Cuộc gặp cuối cùng giữa Mao Trạch Đông và Tưởng Giới Thạch

07/11/2015 20:36:03

70 năm trước, lãnh đạo Quốc dân đảng và đảng Cộng sản Trung Quốc đã có cuộc gặp cuối cùng trước khi cuộc nội chiến nổ ra, dẫn tới việc Đài Loan tách khỏi đại lục.

70 năm trước, lãnh đạo Quốc dân đảng và đảng Cộng sản Trung Quốc đã có cuộc gặp cuối cùng trước khi cuộc nội chiến nổ ra, dẫn tới việc Đài Loan tách khỏi đại lục.

Mao Trạch Đông (trái) gặp Tưởng Giới Thạch tại Trùng Khánh, Trung Quốc năm 1945

 
Theo New York Times, tháng 8/1945, Mao Trạch Đông bay từ căn cứ của mình ở vùng núi Diên An đến Trùng Khánh, trụ sở Quốc dân đảng của ông Tưởng Giới Thạch. Đây là cuộc họp cuối cùng giữa lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc với Quốc dân đảng.
 
Cuộc gặp này trở thành một vòng hội đàm kéo dài 7 tuần do chính quyền Tổng thống Mỹ Harry S. Truman làm trung gian, với hy vọng thiết lập một chính phủ liên minh cho một Trung Quốc thống nhất và đảm bảo rằng chiến thắng giành được trước Nhật Bản sẽ không biến thành một cuộc nội chiến. Liên Xô, khi đó vẫn là đồng minh của Mỹ, cũng ủng hộ cuộc họp này.
 
Nhiều ý kiến cho rằng vòng đàm phán sẽ không thành công vì hai bên là hai kẻ thù cũ. Năm 1923, đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc dân đảng hình thành một mặt trận thống nhất, sau đó tách ra vào năm 1927. Họ đã chiến đấu với nhau trong một thập kỷ, cuối cùng, lực lượng đảng Cộng sản Trung Quốc rút về Thiểm Tây trong cuộc Vạn Lý Trường chinh.
 
Với cuộc xâm lược của Nhật Bản, ông Mao và ông Tưởng năm 1937 đồng ý lần thứ hai thiết lập mặt trận thống nhất để chống Nhật. Mỹ trong nửa sau của Thế chiến II đã cố gắng thúc đẩy quan hệ giữa đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc dân đảng để chống lại kẻ thù chung.
 
Ông Mao đến Trùng Khánh sau khi quân Đồng minh giành chiến thắng trước Nhật Bản, vào thời điểm này, đã có một sự tan băng nhỏ giữa ông Mao và ông Tưởng.
 
Ông Mao đã rất lo lắng về chuyến bay. Ông yêu cầu đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, Patrick J. Hurley, đến đón ông bằng máy bay Mỹ. Đó là chuyến bay đầu tiên của Mao Trạch Đông, theo cuốn sách "Trung Quốc năm 1945" của Richard Bernstein, cựu trưởng văn phòng New York Times tại Bắc Kinh.
 

Mao Trạch Đông (trái) hạ cánh ở Trùng Khánh, cùng với Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, Patrick J. Hurley. Ảnh: AP

 
Khi ông Mao hạ cánh an toàn ở Trùng Khánh ngày 27/8, ông được hỏi cảm nghĩ của ông về chiếc máy bay. "Rất hiệu dụng", ông Mao trả lời, theo Bernstein. Ông Mao sau đó đi vào thành phố trên một chiếc Cadillac đen của Đại sứ quán.
 
Sau đó ông dùng bữa tối với ông Tưởng Giới Thạch. Đây là lần đầu tiên hai người gặp trong 20 năm, phóng viên New York Times Tillman Durdin tại thời điểm đó viết. Trong 7 tuần tiếp theo, hai ông tổ chức nhiều cuộc họp riêng và thường đi dạo trong khu vườn của ông Tưởng.
 
Ngày 11/10, ông Mao bay trở về Diên An. Một thông cáo chung giữa hai bên được đưa ra với những cụm từ như "hòa bình, dân chủ, đoàn kết và thống nhất", Hannah Pakula viết trong một cuốn sách được New York Times đánh giá cao. Tuy nhiên, vẫn chưa có một dàn xếp hoàn toàn nào giữa hai bên.
 
Đối với ông Mao, chuyến thăm Trùng Khánh xứng đáng với thời gian bỏ ra. Ông đã xoa dịu người Mỹ, những người mà ông muốn đứng bên lề trong căng thẳng giữa đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc dân đảng. Chiến lược của ông đã là "đánh đánh, đàm đàm".
 
Theo ông Bernstein, ông Chu Ân Lai, cộng sự của ông Mao trong các cuộc đàm phán, đặt ra cách diễn đạt này để mô tả mục tiêu của Cộng sản là kéo dài thời gian, ngăn ngừa các hành động hiếu chiến của đối phương, và sau đó, khi thời cơ đã chín muồi, thì thực hiện hành động quân sự toàn diện.
 
Chỉ một năm sau, cuộc nội chiến toàn diện nối lại. Và năm 1949, lực lượng Quốc dân đảng của ông Tưởng Giới Thạch phải chuyển đến Đài Loan còn ông Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, với thủ đô ở Bắc Kinh.
 
Hôm nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa một chủ tịch nước Trung Quốc với một lãnh đạo Đài Loan từ sau khi hòn đảo tách khỏi đại lục năm 1949. Cuộc gặp chiều nay giữa hai người diễn ra tại Singapore, bắt đầu bằng một thông báo khai mạc, sau đó là phiên thảo luận kín. Hai lãnh đạo sẽ tổ chức họp báo riêng rẽ trước khi đi ăn tối.
 
>> Tập Cận Bình và lãnh đạo Đài Loan bắt tay hơn một phút
>> Từ Singapore, ông Tập lại nói vô căn cứ về Biển Đông
 
Theo Phương Vũ (VnExpress.net)