Người dân đảo Guam không sợ Triều Tiên nhưng cũng lo ngại cuộc khẩu chiến leo thang ảnh hưởng tới kinh tế địa phương.
Biển cấm vào cắm tại khu vực quân sự trên đảo Guam. Ảnh: Guardian. |
Kể từ khi Triều Tiên tuyên bố sẽ tấn công đảo Guam, hai tâm lý trái ngược là thách thức và lo lắng đang bao trùm người dân hòn đảo. Một số người dân lo dự trữ đồ dùng cần thiết, trong khi một số khác lại ruyên bố: "Nếu Triều Tiên tấn công hạt nhân chúng tôi, tôi hy vọng Mỹ sẽ dùng đòn hạt nhân đáp trả".
Theo Guardian, hòn đảo là tiền đồn quan trọng của Mỹ trong nhiều thập kỷ, nơi triển khai nhiều máy bay ném bom chiến lược có thể mang vũ khí hạt nhân. Đảo từng bị Nhật chiếm đóng trong Thế chiến II. Sau chiến tranh, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trên đảo.
"Súng và bơ là hai động cơ thúc đẩy nền kinh tế của chúng tôi", thống đốc đảo Eddie Baza Calvo nhận xét. "Bơ chỉ người dân tại các nước châu Á có nền kinh tế phát triển muốn rời khỏi những đô thị đông đúc, tìm tới nơi có biển, có cát trắng, có dừa xanh. Súng chỉ vị trí chiến lược của Guam đối với đất Mỹ".
"Tuy nhiên, nếu những mối đe dọa này vẫn tiếp diễn, nó sẽ làm xói mòn ngành du lịch của chúng tôi, điều đã từng xảy ra trong quá khứ. Ngay cả khi tiếng trống trận không kéo dài lâu, thậm chí không xảy ra chiến tranh, tác động tiêu cực vẫn xuất hiện".
Theo ông Calvo, sau vụ khủng bố 11/9, chiến tranh Iraq và dịch Sars bùng phát năm 2003, hòn đảo đều có thời gian rơi vào suy thoái mạnh. Sau khi Triều Tiên tuyên bố kế hoạch tấn công đặc biệt nhằm vào đảo Guam, quan chức địa phương trên đảo đang tìm cách chống đỡ một cuộc khủng hoảng nữa.
E ngại
60% kinh tế trên đảo đến từ du lịch, 30% từ sự hiện diện của quân đội Mỹ. Trên đảo có khoảng 1,4 triệu du khách Nhật Bản và Hàn Quốc, trong khi dân số hòn đảo chỉ có 162.000 người. 13.000 quân nhân và gia đình sống trên đảo. Một phần ba diện tích đảo thuộc sở hữu của quân đội Mỹ.
Các nhà khai thác du lịch ở Guam cho biết việc hủy tour hàng loạt vẫn chưa xảy ra, nhưng họ lo sợ bầu không khí căng thẳng hiện nay sẽ khiến khách Hàn Quốc và Nhật Bản lựa chọn điểm đến khác.
"Đây là chuyện hai cậu bé (Mỹ và Triều Tiên) tranh cãi vặt, nhưng tôi lo ngại rằng người Hàn Quốc và Nhật Bản lại nghiêm trọng hóa vấn đề này", Benjamin Cruz, phát ngôn viên cơ quan lập pháp Guam, nói. "Trump chỉ nghĩ rằng Guam là một tiền đồn của quân đội, chứ không phải một cộng đồng công dân Mỹ thịnh vượng".
|
Khách du lịch Nhật Bản và Hàn Quốc trên biển Guam. Ảnh: Reuters. |
Guam từ lâu có biệt danh là "mũi giáo" bởi vị trí chiến lược của nó, nhưng các tổng thống Mỹ đều chỉ coi đó là một điểm dừng để tiếp nhiên liệu cho Không quân, thay vì coi đó là tuyến phòng thủ đầu tiên.
"Washington phải hiểu rằng nếu muốn mũi giáo được sử dụng đúng đắn và có hiệu quả, họ cần phải chăm sóc Guam cẩn thận", Cruz nói. "Giáo mà không có mũi thì chỉ là thứ vô dụng".
Cruz bày tỏ thất vọng với các quan chức Mỹ bằng câu nói cửa miệng của ngôn ngữ Chamorro địa phương là "fa'taotao" (hãy đối xử với chúng tôi như con người).
Guam được Tây Ban Nha nhường lại cho Mỹ năm 1898. Người dân trên đảo cũng từng chịu sự chiếm đóng của phát xít Nhật suốt ba năm. Đối với nhiều người dân lớn tuổi trên đảo, những lời đe dọa gần đây từ Triều Tiên đã gợi nhớ lại ký ức đau thương về quá khứ đẫm máu của hòn đảo, nhưng với thế hệ trẻ, những lời đe dọa này chỉ là lời nói suông.
"Điều tệ nhất họ làm được là giết chúng tôi", Chloe Pace, 20 tuổi, sinh viên đại học Guam nói. "Cho tới khi họ giết được chúng tôi, điều duy nhất họ làm được là đe dọa, mà chúng tôi không thể sợ họ".
Pace là con gái của một thủy thủ, sống sót qua trận động đất ở Nhật Bản năm 2011 và bị sang chấn tâm lý từ đó tới nay. Tuy nhiên, cô học cách sống chung với nó, tập trung vào làm việc ở một quán bar nơi du khách châu Á thường hào phóng cho tiền boa.
Trên đảo đầy các shop hàng hiệu với hàng trăm biển quảng cáo bằng tiếng Anh, tiếng Nhật và tiếng Hàn. Quảng cáo trường bắn chỉ viết bằng tiếng Nhật, mời gọi khách du lịch thử trải nghiệm hiếm có tại quốc gia mà súng bị cấm hoàn toàn.
Cơn bão
Guam còn là nơi người dân rất sùng đạo. Làng nào trên đảo cũng có nhà thờ Công giáo. Các linh mục đang kêu gọi người dân bình tĩnh trước cuộc khẩu chiến giữa Bình Nhưỡng và Washington.
"Chúng ta đang nói nhiều tới việc tìm kiếm bình an trong tâm hồn và trong cuộc sống", cha xứ Mike Crisostomo, linh mục trong một nhà thờ trên đảo, nói. "Nếu lãnh đạo của chúng ta đi đầu làm gương sẽ rất hữu ích".
|
Cha xứ Mike Crisostomo trong nhà thờ. Ảnh: Guardian. |
Ngày 13/8, một cuộc tuần hành lớn kêu gọi hòa bình sẽ diễn ra ngoài nhà thờ lớn trên đảo. Cha Crisostomo hy vọng cuộc tuần hành sẽ khích lệ tinh thần các con chiên trước lời đe dọa từ Triều Tiên. Các linh mục đã nói với người dân rằng hãy coi chuyện này như một cơn bão đang tới, mà ở đây thì lúc nào cũng có bão.
Dù nhiều người trên đảo Guam tin tưởng những lời đe dọa chỉ là khẩu chiến, nhưng họ nhận thức sâu sắc được nếu tình hình leo thang, hòn đảo sẽ rơi vào nguy cơ thực sự.
"Tổng thống Donald Trump đã đưa ra cảnh báo trả đũa bằng vũ lực, nhưng chúng ta không cần phải chứng minh rằng chúng ta mạnh hơn Triều Tiên", cha Crisostomo nói. "Trump không cần thiết phải gồng mình chứng tỏ Mỹ hùng mạnh. Nếu có chuyện xảy ra, chúng tôi, hàng nghìn người dân trên đảo, mới là nạn nhân hứng chịu tấn công".
Theo Hồng Hạnh (VnExpress.net)