Ngày này, ở hầu hết các quốc gia đều có những tổ chức cũng như các điều luật để bảo vệ trẻ em, giúp cho mọi đứa trẻ đều có được một môi trường sống hạnh phúc, an toàn và lành mạnh. Tuy nhiên, trẻ em của thế kỷ trước lại không được may mắn như thế.
Năm 1874, Hiệp hội phòng chống bạo hành trẻ em ở New York mới được thành lập. Theo tư liệu, đây cũng là tổ chức đầu tiên trên thế giới được tạo ra để bảo vệ trẻ em. Và nguyên nhân có sự xuất hiện của tổ chức này được bắt nguồn từ câu chuyện về cuộc sống kinh hoàng của cô bé Mary Ellen Wilson, nạn nhân đầu tiên từng được ghi nhận của nạn bạo hành trẻ em tại Mỹ, người khiến cho luật pháp của quốc gia này phải thay đổi.
Mary Ellen Wilson sinh vào tháng 3 năm 1864 tại New York. Bố của Mary mất trong chiến tranh còn mẹ cô bé vì quá nghèo, phải bươn chải chật vật kiếm sống nên không thể nào gánh gồng thêm việc nuôi một đứa con nhỏ. Đến năm 2 tuổi, Mary được gửi vào Sở từ thiện thành phố New York.
Số phận của Mary Ellen bắt đầu thay đổi hoàn toàn sau khi cô bé được vợ chồng Mary McCormack nhận nuôi dưỡng. Sau khi chồng cũ qua đời, Mary tiến thêm bước nữa với Francis Connolly. Hai vợ chồng đưa Mary Ellen dọn đến sống tại căn hộ trên đường West 41st. Cũng chính tại đây, cô bé Mary Ellen đã phải gánh chịu địa ngục trần gian với vô số màn tra tấn kinh hoàng từ bố mẹ nuôi. Hàng xóm xung quanh là những người đầu tiên phát hiện ra biểu hiện bất thường từ cô bé.
Dù còn rất nhỏ tuổi, Mary Ellen đã bị bắt phải phục dịch bố mẹ nuôi như nô lệ. Cô bé thường xuyên bị đánh đập, cơ thể chi chít vết bầm, vết cắt và vết bỏng. Mary Ellen bị suy dinh dưỡng nặng. Chỗ ở của cô bé chính là bên trong một chiếc tủ nhỏ và chỉ được phép ra ngoài vườn vào ban đêm.
Một người hàng xóm vì cảm thương trước hoàn cảnh của Mary Ellen nên đã nhờ một nhà truyền giáo đang hoạt động ở địa phương, Etta Angell Wheeler, đến kiểm tra đứa trẻ. Sau khi tìm cách dụ được người mẹ nuôi Mary ra khỏi nhà, Etta đã xâm nhập vào bên trong và tận mắt chứng kiến "địa ngục trần gian" mà cô bé Mary Ellen đã phải chịu đựng. Thậm chí ngay giữa tháng 12 rét buốt, cô bé Mary Ellen còn không có lấy một chiếc áo lành lặn trên người và phải đi chân trần, khắp người em là những vết bỏng rộp, vết thương do bị cắt và nhiều chỗ bầm dập đến đáng sợ.
Etta đã bị sốc đến không thể nói nên lời và càng quyết tâm hơn để giải cứu đứa trẻ ra khỏi hoàn cảnh sống khủng khiếp ấy. Tuy nhiên ở thời điểm đó lại không hề tồn tại một tổ chức nào đứng ra để bảo vệ quyền lợi cho trẻ em. Cùng với sự giúp đỡ của một luật sư từ Hiệp hội chống bạo hành động vật Mỹ, cuối cùng Etta đã có thể kiện vợ chồng Mary và Francis Connoly ra tòa, tước quyền nuôi dưỡng của chúng đối với cô bé Mary Ellen.
Năm 1874, vụ bạo hành cô bé Mary Ellen được đưa lên Tòa án tối cao New York. Lời khai của cô bé 10 tuổi trước tòa khiến cho bất kỳ ai cũng sụt sùi thương cảm đồng thời càng phẫn nộ hơn vì sự tàn ác của cặp bố mẹ nuôi.
"Con không biết con bao nhiêu tuổi. Mẹ có thói quen đánh con, bà đánh con mỗi ngày bằng roi. Mỗi lần như vậy cả người con đều bị tím bầm. Trên đầu con có một vết cắt bằng kéo, mẹ đã dùng kéo để cắt vào. Con chưa từng được ai hôn, mẹ chưa từng hôn con bao giờ. Mẹ cũng chưa từng âu yếm hay ôm ấp con. Con không dám nói chuyện với ai cả vì nếu con mở miệng ra mẹ sẽ đánh con. Con không biết vì sao mình bị đánh, mẹ không bao giờ nói gì cả khi đánh con…"
Cùng với lời khai của hàng xóm, Mary Connoly bị tuyên phạt 1 năm tù giam. Cũng trong năm đó, Hiệp hội chống bạo hành trẻ em New York được thành lập, là tổ chức đầu tiên tại Mỹ cũng như trên thế giới, ra đời để bảo vệ quyền lợi của trẻ em.
Sau cuộc giải cứu, Mary Ellen được Etta Wheeler nhận làm con nuôi. Năm 24 tuổi, Mary Ellen kết hôn cùng Lewis Schutt. Cả hai có với nhau 2 người con gái và người con lớn của Mary Ellen được đặt tên là Etta như một cách để bà nhớ về người mẹ nuôi, cũng là ân nhân quan trọng nhất đời mình. Sau này Mary Ellen nhận luôn 3 đứa con của Lewis Schutt với vợ cũ làm con nuôi. Bà sống một cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc, sum vầy bên con cháu đến năm 1956 thì qua đời. Bà Mary Ellen hưởng thọ 92 tuổi.
Theo Đinh Hương (Helino)