Bước ngoặt tội ác
Sự khủng khiếp của các trại tập trung của Đức Quốc xã đã được ghi lại rõ ràng trong suốt lịch sử, khi có các cuộc đàn áp tàn ác đối với người Do Thái ở châu Âu và các dân tộc bị hắt hủi khác đã trở thành một bài học đau thương trong nhiều năm kể từ Thế chiến II. Nhưng trong khi nhân loại chú ý nhiều đến những người đàn ông phải chịu trách nhiệm cho những tội ác khủng khiếp này, thì ngoại lệ nữ cai ngục như Jenny-Wanda Barkmann lại là một trong số những người tàn ác nhất.
Những phụ nữ như Barkmann, Irma Grese và Elisabeth Volkenrath đều trở nên khét tiếng tại các trại tập trung vì sự tàn bạo của họ. 21 kẻ cai ngục cuối cùng đã phải đối mặt với giá treo cổ, bao gồm cả Barkmann, người được mệnh danh là “Bóng ma xinh đẹp”.
Được biết đến với vẻ đẹp và sự tàn ác của mình, người mẫu trẻ tuổi từng là lính canh tại trại tập trung Stutthof. Mặc dù cô ta đến Stutthof vào năm 1944 - và chiến tranh chỉ kết thúc một năm sau đó - Jenny Barkmann đã nhanh chóng nằm trong số những kẻ độc ác nhất của Đức Quốc xã.
Làm thế nào Jenny-Wanda Barkmann trở thành “Bóng ma xinh đẹp”
Jenny-Wanda Barkmann sinh ngày 30/5/1922 tại Hamburg, Đức. Mặc dù cô ta có một tuổi thơ bình thường, nhưng cũng trưởng thành cùng với sự trỗi dậy của chủ nghĩa Quốc xã. Ngay trước khi Barkmann tròn 11 tuổi, Adolf Hitler trở thành Thủ tướng Đức. Khi cô 16 tuổi, nhà cửa, cơ sở kinh doanh và giáo đường của người Do Thái đã bị tấn công trong thời kỳ Kristallnacht, bao gồm cả ở Hamburg. Ngay sau đó, Hitler xâm chiếm Ba Lan và Thế chiến II bắt đầu.
Theo tư liệu của Mémoires de Guerre, Barkmann ban đầu hy vọng sử dụng vẻ đẹp của mình để trở thành người mẫu thời trang. Nhưng khi chiến tranh kéo dài, cô đã thay đổi quyết định. Năm 1944, cô gái 21 tuổi trở thành Aufseherin (còn gọi là nữ quản ngục) tại trại tập trung Stutthof ở Gda-sk, Ba Lan.
Nguồn tin khác cho biết, cha cô là một công nhân đóng tàu bình thương, còn mẹ cô là một người nội trợ. Khi còn nhỏ, Jenny không khác gì các bạn cùng trang lứa - cô cũng chơi đùa với búp bê và mơ ước trở thành diễn viên.
Sau giờ học, cô gái thường được ưu ái nhờ vẻ ngoài rất hấp dẫn, bắt đầu tham gia làm người mẫu thời trang. Chiến tranh bùng nổ không làm thay đổi kế hoạch của cô và Barkmann đã chụp hình thành công cho các tạp chí và các chương trình quảng cáo của Đức. Nhưng đầu năm 1944, một bước ngoặt đã xảy ra trong cuộc đời của người đẹp. Jenny bất ngờ từ bỏ công việc người mẫu và nhận công việc quản giáo tại trại tập trung Stutthof, nằm gần Danzig.
Người ta không biết chính xác điều gì đã thôi thúc cô gái 21 tuổi kiếm được công việc ở địa ngục này. Có lẽ, cô ấy đã bị thu hút bởi nguồn thu nhập cao của lính quản giáo và cơ hội phát triển nghề nghiệp. Hoặc có thể có mong muốn có quyền lực đối với mọi người đã thức tỉnh trong con người Barkmann. Dù sao đi nữa, Jenny đã vượt qua cuộc phỏng vấn thành công và được nhận vào đội ngũ quản ngục.
Ngay từ những ngày đầu tiên làm việc, cựu người mẫu đã tỏ ra sốt sắng phục vụ và đặc biệt nghiêm túc với công việc. Nạn nhân chính của Stutthof là phụ nữ và trẻ em mang quốc tịch Do Thái và Ba Lan. Barkmann đánh đập tù nhân không thương tiếc và tống hàng chục người vào phòng hơi ngạt. Jenny đã thể hiện trí tưởng tượng đáng kinh ngạc, tra tấn nạn nhân của mình và đôi khi khiến cả đồng nghiệp của cô bị sốc. Cô nhanh chóng tự khẳng định mình là một trong những Aufseherin tàn bạo nhất của trại Stutthof.
Cô không ngần ngại đánh đập tù nhân - đôi khi đến chết - và thường xuyên đưa phụ nữ và trẻ em vào phòng hơi ngạt, những người mà cô và các lính canh khác thấy quá yếu hoặc ốm yếu để làm việc.
Bề ngoài, người quản ngục Barkmann trông giống như một sinh viên thông minh mong manh và sự tương phản bên trong này càng khiến cô ấy trở nên khủng khiếp hơn. Số lượng nạn nhân chính xác của "Mad Jenny" vẫn chưa được biết rõ, nhưng có tư liệu nói rằng cô ấy có liên quan đến cái chết của hàng trăm tù nhân và tự tay giết hàng chục người khác. Một hoạt động kinh khủng như vậy khiến vào năm 1945, ngay khi quân đội Liên Xô bắt đầu tiếp cận Stutthof, kẻ sát nhân đã bỏ trốn.
Trong suốt cuộc chiến, Bảo tàng Tưởng niệm Holocaust của Hoa Kỳ báo cáo rằng, có tới 100.000 người đã bị trục xuất đến Stutthof và khoảng 60.000 người đã chết ở đó. Nhiều người đã chết vì các bệnh như sốt phát ban. Nhưng nhiều người khác đã bị lính canh trại gửi đến phòng hơi ngạt. Năm 1944, Barkmann trở thành một trong những người canh trại này. Cô ta là một trong số 3.700 phụ nữ đảm nhận vị trí như vậy - trong tổng số 55.000 lính canh trong các trại tập trung của Đức Quốc xã - xinh đẹp và tàn bạo, Jenny-Wanda Barkmann được mệnh danh là “Bóng ma xinh đẹp”.
Sự sụp đổ
Vào thời điểm Jenny-Wanda Barkmann đang đảm bảo danh tiếng của mình tại Stutthof, Thế chiến II đã bắt đầu kết thúc. Tháng 4/1945, Adolf Hitler tự sát ở Berlin. Một tháng sau, quân Đức đầu hàng. Và Barkmann, “Bóng ma xinh đẹp” liền chạy khỏi Stutthof và lẩn trốn.
Jenny-Wanda Barkmann trở thành một trong những tội phạm Đức Quốc xã bị truy nã gắt gao nhất. Nhưng ả vẫn tìm cách trốn tránh công lý thành công trong 4 tháng. Cô ta đã ở đâu trong thời gian này và ai đã giúp đỡ nữ tội phạm, cuộc điều tra không thể tìm ra. May mắn thay, hồ sơ cá nhân của kẻ tàn bạo có một bức ảnh được lưu giữ trong trại tập trung, và bên cạnh đó, các tù nhân nhớ rất rõ về cô ta. Hình ảnh và hồ sơ mô tả về "Mad Jenny" đã được gửi đi khắp châu Âu và chẳng mấy chốc ả đã bị sa lưới.
Barkmann rơi vào tay một đội tuần tra quân sự tại nhà ga xe lửa Gdansk khi cô chuẩn bị rời Ba Lan. Trong cuộc thẩm vấn, Barkmann khai rằng cô luôn đối xử tốt với các tù nhân Do Thái, thậm chí còn nói rằng, cô đã cứu một số người trong số họ khỏi cái chết. Nhưng những người thẩm vấn cô ấy cuối cùng đã nhìn thấu hành động của ả ta.
Hình ảnh “con quái vật đến từ Stutthof” hoàn toàn không phù hợp với ngoại hình và cách cư xử của một cô gái khiêm tốn. Barkmann thậm chí còn đánh lừa được một trong những cai ngục. Hạ sĩ của quân đội Ba Lan, Joseph Lyas, một người Do Thái, thấm nhuần những câu chuyện của cô gái đến nỗi anh bắt đầu đồng cảm với cô. Tên tội phạm Đức quốc xã cầu xin Lyas cho cô ra ngoài chỉ trong vài giờ. Theo cô gái, điều này sẽ đủ thời gian để thu thập bằng chứng về sự vô tội. Nhưng viên hạ sĩ đã kịp thời xem tài liệu của vụ án về Barkmann với những bức ảnh rùng rợn về các nạn nhân của ả và không mắc phải sai lầm chết người.
Những gì anh nhìn thấy đã khiến Joseph Lyas phẫn nộ vì cha mẹ và nhiều bạn bè của anh đã chết trong các trại tập trung của Đức. Viên hạ sĩ không nói chuyện với Jenny nữa, và cơ hội trốn thoát cuối cùng của kẻ thủ ác tan biến như mây khói.
Thật vậy, hàng chục người sống sót ở Stutthof đã làm chứng chống lại Barkmann trước tòa, mô tả những tội ác tàn bạo mà cô ta đã phạm phải với tư cách là một Aufseherin. Ngay cả luật sư của cô ta cũng thừa nhận rằng Barkmann có tội, nhưng lập luận rằng đó là do cô ấy bị bệnh tâm thần - anh ta tuyên bố rằng một người bình thường không thể phạm tội ác như Barkmann gây ra. Đặc biệt là vì cô ấy không có lý do gì để ghét bất cứ ai. Nhưng Barkmann trông không giống người điên. Cô ta phản ứng trước mọi lý lẽ của luật sư.
Kẻ giết người thực tế đã không giúp ích gì cho chính cô ấy. Đối mặt với cáo buộc tàn bạo và giết người, Barkmann đáp lại bằng một tràng cười khinh khỉnh. Cô ta không cầu xin sự tha thứ. Cô ấy không bao giờ rơi một giọt nước mắt hay tỏ ra hối hận. Lời cuối cùng của kẻ tội phạm trước tòa là: "Cuộc sống thực sự là một niềm vui lớn, và niềm vui, như một quy luật, không kéo dài lâu".
Sáng sớm ngày 4/7/1946, Barkmann cùng với 10 tội phạm chiến tranh khác bị đưa đến nơi hành quyết trên Đồi Biskup gần Gdansk. Hơn 200 nghìn người đã tụ tập ở đó để xem cái chết của những tên đao phủ đáng nguyền rủa. Nhiều người từ xa đến để chứng kiến cái chết của những kẻ đã hành hạ họ và những kẻ hành quyết người thân và bạn bè của họ. Hạ sĩ Joseph Lyas cũng đứng trong đám đông khán giả. Không ai bận tâm đến đám tội phạm ở Gdansk bằng ở Nuremberg. Một đao phủ chuyên nghiệp thậm chí còn không dám tham gia vào vụ hành quyết. Những kẻ bị kết án bị đưa lên giá treo cổ lớn trên những chiếc xe tải, cổ họ bị quàng thòng lọng, sau đó chiếc xe lao đi. Khi đến lượt Barkmann, chiếc xe không muốn khởi động. Sự cố gây ra tiếng xì xào trong đám đông. Sau đó, một cựu tù nhân của Stutthof chạy lên xe và đẩy Jenny ra khỏi xe. Jenny-Wanda Barkmann chết ngay lập tức. Cô ta khi ấy 24 tuổi.
Khi thi thể cô ấy đung đưa trong gió, rất nhiều người trong đám đông đổ xô đến tiếp cận thi thể, cố gắng xé một mảnh vải hoặc giành một chiếc cúc áo để giữ làm kỷ niệm. Cuối cùng, thi thể của cô ta được gửi đến Khu Giải phẫu ở Gdansk, cùng với thi thể của những tên tội phạm khác, để dùng làm phương tiện hỗ trợ thị giác cho các sinh viên y khoa. Sau đó được xử lý như chất thải sinh học, ít nhất mang lại một số lợi ích cho xã hội.
Nhưng lòng căm phẫn vẫn dành cho Jenny-Wanda Barkmann rất lớn, và có thời điểm, tin đồn lan truyền rằng, thi thể cô thực sự đã được hỏa táng và tro cốt được đưa về quê hương Hamburg của Barkmann. Tin đồn cũng cho rằng tro cốt của cô sau đó được đổ vào bồn cầu và xả nước. Tất nhiên, đó chỉ là một tin đồn.
Quá khứ tàn ác và đau thương tạo nên một bộ phim truyền hình mới gây tranh luận do Kenley Smith viết kịch bản và đạo diễn có tên “Maidens”. Tác phẩm phản kháng đã được phát triển và đưa vào sản xuất lần đầu tiên trên toàn thế giới về mặt nghệ thuật tại Nhà hát Darkhorse bởi Tennessee Playwrights Studio. Kịch bản có thể lấy bối cảnh trong quá khứ, nhưng như nhà viết kịch đã lưu ý trong chương trình: “Chủ nghĩa phát xít đang ở đâu đó”. Nó luôn luôn như vậy, và nó tự bộc lộ khi chúng ta cho phép một kẻ mị dân khơi dậy nỗi sợ hãi và lòng căm thù của chúng ta. Đáng buồn thay, “Maidens” đã trở nên thịnh hành như đã từng xảy ra vào năm 1946.
Theo Long Nguyễn (An Ninh Thế Giới)