Năm 2012, David Kong, trong nỗ lực mở rộng công việc làm ăn của công ty phát hành sách, đã quyết định vay 1,6 triệu Nhân dân tệ (khoảng 5,5 tỉ VNĐ), từ nhiều nguồn khác nhau: Ngân hàng, Tổ chức tín dụng và môt vài cá nhân.
Công việc làm ăn không thuận lợi, 3 năm sau, công ty phát hành sách của Kong phá sản. Dù nỗ lực nhưng Kong trở thành một con nợ. Nghiêm trọng hơn, Kong bị liệt vào danh sách đen của NPCIC (Trung tâm thông tin tín dụng Công dân Quốc gia Trung Quốc). Trong hệ thống tín dụng xã hội Trung Quốc (SCS), hiểu một cách đơn giản, Kong bị gán mác “không đáng tin cậy”.
Năm 2014, nội các Trung Quốc đã công bố kế hoạch xây dựng hệ thống SCS vào năm 2020. Kể từ năm 2015, một mạng lưới quốc gia tập hợp thông tin về chính quyền trung ương và địa phương đã được sử dụng để đưa hàng triệu người vào "danh sách đen", không cho phép họ được đặt vé máy bay và tàu cao tốc - một phần của hệ thống có liên kết với SCS.
SCS xem là biện pháp khuyến khích cách hành xử đúng mực thông qua điểm thưởng - phạt. Phân loại công dân trên thang điểm từ 1 (yếu kém) đến 5 (ưu tú), hệ thống này không chỉ đánh giá mọi hành vi của người dân nơi công cộng mà còn giám sát những quyền riêng tư như thói quen mua sắm, các mối quan hệ bạn bè, thời gian dành cho các thú vui bị coi là không lành mạnh, việc thanh toán hóa đơn điện, nước, đóng thuế cũng như các khoản vay tín dụng…
SCS xác định cả điểm tích cực lẫn điểm âm cho hành vi của mỗi cá nhân hoặc cả doanh nghiệp nhằm nâng cao ý thức của người dân. "Danh sách đen" của SCS hàng năm nằm trong nỗ lực thúc đẩy "sự đáng tin cậy" của xã hội Trung Quốc và cũng là sự mở rộng của hệ thống tín dụng xã hội, dự kiến sẽ chấm điểm cho 1,4 tỷ công dân. Tuy nhiên, hệ thống này lại không/chưa xét đến khía cạnh hoàn cảnh cá nhân và như thế sẽ không công bằng khi đánh giá một công ty hay cá nhân là không đáng tin cậy.
Kong, 47 tuổi, là 1 trong số 13 triệu công dân Trung Quốc thuộc nhóm “yếu kém” và hệ quà là, ông không được phép tiếp cận các dịch vụ chất lượng tại chính đất nước mình đang sống.
Rã rời sau chuyến tàu ghế cứng 30 tiếng từ Trùng Khánh, Kong cho biết: “Tất cả những gì tôi có thể làm lúc này là cắn răng chịu đựng, chăm chỉ làm việc và cố gắng trả hết nợ. Đấy là con đường duy nhất để tôi thoát khỏi cảnh khổ nhục này”.
Vì Kong thuộc “danh sách đen” nên ông không được phép (dù có khả năng chi trả) cho việc di chuyển bằng máy bay hay tàu tốc hành, các phương tiến có thể giúp Kong rút ngắn quãng thời gian “hành xác”.
Điều đáng nói, kể cả Kong nỗ lực tột cùng để trả nợ, thì việc bị dán mác “thiếu tin cậy”, “không đủ uy tín” càng khiến công việc làm ăn của ông lâm vào tình thế bế tắc. “Bạn thuộc danh sách đen và thứ bạn phải đối mặt thường xuyên, là các đối tác tiềm năng đều tìm cách tránh xa bạn”, Kong chua chát nói.
Như những chuyến đi dài trước, đây là một vụ làm ăn thất bại nữa của Kong. Đối tác đón Kong ở Trùng Khánh, sau khi thấy ông sử dụng phương tiện tàu ghế cứng để di chuyển đã kiểm tra và phát hiện tên của Kong hiện diện ở “danh sách đen” của SCS. Không có bất kì kí kết hợp tác nào diễn ra sau đó nữa!
Hiện Kong đang sống trong 1 căn hộ nhỏ (thuê) ở ngoại ô Bắc Kinh với mức chi tiêu vô cùng tằn tiền, chỉ khoảng 500 Nhân dân tệ/ tháng (tương đương 1,7 triệu VNĐ). Kong thừa nhận ngay cả khi ông cố gắng gia tăng điểm SCS, qua các hoạt động cộng đồng như làm tình nguyện viên hay hiến máu (…), thì con đường duy nhất để Kong thoát khỏi “danh sách đen” là trả hết nợ.
Với những người như Kong, bị liệt vào “danh sách đen” của SCS không khác nào tù giam lỏng. Kong và 13 triệu công dân bị gán mác “không đáng tin cậy” sẽ chỉ “ra tù” khi họ trả hết sạch nợ.
Theo báo cáo thường niên vào cuối năm 2018 của Trung Tâm Thông tin Tín dụng Công dân Quốc gia Trung Quốc, dưới áp lực từ SCS, tổng cộng 3,51 triệu cá nhân và tổ chức trong "danh sách đen" đã thanh toán các khoản nợ hoặc thuế và tiền phạt vào năm ngoái.
Bao giờ Kong mới “ra tù”?
THANH XUÂN (SHTT)