Trước khi đón Chủ tịch Tập Cận Bình tới Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã thừa nhận cuộc gặp với nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ "vô cùng khó khăn", viện dẫn tình trạng thâm hụt thương mại và thất thoát việc làm của Mỹ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump. |
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lu Kang không đưa ra chi tiết về nghị trình. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh sự cần thiết phải xem xét bức tranh toàn cảnh trong khi củng cố các lợi ích chung về thương mại.
"Hai nước nên hợp tác cùng nhau để tạo ra chiếc bánh lợi ích chung lớn hơn, chứ không chỉ đơn thuần tìm kiếm một sự phân bổ công bằng hơn", ông Lu Kang nói.
Phía phát ngôn viên của Tổng thống Mỹ là Sean Spicer xác định cuộc gặp là cơ hội cho hai nhà lãnh đạo xây dựng một mối quan hệ.
Quan hệ Trung - Mỹ đã trở nên khó đoán sau khi chiến thắng bầu cử đưa Donald Trump vào Nhà Trắng. Trong số nhiều vấn đề, ông lên án Trung Quốc thực thi thương mại không công bằng và dọa sẽ tuyên bố nước này thao túng tiền tệ, hạ thấp giá đồng Nhân dân tệ để khuyến khích xuất khẩu, khiến cho các doanh nghiệp và thị trường việc làm Mỹ bị tổn hại. Ông còn thề "không để Trung Quốc tiếp tục ước hiếp đất nước chúng ta, và đó là những gì họ đang làm. Đó là kẻ trộm lớn nhất trong lịch sử thế giới".
Tổng thống Trump thậm chí chọc giận Bắc Kinh khi điện đàm với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, không theo thông lệ của những người tiền nhiệm và phủ bóng nghi ngờ lên chủ trương của Washington lâu nay là nhất trí với chính sách "Một nước Trung Quốc" của Bắc Kinh.
Sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã dịu bớt lập trường và ngôn từ nhằm vào Trung Quốc. Trong cuộc điện đàm ngày 9/2 với Chủ tịch Tập Cận Bình, ông tái khẳng định sự ủng hộ đối với chính sách "Một nước Trung Quốc".
Trong một bài bình luận mới đây, tờ Nhật báo Trung Quốc cho rằng các mối quan hệ Mỹ - Trung "dường như đã tìm được một nhịp điệu hay" sau "những ngôn từ và hành động không thích hợp trước đó từ tân chính quyền Mỹ".
Nói về cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập, thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer nói: "Tôi chắc chắn sẽ có rất nhiều cuộc thảo luận về mối quan hệ kinh tế của chúng ta" tại hội nghị ở Mar-a-Lago.
Theo Reuters, tại cuộc gặp, một trong những chủ đề quan trọng mà ông Trump sẽ thúc ép ông Tập thực hiện là kiềm chế tham vọng hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.Trước đó, Đại sứ Nikki Haley đã đề cập đến vấn đề này, nhấn mạnh rằng Mỹ không thể thay đổi cách thức suy nghĩ của Triều Tiên nhưng "Trung Quốc có thể".
"Tôi biết Trung Quốc muốn thấy Triều Tiên dừng thử nghiệm. Vậy hãy chứng minh đi! Hãy chứng minh điều đó! Họ cần phải chứng minh bằng hành động...", bà Haley nói.
Bình luận kể trên của nữ đại sứ Mỹ chứng tỏ nỗi thất vọng ngày càng lớn không chỉ ở Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mà còn cả ở cộng đồng quốc tế trước sự bất lực của các nghị quyết cấm vận nhằm ngăn chặn Triều Tiên thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tên lửa.
Trong thời gian qua, căng thẳng về Triều Tiên không ngừng gia tăng. Năm ngoái, nước này đã tiến hành hai vụ thử hạt nhân và 24 tên lửa đạn đạo, khiến cho Washington lo ngại Bình Nhưỡng có thể sớm phát triển được một tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có tầm bắn tới Mỹ.
Theo Thanh Hảo (VietNamNet)