắt âm thầm cắt thủng bức tường buồng giam của cả hắn và đồng phạm Matt.

Khi một bạn tù thắc mắc về những tiếng ồn phát ra trong đêm từ buồng giam của Sweat, hắn chỉ trả lời rằng đang kéo dãn vải để vẽ hoặc làm khung. Sweat rất có năng khiếu hội họa. Hắn được cho là từng tặng tranh cho cán bộ trại giam để đổi lấy một số đặc quyền.

Đến tháng hai thì Sweat tiếp cận đến không gian phía sau buồng giam. Hàng đêm, hắn phải chờ đến 23h30 rồi mới chui qua lỗ trên tường, lợi dụng các đường ống nước để trèo xuống hệ thống đường hầm. Sweat dành phần lớn thời gian mày mò tại đây và chỉ trở về khi đồng hồ chỉ 5h30. Sweat lặp lại đều đặn chuỗi hành động trên cho đến khi tìm được một ống cống mà hắn quả quyết rằng đó chính là đường thoát thân. Tuy nhiên, con đường này dẫn tới một ngõ cụt.

Nhưng không vì thế mà Sweat từ bỏ ý định. Tên sát nhân lại phát hiện ra một khu vực khác với nhiều đường ống thông xuyên qua đường hầm chạy phía dưới bức tường bao quanh nhà tù. Sweat cho hay hắn có thể thấy những đường ống này nối tới một đường hầm khác, cách đó chừng 6 mét, phía ngoài trại giam.

Với búa tạ và vài dụng cụ cầm tay ăn trộm được, Sweat bắt đầu bào mòn lớp bê tông trên tường của đường hầm. Để tránh bụi bẩn bám vào người, Sweat mang theo một bộ quần áo khác để thay mỗi khi làm "nhiệm vụ". Việc đào xới diễn ra vô cùng chậm chạp bởi bức tường quá cứng.
 

Lỗ thủng mà Sweat và Matt cắt trên ống cống bên dưới Trại cải tạo Clinton. Trước khi biến mất chúng còn để lại mảnh giấy ghi dòng chữ "Chúc một ngày tốt lành". Ảnh: NYTimes

Ngày 4/5, trại Clinton tắt hệ thống sưởi. Các đường ống dẫn hơi nước vì thế nguội dần. Sweat quyết định thay vì tiếp tục đục phá hắn sẽ cắt thẳng vào đường ống lớn đi xuyên qua bức tường bê tông trong hầm. Sử dụng lưỡi cưa có tay cầm bó bằng giẻ rách, Sweat dành hơn 4 tuần để khoét hai lỗ vào và ra ở hai đầu đường ống, đủ lớn cho một người chui qua. Sweat và Matt chỉ dám thực hiện kế hoạch vào đêm 6/6 sau khi đã thử nghiệm hàng chục lần trước đó.

Dù khá tỉ mỉ trong việc lên phương án trốn khỏi nhà tù nhưng hai kẻ sát nhân lại không tính kỹ đường đi nước bước khi đã ra bên ngoài. Joyce E. Mitchell, quản giáo tại trại Clinton, người bị cáo buộc thông đồng với hai tên tù nhân, đáng nhẽ phải lái xe tới đón Sweat và Matt nhưng lại không xuất hiện. Trong lúc chưa biết đối phó như thế nào, hai tên chỉ còn cách lao vào rừng tìm đường tẩu thoát.

Hai tên sát cánh cùng nhau khá lâu nhưng sau đó phải tách riêng vì theo Sweat, đồng bọn già luôn trong tình trạng say xỉn và di chuyển quá chậm chạp. Ngày 26/6, Matt bị một nhân viên an ninh liên bang bắn hạ vì không chịu buông súng khi nhận được tín hiệu cảnh cáo. Hai ngày sau, một trung sĩ cảnh sát phát hiện ra Sweat trên con đường nhỏ cách biên giới Canada khoảng 1,6 km. Viên cảnh sát đuổi theo Sweat tới một cánh đồng vắng và giơ súng bắn bị thương kẻ vượt ngục từ khoảng cách 45m.

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy quản giáo Mitchell đã tuồn lưỡi cưa, đục cùng các công cụ khác vào tù để hỗ trợ Matt và Sweat tẩu thoát. Giới chuyên gia nhận định vụ việc lần này là bài học đắt giá đối với chính quyền trong công tác quản lý trại giam cũng như triển khai chiến dịch truy bắt phạm nhân vượt ngục.
 
Khuôn viên Trại cải tạo Clinton và địa điểm hai tù nhân thoát ra ngoài. Ảnh: NYTimes
 
>> Lời khai chấn động của sát nhân Mỹ về kế hoạch vượt ngục
>> Số phận sát thủ vượt ngục sau khi trở về nhà tù
 
Theo Vũ Hoàng (VnExpress.net)

Nổi bật