Khi nguy cơ về một cuộc chiến tranh toàn diện giữa Armenia và Azerbaijan vẫn đang để ngỏ, điều đang trở nên rõ ràng là hậu quả của cuộc chiến này sẽ không chỉ mang đến thương vong mà còn tạo ra trật tự khu vực mới, tờ Al Jazeera nhận định.
Sân chơi Nga-Thổ
Quá trình xung đột nhen nhóm trở lại ở Nagorno-Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan đã kéo dài nhiều tháng. Sau các cuộc đụng độ biên giới giữa Armenia và Azerbaijan vào tháng 7, Ankara đã tăng cường các lời tuyên bố chống lại Armenia vào tháng 8, ngay sau cuộc tập trận chung Thổ Nhĩ Kỳ-Azerbaijan. Sau đó, các thông tin về việc Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường hỗ trợ quân sự và việc chuyển giao thiết bị cho Azerbaijan bắt đầu lan truyền.
Bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 75 của các nhà lãnh đạo Armenia và Azerbaijan chỉ vài ngày trước khi bắt đầu các hoạt động quân sự quy mô lớn vào ngày 27/9 cũng là dấu hiệu báo trước sự leo thang.
Trong bài phát biểu của mình, cả Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đều sử dụng ngôn ngữ thận trọng. Trước là nói về sự can dự ngày càng tăng của Thổ Nhĩ Kỳ, còn sau là nói về sự thiếu tiến bộ ngoại giao và những động thái của người Armenia.
Kể từ đầu những năm 1990, các cuộc đàm phán để giải quyết xung đột Nagorno-Karabakh được thực hiện theo Tiến trình OSCE Minsk, một khuôn khổ châu Âu-Đại Tây Dương bao gồm sự tham gia của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây. Tuy nhiên, đã không có giải pháp hiệu quả nào cho cuộc xung đột được đưa ra.
Nhiều quan điểm bên ngoài đang cho rằng việc làm tan băng xung đột ở Nagorno-Karabakh là một chương mới trong cuộc chiến ủy nhiệm lâu đời giữa Moscow và Ankara ở Caucasus. Tuy nhiên, khi xem xét kỹ hơn, có vẻ như cả hai bên đang sử dụng cuộc xung đột mới này để làm việc cùng nhau nhằm tạo dựng ảnh hưởng trong khu vực và loại bỏ các cường quốc phương Tây.
Nghịch lý mối quan hệ yêu-ghét giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga được thể hiện rõ ràng nhất là vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiến đấu cơ Nga ở biên giới Syria vào tháng 11/2015. Thay vì được sử dụng như cái cớ để leo thang căng thẳng với chính Ankara, Moscow đã chuyển sang tăng cường bắn phá các đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ; và đến giữa năm 2016, câu chuyện dường như đã bị lãng quên, khi hai nước tuyên bố thiết lập lại quan hệ. Đến năm 2019, quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Nga đủ nồng ấm đến mức hai nước ký một thỏa thuận hợp tác quân sự, mở đường cho việc Ankara mua hệ thống phòng không do Nga sản xuất.
Ngoài có chung thái độ thù địch đối với phương Tây, cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã tận dụng một số tiến bộ trong vài năm qua để tăng cường hợp tác, đặc biệt là ở Nam Caucasus.
Do đó, chủ nghĩa biệt lập ngày càng tăng trong chính sách đối ngoại của Mỹ và sự thiếu quan tâm của các nước châu Âu trong khu vực, cùng với đại dịch Covid-19 toàn cầu chuyển sự chú ý của hầu hết các nước sang các mối quan tâm về sức khỏe cộng đồng, tất cả đã tạo cơ hội cho Nga và Thổ Nhĩ Kỳ giành lấy “sân chơi” Nagorno-Karabakh cho riêng mình.
Gạt bỏ phương Tây
Tác động của việc chuyển xung đột Nagorno-Karabakh từ khuôn khổ đa phương sang dành riêng cho Nga-Thổ Nhĩ Kỳ (có thể có vai trò của Iran nhưng chưa rõ ràng) có thể mang đến những tác động lớn và lâu dài.
Trong bối cảnh đó, lập trường “chờ và xem” của Nga có thể mang lại hiệu quả trong lúc Armenia và Azerbaijan đều thấy mình đang lâm vào bế tắc quân sự, dù cho hai bên đều tuyên bố một số biến thể của “chiến thắng”.
Trong một kịch bản như vậy, Nga sẽ sử dụng các đòn bẩy khác nhau chống lại cả Armenia và Azerbaijan để đảm bảo họ chấp nhận lệnh ngừng bắn do Nga áp đặt với khả năng cao là lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga được triển khai trên đường liên lạc.
Bước đầu tiên hướng tới mục tiêu này là việc Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố (4 ngày sau khi cuộc giao tranh bắt đầu) rằng Moscow sẵn sàng mời gọi cả Armenia và Azerbaijan để thảo luận về khả năng giải quyết xung đột "một cách độc lập cũng như trong nhóm OSCE Minsk".
Từ quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ, “chiến lợi phẩm” mà Ankara có được sẽ là tuyên bố chiến thắng quân sự và ngoại giao cho Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, và quan trọng hơn là sự củng cố ảnh hưởng ngày càng tăng của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Azerbaijan.
Bất chấp Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc kêu gọi vào ngày 29/9 về việc kiềm chế xung đột và tiếp tục hòa giải trong khuôn khổ OSCE, rõ ràng Tiến trình Minsk không còn là một lựa chọn khả thi cho các bên liên quan đến xung đột - đặc biệt là Azerbaijan.
Không có dấu hiệu chấm dứt đối với các hoạt động quân sự giữa Armenia và Azerbaijan, sự chuyển đổi có thể xảy ra từ một khuôn khổ đa phương (Nhóm OSCE Minsk) sang một khu vực (Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran) là dấu hiệu cho thấy cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều không tính đến phương Tây như một thế lực có phần trong cuộc xung đột.
Theo Mạnh Kiên (Nguoiduatin.vn)